Tui gặp · June 10, 2022 0

Nỗi sợ khi ta không còn học được nữa

Trong buổi học hôm qua, thầy của mình đã kể rằng: “Một ngày nào đó rồi tôi cũng sẽ nghỉ hưu. Nhưng tôi không sợ điều đó, bởi vì dù tôi già đi và nghỉ hưu, tôi vẫn còn trí tuệ của mình”

Hoa Bồ Công Anh, một hoàng hôn ở trường Quốc Lập Thanh Hoa – Tân Trúc, Đài Loan ***

“Một ngày nào đó tôi sẽ nghỉ hưu…” 🙂
Người thầy đang nói câu đó tóc đã bạc trắng. Thầy đã sống một đời học không ngừng nghỉ, từ cậu học trò làng nghèo, tới sinh viên sư phạm, kỹ thuật, IT, MIS,… đến giáo sư khoa học dịch vụ, đổi mới sáng tạo… Thành tựu thầy để lại cho cuộc đời này ở khắp nơi, từ những viện nghiên cứu do thầy thành lập, thư viện do thầy điều hành, các dự án phát triển bền vững cho cộng đồng nông dân địa phương do thầy khởi xướng, hoạt động hồi sinh các công trình cũ của thành phố,…

Lịch họp của thầy luôn là một bảng đủ màu sắc kín hết Google Calendar, kể cả cuối tuần. Nhưng tới lớp thì vẫn đầy năng lượng và khuyến khích sinh viên đăng ký lịch tư vấn 1:1.

Và bây giờ thầy đang nói về một tương lai “có vẻ như” còn xa xăm lắm, chuyện “một ngày nào đó tôi sẽ về hưu”. Để nghe như chính là chuyện của cuộc đời tôi chứ không phải đời thầy. Thầy hay bảo, tôi còn ít nhất 28 năm nữa mà (không hiểu tại sao là số 28 luôn).

Thầy không sợ ngày NGHỈ hưu đó, vì thầy còn trí tuệ. Các thầy cô đồng nghiệp của tôi trước đây cũng vậy, bản thân tôi cũng từng thấy vậy. Khi học liên tục trong cuộc đời, và làm cái công việc nghiên cứu – giảng dạy học thuật, thì con người cảm thấy mạnh mẽ và tự do lắm. Như nhiều người ví von kiến thức là vũ khí, nên có kiến thức giúp bản thân tự chủ và tự tin. Và khi có khả năng tự học, bản thân sẽ cảm giác tự do. Tự học, như một loại kỹ năng, năng lực và cũng là hành trang.

Có lúc, tôi đã từng nghĩ nếu mình chẳng may mất đi nhan sắc hay sức lực, thì trí tuệ còn đó vẫn có thể giúp tôi sáng tạo, viết lách để sống + kiếm sống được.

Trí tuệ thực sự quan trọng như thế, và khả năng học tập thực sự hữu ích như thế.
Nhưng trong kiếp người này, phàm cái gì quan trọng, thì sẽ đi kèm với một nỗi sợ: sợ bị MẤT đi. Có khi cũng là sự ám ảnh bởi nỗi sợ đó.

Tôi có một vài trải nghiệm với các câu chuyện dementia và alzheimer, và tôi nghe rồi thấy các câu chuyện đó ở khắp mọi nơi. Có lẽ, đã sợ, đã ám ảnh, thì sẽ thấy hiện tượng đó xuất hiện nhiều 🙁 Tôi sợ khi những gì mình biết hôm nay sẽ không còn nhớ vào ngày mai, quên luôn cả chính mình, khi trí tuệ bị mất đi từng mảng không hồi phục được nữa.

Đó không phải một kiểu mất trí nhớ mà vẫn hạnh phúc vui sống khi cuộc đời bước sang trang. Mà đó là lúc khả năng học tập cũng mai một đi, và có thể… chẳng thể học được nữa. Những người mà tôi đã thấy, họ có vẻ cũng chẳng hạnh phúc, cũng chẳng bình an.

Mà vậy là… học cũng là một dạng hạnh phúc? Phúc cho ai vẫn còn được trí tuệ, vẫn được học mỗi ngày… và được bình an.

Tôi không tham vọng sẽ có nhiều thành tựu giống thầy, tôi chỉ mong mình đủ sức, đủ nhiệt tâm để dấn thân cả đời như thầy. Và tôi mong, cả thầy và tôi, rồi một ngày khi về hưu, vẫn còn đủ trí tuệ để an nhiên ngắm nhìn cuộc sống vẫn tiếp tục trôi.


*** Hình hoa bồ công anh lúc hoàng hôn, ở bãi cỏ ven sân bóng chày. Tân Trúc gió mạnh, đến chiều thì gần như Bồ công anh tan tác cả rồi, nhưng có lẽ đây là một cái bông muộn màng nên còn nguyên vẹn. Chụp ảnh Bồ công anh mình mới biết không phải nó nở ra từ một cái nụ hoa, mà nó là trạng thái hoa già cỗi của bông cúc dại (hình này là của một loại cúc dại màu vàng, mấy cái nụ kế bên sẽ nở ra cúc vàng). Và chụp ảnh bồ công anh thì không dàn dựng setting được gì, vì thấy cái bông vững trước gió vậy, chứ chạm nhẹ là tan tác ngay… có gió thì bay vèo là hết, đứng gió thì rụng không còn gì… và tôi lại nghĩ tới alzheimer.