Tui đi · September 16, 2022 0

16 chữ trên chiếc Sundial ở Thanh Đại

Lần đầu xem giờ bằng Sundial (舊日晷) 🧐 

Chiếc đồng hồ Sundial này là quà tặng của cựu sinh viên (khoá 1920) tặng trường nhân kỷ niệm 50 năm họp lớp (1970). Hơn 50 năm qua, do những thay đổi khi xây dựng công trình, mà chiếc đồng hồ này đã được di dời 2 lần, cuối cùng thì nằm ở chỗ này – một nơi có tia nắng khá đẹp.

Có 16 chữ được đề tặng trên chiếc bục của đồng hồ:

惟學無涯 寸陰是競

繼往開來 克念作聖

National tsing hua university – old sun dial (alumni 1920)

Duy học vô nhai – Thốn âm thị cạnh
Kế vãng khai lai – Khắc niệm tác thánh

Loay hoay vài ngày, tạm dịch ra một cách còn sơ sài thế này:
“Dù biển học là vô biên, từng tấc bóng mặt trời* phải cố gắng và phấn đấu
Tiếp bước người đi trước mở lối người đi sau, khắc chế tâm tưởng thành thánh hiền”

Thật ra câu chuyện dịch thuật 16 chữ này là một chuyện dài hơn nhiều.

Đầu tiên là hai chữ đầu tiên ở mỗi câu, không được viết theo chữ Khải (hán tự hiện đại), mà ban đầu thì mình cứ nghĩ đó là chữ Triện – loại chữ khắc cổ thời Tần, còn giữ nét tượng hình. Sau đó một người bạn người Đài giải thích lại, cả 16 chữ này là chữ Lệ, vuông vuông phẳng phẳng.

Nghĩa của 16 chữ này không nằm ở mặt chữ, mà là ở những triết lý sống, điển tích và bài học đi theo đó. Và cũng tuỳ theo trải nghiệm sống của mỗi người mà đọc hiểu những chữ này theo các cách khác nhau.

Duy học vô nhai – Thốn âm thị cạnh

“Vô nhai” là không có bờ bến giới hạn, là sự mênh mông vô hạn
“Thốn âm” như một đơn vị đo lường gọi là “tấc bóng mặt trời”. Mặt trời di chuyển trên cao, nhưng cái bóng phản chiếu của một chiếc que đo (cực nhỏ) tạo nên chiếc bóng cực nhỏ. Và cứ một đơn vị “tấc” của chiếc bóng này tương đương với một khoảng thời gian. Mặt trời và chiếc que là sự phản chiếu của một sự to lớn vĩ đại và một thứ quá nhỏ bé đơn giản. Sự di chuyển của mặt trời là sự vận động, chiếc que đo là sự bất động. Khoảng cách di chuyển là độ dài – không gian (thứ cụ thể hữu hình), nhưng đơn vị đo được là độ lâu – thời gian (thứ trừu tượng vô hình).

Với mình, chữ “thốn âm” này vô cùng đắt giá. Trong thơ văn, “thốn âm” thường dùng để chỉ một cái gì đó tích tắc là qua, rất nhanh, rất ngắn. Nếu nhìn như Deleuze và Guattari thì có lẽ “thốn âm” này quả thực là một cơ thể không bộ phận. “Thốn âm” bao gồm cả trong đó sự vận động và sự đứng yên vững chắc, gồm cả ánh sáng và cả vùng không được chiếu sáng, gồm cả độ dài và sự ngắn ngủi, gồm cả không gian và thời gian. Tất cả đối lập nhau và hoà hợp với nhau không có ranh giới phân biệt. Nghĩa là, không có sự tương phản hay phân thành hai loại ở đây, chỉ có một thể thống nhất được gọi là “thốn âm” mà thôi.

