Có vẻ như chúng ta hướng về tương lai nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu về Tầm nhìn/ Viễn cảnh (vision – những hình ảnh mong đợi trong tương lai), tôi nhận ra rằng các nghiên cứu trước đây đã cho rằng Vision chỉ thuộc về một số ít người, những người được đào tạo chuyên nghiệp và có khả năng “nhìn xa trông rộng”. Đó không phải là số đông.
Lý giải cho điều này, theo những nghiên cứu hành vi tổ chức, thì không phải tổ chức nào, cá nhân nào cũng được dẫn dắt bởi những động lực hướng đến tương lai. Con người cũng thế, có người hướng tương lai, có người hướng về quá khứ. Hoặc có người thể hiện rằng mình rất là ở-hiện-tại, với lối nói như: “lo hôm nay thôi cũng cả trăm việc, đâu ra thời gian mà nghĩ tới ngày mai“, hoặc là “hôm nào lo ăn hôm đấy, mai tính sau“. Hoặc là “việc mình mình làm trước đã, chuyện tương lai có các sếp lo“.
Nhưng rồi, ngay trong chính những câu nói phủ nhận tương lai đó đã nhắc đến tương lai, đã hàm chứa trong đó một chút ý niệm nào đó về tương lai rồi. Tôi hoài nghi về việc “chỉ có một số ít nghĩ về tương lai, và được dẫn dắt bởi tương lai”. Tôi cũng cảm thấy có một khoảng trống trong nghiên cứu khi chỉ tập trung vào sự giống nhau giữa các tầm nhìn, mà có vẻ lơ đi hoặc bỏ qua sự khác biệt trong tầm nhìn. Sự khác biệt chỉ được mô tả đơn giản là: sẽ gây ra những mâu thuẫn – thế thôi.
Trong một nhánh học thuật khác, Future Study – chuyên nghiên cứu về tương lai, tôi đã nhận thấy con người sớm nghĩ về tương lai, luôn có ý niệm về tương lai trong suy nghĩ của bản thân.
FUTURE STUDY
Thật vậy, trong các mô hình làng xã cổ đại, đã có các vị trí dự báo tương lai, đã có các ghi chép hoặc truyền khẩu về những gì xảy đến cho tương lai. Mỗi khi mở mắt dậy và nghĩ đến những gì phải làm trong ngày trong tuần, đã là nghĩ đến tương lai. Lập kế hoạch – lập chiến lược chính là đang có những suy nghĩ về tương lai. Trồng trọt, chăn nuôi nhìn đất nhìn trời, nhìn thú nuôi, nhìn cây trồng chính là nhìn hiện tại và cả một viễn cảnh của tương lai.
Kể cả những lúc thốt lên câu nói tuyệt vọng về chuyện không có tương lai, cũng chính là lúc có một chút le lói rằng tương lai sẽ đến.
Tôi học được rằng, chúng ta không chỉ XÂY DỰNG tương lai, mà còn TRÚ NGỤ (dwelling) ở đó. Sống trong cảm giác của một tương lai để cố gắng mỗi ngày, để đừng buông tay bỏ cuộc. Kể cả khi tuyệt vọng hoặc thất chí, lạc lối không dám nói, chẳng dám nghĩ về tương lai, nhưng trú ngụ vào nó để trôi qua thêm mỗi một ngày ở hiện tại. Những người chần chừ, “việc hôm nay thôi để mai làm, để từ từ rồi tính” chính là đang trú ngụ phần nào vào tương lai: có một ngày mai để tính, có nhiều ngày mai để làm cơ mà.
Những người tự vẫn, thực ra chỉ là họ thiếu kiên nhẫn với kết quả của tương lai.
Ngành Future Study đã chuyển từ dự báo các kết quả của tương lai sang nghiên cứu cách tạo ra, chọn lựa những tương lai. Ví dụ, bên cạnh các câu hỏi kiểu dự báo “tương lai của xã hội số sẽ thế nào?”, thì người ta có những câu hỏi chủ động như là “Chúng ta đang muốn tạo ra cái xã hội số gì vậy? Tạo ra xã hội như thế nào vậy? Và dự định làm sao để tạo ra?”
Vậy thì tôi lại nghĩ thế này, rằng con người ai cũng nghĩ về tương lai, cũng hướng về tương lai cả. Chỉ là cái hình ảnh trong tương lai đó nó khác nhau nhiều quá. Trong nghiên cứu của mình, tôi tìm thấy các kiểu khác nhau về mức độ lớn – nhỏ (nhiều – ít), xa – gần, chi tiết ít – nhiều, tập thể – cá nhân…
Thay vì tập trung vào nghiên cứu nội dung của những tương lai đó, ngành future study đã chuyển hướng tập trung vào cách mà những tương lai đó được tạo thành. Hoặc là, chủ động chọn lựa, tạo ra một hình ảnh tương lai muốn hướng đến.
