Ở Đài Loan, ngành công nghiệp sáng tạo (#creativeindustry) cũng rất phát triển. Nếu so trong các nước châu Á, thì có lẽ không lớn như Nhật hay Hàn Quốc, nhưng đây vẫn là một ngành sôi động, đầy triển vọng và khá phát triển trong khu vực.
Một nhánh thú vị của ngành này là ngành xuất bản, bản quyền và giải trí với các nhân vật. Hu Creates của Angie Hu là một ví dụ. Công ty này hoạt động như một dịch vụ trọn gói từ tư vấn đến triển khai, đăng ký và bảo vệ bản quyền, giúp các họa sỹ đưa tác phẩm của mình ra thị trường. Họa sỹ chỉ cần tập trung vào chuyên môn sáng tác, mọi việc còn lại Hu Creates sẽ lo.
Một trong những thương hiệu nổi tiếng được Hu Creates phát triển là Pang Hu (胖虎 Hổ Mập) của họa sỹ Bu2Ma (bu-er-ma). Bu2ma là Alexander, một họa sỹ ở Bắc Kinh. Trước khi vẽ hổ, Alexander vẽ truyện tranh và từng vẽ bộ sưu tập vẽ mèo khá nổi tiếng. Anh bắt đầu vẽ hổ từ 2017, và có tác phẩm 明知山(ming zhi shan) đạt giải sáng tạo, khá nổi tiếng với con cọp mập to đùng đứng trên đỉnh núi mà không biết làm sao đi xuống. Ở Đài Loan, con cọp mập này rất được yêu thích. Thương hiệu này còn được phát triển mở rộng sang US, Hongkong, Macau,… Đến năm Nhâm Dần 2022, thì ở VN nói đến bạn cọp mập này vì các hình ảnh chụp với bạn cọp giận dỗi rất đáng yêu.

“Khẩu hiệu” của Bu2Ma là 我不是老虎 (tôi hông phải là hổ). Nhưng hổ của Bu2Ma thì biến hóa sáng tạo vô cùng. “Chất liệu” để sáng tạo có thể là hiện tượng xã hội, hội họa, hổ biến hình (thành cá, khủng long, chim,…), các sắc thái cảm xúc, mẹ và con, v.v. Những sáng tạo này được sản xuất thành sản phẩm như mô hình, gối mền, tranh xếp hình, lắp ráp gỗ, hoặc in lên khăn, áo, ly nước, bình nước, balo túi xách… Không thiếu bất kỳ sản phẩm gì mà không thể có Pang Hu.
Một trong những sản phẩm bán rất chạy là bộ sưu tập các mô hình nhỏ, cao khoảng 5-7cm, rất đẹp. Bộ này có tên là “Tiger can be everything”. Năm ngoái, mình đếm đâu khoảng 30~32 mẫu khác nhau, có mẫu có thêm kích cỡ nhỏ hơn nữa. Vấn đề là các mẫu này được bỏ trong chiếc hộp BÍ MẬT. Mỗi hộp đồng giá 350元, một collection gồm 4 hoặc 6 hộp và có khoảng 4-5 collections chủ đề như vậy. Nếu mua trọn collection thì giá không giảm nhưng được tặng con thứ 7 surprising là hàng limited không bán. Mình thực sự chỉ cần con cọp nằm bẹp dí lười chảy thây vì nó giống mình khi học hành phd, nhưng không thể biết hộp nào là con cọp đó
Phụ huynh dẫn con đi chơi thì thường cho phép con mua chiếc hộp lẻ, các cặp đôi hẹn hò muốn có kỷ niệm ngày hẹn hò cũng thích sự bất ngờ này. Nhưng mua làm quà tặng hoặc sưu tầm sẽ mua trọn bộ.