Chữ “thốn âm” này khi đặt cho một chiếc đồng hồ Sundial lại càng thú vị. “Thốn âm” chẳng phải là đơn vị đo của chiếc sundial này đó sao? – Hình: https://tuithichhoc.copgiay.com/

Nhưng không phải chỉ có “thốn âm” được đặt ra để có vế đối với “vô nhai”. Mà là toàn bộ bức tranh đó được khớp với nhau bằng từng chi tiết. Giữa một sân trường của Đại học rộng mênh mông (bao gần hết cái đồi), có chiếc đồng hồ nhỏ xíu bất động (nhưng thực ra là đang chuyển động mạnh mẽ, liên tục, bền bỉ và ghi lại toàn bộ sự vận động đó vào THỜI GIAN). Giữa biển học mênh mông vô biên (“duy học”), mỗi một điểm một nét một người nhỏ bé trong đó đều đang vận động (“thị cạnh”).

Lại phải nói về chữ HỌC () – đây là một chữ thú vị. Phần phía trên của chữ là 2 cánh tay 2 bên đang đưa ra để gom vũ trụ ở giữa, và bên dưới là người “sĩ tử” – người học nhỏ bé.

Còn chữ CẠNH “競”, là chữ “cạnh” trong “cạnh tranh”. Nhưng ý nghĩa của nó không phải ý nghĩa như thường được hiểu trong văn hoá kinh tế thị trường đầy ham muốn, có cả sân si và một cái gì đó đến từ những áp lực bên ngoài (ví dụ như từ đối thủ, từ công việc). Chữ CẠNH này có ý nghĩa của cái gì đó có vẻ từ bên trong hơn. Chữ LỰC (mạnh, đứng, setup) ở phía trên chữ HUYNH (người anh lớn), và lập lại 2 lần. Chữ này đã tiến hoá khá nhiều trong quá trình tượng hình. Chữ cổ ngày xưa cho thấy “CẠNH” ra đời từ những cuộc thi (có tính chất vận động tay chân hơn đầu óc), nhưng rồi có thêm nét thể hiện sự “tranh luận”. Chữ gần với chữ hiện đại nhất có trong đó ý nghĩa của “cỏ phát triển tươi tốt” thể hiện hàm ý của “sự phấn đấu”. Nên chữ CẠNH trong 16 chữ này không phải là sự ham muốn của chiến thắng, mà nội hàm có sự phấn đấu từ bên trong, một sự vận động để có sức mạnh của nội tại, để đứng vững.

Kế vãng khai lai – Khắc niệm tác thánh

8 chữ này lại chính là 2 bài học sống.

Kế vãng khai lai Khắc niệm tác thánh – Hình: https://tuithichhoc.copgiay.com/

Kế vãng Khai lai là câu chuyện từ đời nhà Tống, xuất hiện khi Chu Tử viết về Trình Hạo và Trình Di. Cũng chính ông đã kế vãng khai lai phát triển tư tưởng Lí – Khí của hai anh em họ Trình này thành hệ thống Trình Chu Lí học.

“Kế vãng” là tiếp nối người đi trước, “khai lai” là khai mở lối cho người đi sau. Một dòng chuyển tiếp liên tục của nhận và cho, trước và sau. Đó là chuỗi hành động, cũng là vòng thời gian. Đặt câu này cho một chiếc đồng hồ tròn Sundial thì quả là một câu mô tả hình dạng của đồng hồ, mô tả luôn cách vận hành và chức năng của đồng hồ.

Trong bối cảnh của kỷ niệm 50 năm ngày họp lớp, các anh chị niên khoá 1920 đã để lại những chữ này cho thế hệ sau. Nên nó đủ sức nặng, đủ ý nghĩa như một lời nhắc và cũng là lời chúc.

Danh tiếng và kỷ niệm về trường đã luôn được hình thành từ những vòng tròn như thế. Những vòng lặp tiếp bước nhưng để mở lối đổi mới. Cái đang chạy trên chiếc đồng hồ bất động kia là THỜI GIAN, luôn lặp lại và luôn mở ra những khoảnh khắc mới của thế hệ mới. Chỉ 4 chữ nhưng chứa đựng trong đó giá trị của thế hệ và truyền thống.

