Research Insights / Tui gặp · May 12, 2023 0

Lý giải chuyện chào nhau

Cách đây vài ngày, mình đọc được trên TTO một bài quan điểm có tiêu đề là “Kinh ngạc vì nhiều sinh viên GenZ không chào thầy cô”. Cái tiêu đề và nội dung thực ra chẳng mấy liên quan lắm đâu. Nhưng chỉ nói riêng chiếc tiêu đề ấy thôi cũng có mấy điều mình suy nghĩ.

Hình do A.I. Dall-E của Bing vẽ

Mình nhớ cũng vào mùa hè, năm ngoái, mình phỏng vấn một cựu học sinh của một trường tình thương. Em học ở đó vì các trường tiểu học “chê” em rồi, học hết lớp 5 thì em rời trường vào trung học ở trường chính quy. Nhiều năm rồi và giờ em đang học lớp 12 chuẩn bị thi đại học. Em nói rằng em thích học ở trường tình thương đó, vì ra trường mới không giống trường cũ. Mình đã hỏi rằng điều gì không giống, và em trả lời thế này:

“… lúc vào trường mới, con đi con gặp các thầy cô, con cúi chào các thầy cô, nhưng không ai chào con cả”

phỏng vấn cựu học sinh

Trường tình thương mà em học là một tình huống điển hình về social innovation mà mình đang nghiên cứu. Trường đó lấy triết lý và tinh thần giáo dục I-Nhã làm nền tảng, nên rất chú trọng vào phát triển nhân bản cho trẻ em, giúp trẻ khám phá định vị giá trị bản thân và biết cách đóng góp cho xã hội. Người ngồi trước mặt mình, trả lời mình, là một cậu học sinh quá tuổi, trưởng thành, nhưng nhắc về trường học cũ như thế đó.

Mình vốn chẳng muốn lấy chuyện chào hay không chào để thành chuyện trách móc nhau các kiểu. Khi nghe em học sinh đó trả lời, mình đã tự nhớ lại xem khi mình đi lại trên hành lang trường, mình và sinh viên đã chào nhau thế nào. Hình như là chào như gặp người quen vậy, không nhớ ai chào ai trước nhưng thường là chào vui vẻ. Có lần, khi mình ngồi trong phòng nghỉ Gv, có mấy bạn Sv còn chạy vào chào vì suốt thời gian học online “em chưa được chào cô, gặp cô”.

Còn những sv đã không chào mình (hoặc mình chưa chào sv), thì nhiều lắm nhỉ, vì mình chẳng nhớ nữa. Còn ở Đài Loan, khi học ở đây, các giáo sư rất thân thiện. Xứ này xã hội cũng có tôn ti thứ bậc như ở Vn, nhưng giáo sư khoa mình gặp là chào từ xa, như những người thân quen vậy.

Nếu xem xét dưới lập luận của institutional theory (lý thuyết thể chế), thì việc chào thầy cô liên quan đến những mối quan hệ gì đang được hình thành, và cư xử thế nào thì được cho là “đúng phép” (legitimacy). Ngẫm mà xem, khi mối quan hệ giữa giáo viên và sinh viên được đặt trong một bối cảnh mà các trường đại học muốn “doanh nghiệp hóa”, chủ trương thúc đẩy thương mại hóa và student consumerism, thì mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ gì? Hoặc ở trong một xã hội mà khinh rẻ nghề thầy, định kiến với giáo dục, và không tin tưởng người học, thì mối quan hệ giữa thầy và trò là mối quan hệ gì? Người thầy nghĩ mình đang đóng vai gì, và người học nghĩ mình đang đóng vai gì? Trong một bối cảnh mập mờ, nghĩa là lẫn lộn nhiều cách nhìn và vai trò không rõ ràng, thì tất cả đều mất cân bằng.

Và khi mất cân bằng, thì có giáo dục hay ép buộc phải cúi chào, cái chào cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Và thế nào là cư xử đúng phép cho phải lẽ trong các mối quan hệ đó? Mà nên nhớ thế này, không phải là chỉ vì người học nghĩ mình ngang bằng với thầy cô nên khỏi phải chào đâu. Mà có lẽ, họ chỉ bước qua nhau chỉ vì chẳng có mối quan hệ gì với nhau cả. Như những thầy cô trong câu chuyện của em học sinh kia đã bước ngang qua học trò của mình vậy, bên ngoài lớp học thì họ không liên quan nhau.

Có những trường treo bảng treo khẩu hiệu văn hóa nội bộ về tình nghĩa thầy trò, nhưng nếu chào nhau không phải là một thực hành đúng chuẩn trong môi trường đó, thì khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu, chẳng ai chào nhau.

Nếu những bạn sv đang bước đi, một bạn trong nhóm cúi chào thầy cô gần đó, cả nhóm có thể bất giác sẽ cùng chào. Như trước đây, có một dạo mình hay viết về cô lao công ở trường, sau đó mình chứng kiến các bạn Sv nhìn ra được sự tồn tại của cô lao công, không bước ngang cái sàn khi cô đang lau, cúi chào cô lao công lớn tuổi, nói cảm ơn khi cô dẹp rác giúp mình. Legitimacy thực ra chỉ đơn giản vậy thôi đó.

Và nếu muốn khái quát lên thành chuyện của cả thế hệ GenZ, có lẽ những lập luận của spillover theory là một cách để nghĩ. Spillover (lan tỏa) là khi hành động trong bối cảnh này được thực hiện trong bối cảnh khác.

Người ta hay đổ cho trường học đã không dạy học sinh đủ tử tế để thành người tốt trong xã hội. Nhưng bản thân trường học thực sự là chưa đủ. Nếu khi học ở trường, hành vi đó chấp nhận được, thì không có nghĩa là khi sang các môi trường khác như công ty, gia đình hay xã hội thì hành động đó vẫn tiếp diễn y chang như thế. Trong trường, sv sẽ xếp hàng trật tự và văn minh, nhưng khi đến thang máy công ty hoặc thương xá thì có khi tranh giành cả với người khuyết tật. Trong trường chào thầy cô, nhưng về nhà chẳng chào cha mẹ. Quan sát xem, vì sao lại vậy? Mối quan hệ và legitimacy ở những nơi đó thế nào?

Cuối cùng thì, với mình, chào nhau và nói cảm ơn là sự kết nối rất là dễ thương. Như mình mới phát hiện ra, bác lái xe rác ở Đài Loan sẽ luôn chào mọi người, mình chỉ cần khẽ gật đầu, bác sẽ đưa tay và cười chào lại. Mình cũng thích khi đi ngang nhóm sinh viên và vẫy chào như người quen, và khi gặp giáo sư mà cười hớn hở say hi lão sư 🙂 chào nhau, nhanh thôi, nhưng mà vui.

Nhưng nếu người ta không chào thì sao? Thì đằng sau đó có nhiều câu chuyện lắm, ai thật tâm quan tâm sẽ tìm hiểu và chẳng chê trách vội vàng chỉ vì cái chào.

Ps1. Và “không chào thầy cô” chắc chắn không phải là “đặc sản” của riêng GenZ đâu, Gen X Gen Y nên nhớ kỹ hơn

Ps2. Hình do con AI của Bing vẽ theo ý mình, nhìn thoáng có nghĩa lắm, nhìn kỹ chả hiểu nó vẽ gì cả

.:: Cọp Giấy ::.