FUTURE MAKING
Trước hết Future Making không phải kiểu nói ẩn dụ về việc chuẩn bị, sắp xếp, tiến hành những thay đổi để có tương lai tốt đẹp. Mà đó là những hành động lựa chọn trong các khả năng có thể xảy ra (để chọn cái mà mình thấy phù hợp nhất), rồi đánh giá, thảo luận, “đàm phán” với những người khác về cái hình ảnh tương lai đó.
Như trong các buổi phát triển sản phẩm mới, hay khởi nghiệp, thường có hoạt động nhóm về việc “vẽ” ra các concept, hoặc dựng các prototype, hoặc dùng canvas để phát triển những mô hình kinh doanh. Đó là một ví dụ cho việc future making này. Nghiên cứu quan sát việc dùng visual graphic trong các hoạt động thảo luận nhóm về mô hình kinh doanh, Alice Comi và Jennifer White (2018) đã tái hiện lại cách mỗi người chọn lựa, bổ sung, thay đổi cái hình ảnh tương lai của doanh nghiệp. Future making đã không còn là chuyện của tư duy, mà thực sự gồm một chuỗi những hành động và thực thể thấy được.
Để có một khung lý thuyết dùng trong nghiên cứu về tương lai, Sohail Inayatullah trường Tamkang năm 1990 đã chỉ ra 4 cách tiếp cận (dự báo, mô tả, phản biện và participatory action learning), và mô hình 6 trụ cột (6 pillars) tìm hiểu về những tương lai thay thế (alternative future) và tương lai được ưa thích (preffered future) cũng như thế giới quan và những huyền thoại (myths) làm nền tảng cho chúng.

Cũng có thể đọc thêm về Future Triangles Futures Thinking Now: Drivers of Change and Futures Triangle – KnowledgeWorks, một công cụ được giới thiệu bởi Sohail Inayatullah, giúp chúng ta tạo ra những hình ảnh trong tương lai bằng cách kết hợp các trình điều khiển của Quá khứ – Hiện tại – Tương lai.

TRIẾT HỌC & NHÂN HỌC NGHIÊN CỨU VỀ TƯƠNG LAI
Tôi chưa dò ra nghiên cứu nhân học về tương lai có từ bao giờ. Tôi chỉ vừa được tiếp cận một số khía cạnh và một số tác phẩm, ví dụ như:
- Triết học Deleuze với chương BECOMING (sự trở thành)
- The Anthropology of the Future của Rebecca và Daniel (phân tích 6 hướng chính: dự báo, kỳ vọng, phỏng đoán, tiềm năng, hy vọng, và định mệnh. Mỗi hướng là một chương độc lập.)
- The Method of Hope: Anthropology, Philosophy, and Fijian knowledge của Hirokazu Miyazaki. Tác giả này còn một quyển nữa là The Economy of Hope, nhưng tôi chưa kịp đọc.
Tương lai là một khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu nhân học. Sự trở thành (becoming) của Deleuze, có khi còn gọi là “cái not-yet” nhưng đồng thời cũng “not-anymore”, nghĩa là đã không còn ở trạng thái cũ nhưng chưa đủ để thành cái mới. Ý niệm về tương lai tồn tại ngay trong sự trở thành này.
VẬY RỒI THÌ… NGHIÊN CỨU TƯƠNG LAI DÀNH CHO AI?
Hiện tại và quá khứ dành cho ai, thì tương lai cũng dành cho người đó. Như những nhà hoạch định và lập kế hoạch thì họ quan tâm đến các viễn cảnh trong tương lai. Những nhà hoạch định tìm kiếm sự kiểm soát tương lai, trong khi ngành nghiên cứu tương lai lại mở ra những tầm nhìn mới cho tương lai. Họ chuyển cách tiếp cận của “dự báo kết quả tương lai”, sang “vẽ và mở ra những tương lai khác” (alternative future).
Và thế là, khi thế giới ngày càng bất định và nhiều rủi ro hơn (chẳng rõ là có nhiều hơn trong lịch sử hay không, nhưng hiện tại thì với chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai khắp nơi, làm có cảm giác rằng có mối đe dọa khắp nơi), thì câu hỏi về tương lai lại trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Rồi các hoạch định thành phố tương lai, metaverse, khởi nghiệp và cách tân đổi mới sáng tạo… đòi hỏi rất nhiều bên liên quan cùng nhau ngồi xuống để bàn với nhau về một tương-lai-nào-chúng-ta-đang-mong-đợi. Vì vậy nên nghiên cứu về tương lai không chỉ còn là chuyện dự báo tương lai, hoặc hoạch định kế hoạch thay đổi tương lai, mà còn cần tìm hiểu những hành động FUTURE MAKING (cùng nhau tạo ra hình ảnh trong tương lai) như thế nào.
.:: Cọp Giấy, tháng 6/2022, dự án Visioning Work Theory ::.