“KHẮC NIỆM” là cũng là một từ đắt giá khác. Chữ KHẮC bao gồm trong đó sự “đảm đương, trách nhiệm” của một sự chủ động Gánh Vác lấy trách nhiệm. Chính vì vậy nên chữ Khắc này nối được ý của 4 chữ kế vãng khai lai trước đó. Và chữ KHẮC cho thấy một hạn định rất rõ ràng, một cái gì đó có khuôn khổ nhưng là đến từ sự chủ động bên trong – đó là sự tự làm chủ được (chứ không phải một áp đặt từ bên ngoài).

NIỆM – là tâm tưởng, là suy nghĩ. Chữ Niệm gồm bộ KIM (hiện tại) phía trên và bộ TÂM (phía dưới). Đó là những suy nghĩ trong tâm, những suy nghĩ sâu nhất, ở trung tâm nhất và là suy tư của tấm lòng. Không phải chỉ những gì nghĩa thoáng qua, mà là sự canh cánh khắc khoải trong lòng. Niệm có sự nhớ, nhưng bộ KIM lại đưa cái nhớ này ở ngay hiện tại, ngay trước mắt, hiển hiện và rõ ràng – là đây không phải đó, là này không phải kia.

Vậy “KHẮC NIỆM” là một sự chủ động gánh vác lấy sự LÀM CHỦ TÂM TƯỞNG của mình, vượt qua được những ham muốn (vọng niệm) và điều xấu điều ác (tà niệm).

Và mục tiêu là để “tác thánh”. Ở đây, có một điều cần làm rõ “THÁNH” (sage) trong Thánh Nhân là gì? Vì cái định nghĩa và quan điểm về thánh nhân là rất khác nhau. Nguyên cụm 4 chữ “Khắc niệm tác thánh” thực ra không tách rời, đó là một cụm liên quan đến điển tích chuyện thời nhà Chu. Trong đó, “THÁNH” là một người đã “sáng tỏ” (minh bạch) về mọi thứ. Chữ MINH (明 gồm bộ Nhật – Nguyệt đi với nhau là SÁNG), BẠCH (trắng 白) đi cùng với nhau chính là sự hiểu thấu đáo (Vd. trong văn nói, khi nói 明白了 có nghĩa là Tôi đã Hiểu rõ rồi chứ không phải chỉ là Biết thôi). Vậy đối lập với “THÁNH” là sự tối đen, thiếu hiểu biết. Ý không phải ở mặt chữ, nhưng thực ra chữ gợi nên ý niệm của ý nghĩa là đây.

Khắc niệm tác thánh – Khi làm chủ được tâm tưởng, người sẽ trở thành người sáng tỏ thấu đáo mọi chuyện. Tâm tưởng của bản thân mà không làm chủ được, là dẫn đến hoạ diệt vong.

Để đọc và hiểu hết 16 chữ này, mình mất 2 ngày để loay hoay và với sự hiểu hạn hẹp của bản thân, mình tạm để ý nghĩa của 16 chữ này là:

“Dù biển học là vô biên, từng tấc bóng mặt trời* phải cố gắng và phấn đấu

Tiếp bước người đi trước mở lối người đi sau, khắc chế tâm tưởng thành thánh hiền”

Sundial, NTHU

Còn trên website trường, bản tiếng Anh, tạm dịch ra như sau: “Learn without limits, squander not a single moment; carry forward tradition, forging ahead into the future.” (nghe cũng hay ho, mà mình nhận ra là giảm giá trị nghiêm trọng 16 chữ đắt giá mất rồi)

Với mình, mỗi một câu quote trên đường mình đi đều có một ý nghĩa nào đó, chẳng phải vô tình mà gặp đâu.