Ngoài sản phẩm ra thì còn các dịch vụ giải trí. Máy chụp ảnh sticker, thiết kế postcard, in nhãn dán vở trang trí scrapbook, in medal kỷ niệm… rồi mấy trò may rủi như quả trứng đồ chơi, gắp thú đồng giá 50-60元,bấm nút trúng quà ngẫu nhiên 300元/lần chơi. Có cả mấy chiếc máy đổi tiền xu để tiện cho người dùng chi tiêu. Quầy tính tiền xếp hàng dài, người nào cũng xách túi lớn túi nhỏ đi ra. Khu vực may rủi luôn tấp nập, tiếng còi nhạc bấm nút trúng quà hú liên tục báo hiệu có người vừa chơi. Ở Popup store đó, mình không chỉ thấy hổ, mà còn thấy dòng tiền như nước lũ . Khu vực triển lãm tham quan chụp ảnh thì vé vào cổng 200元。
Trên online, sản phẩm sticker cho LINE cũng có rất nhiều collection dễ thương. Pang Hu quả thật có thể là everything.
Trên thị trường B2B, PangHu hợp tác thương hiệu thời trang đồng hồ cao cấp, hoặc decor nhà hàng quán ăn, hoặc cung cấp quà khuyến mãi cho thực khách. Năm 2022, nhiều quán cafe đã chọn con hổ béo giận dữ làm quà tặng cho khách. Những ngày lễ kỷ niệm thì mẫu mẹ & con, khủng long,… sẽ rất phù hợp. Kênh bán hàng có cả online offline. Các pop up store thường mở rải rác khắp Đài Loan. Cái mà PangHu chưa có là animation, anime, live action, truyện và game.
Và việc ngành này phát triển phải kể đến là đặc điểm tiêu dùng của thị trường. Thị trường thích những nhân vật như vậy, và nếu có nhân vật mới ra, họ sẽ xem đó là nhân vật gì và đến tham quan. Chuyện đi tham quan và mua sắm sản phẩm sáng tạo không phải chuyện chỉ dành cho “trẻ trâu”, các cặp vợ chồng có con nhỏ nằm xe nôi cũng đi, những người cao tuổi độc thân dẫn chó đi dạo cũng đến. Họ chi tiền cho cả trải nghiệm và sản phẩm. Các sản phẩm này còn là câu chuyện để thế hệ cha mẹ nói với con cái, như bạn cùng lab với mình 52t có cậu con trai 18t, họ cùng xem phim, đọc manga, đi xem triển lãm và kết nối với nhau.
Như khi mình tham quan triển lãm của Pang Hu ở Taipei hôm đó, có tới 6 quầy bán vé cho 8 thương hiệu khác nhau đang triển lãm (có 2 thương hiệu miễn vé). Tất cả các popup store của các thương hiệu này đều có cùng một công thức, cùng đa dạng sản phẩm dịch vụ, chỉ có phong cách thiết kế là khác đi. Phân khúc rất rõ ràng, và cạnh tranh (chắc hẳn) khốc liệt lắm. Nhưng người dùng thì thanh thản tham quan và chi tiêu. Khi họ mua một nhân vật nào đó, họ biết câu chuyện thương hiệu phía sau. Họ follow theo insta của nhân vật, và cập nhật khi có thông tin mới. Họ có thể chơi hệ sưu tập, hoặc hệ sở thích thấy cute thì mua.
Nếu hỏi rằng vậy họ có mua hàng nhái hàng giả không? Mình chẳng biết, chỉ biết 2 điều thế này. Thứ nhất, chi phí sáng tạo mới đắt, chứ sản xuất sản phẩm này thực sự không đắt nên giá của chẳng cao lắm giữa một sản phẩm có brand và không brand. Thứ hai là, vô chợ mua đại một sản phẩm nhái (nếu có khả năng tìm ra được), thì chính người mua cũng tuột cả mood vì mất đi cái giá trị của sự unique rồi. Giá trị của sản phẩm là do người mua cảm nhận mà.
.:: Cọp Giấy ::.