Vợ của một nhà nghiên cứu Nhân học thì khó có thể không trở thành một nhà nghiên cứu Nhân học.
(The wife of an anthropologist finds it nearly impossible not to be something of an anthropologist herself)
Margery Wolf – câu đầu tiên trong lời mở đầu của Women and The Family in Rural Taiwan
Và quả thực, tác giả Margery Wolf là một nhà nghiên cứu Nhân học, Xã hội học với kinh nghiệm làm trợ lý nghiên cứu tâm lý học từ khi còn rất trẻ. Bà đi theo chồng đến những vùng đất khác nhau để thuận tiện cho những nghiên cứu điền dã của chồng, nhưng bà có những quan sát và công bố nghiên cứu của mình như một nhà nghiên cứu độc lập.

Quyển sách Women and the Family in Rural Taiwan được xuất bản lần đầu năm 1972, quyển mình cầm trên tay là được tái bản lần hai tại Đài Loan năm 1979 và được Thư viện trường Quốc Lập Thanh Hoa đưa về kho ngày 15 tháng 10 năm Dân Quốc thứ 69* (1981). Quyển sách này là kết quả của những quan sát khi hai vợ chồng của nữ tác giả sống tại làng Peihotian (1959) và SanHsia (1968) khu vực Taipei.
Với ngày tháng nghiên cứu và xuất bản như vậy, không thể chỉ ra rằng tác giả có ủng hộ hoặc ảnh hưởng bởi chủ nghĩa nữ quyền hoặc các feminism theory – vốn phát triển cùng thời. Tác giả cũng không đề cập những điều này trong tác phẩm của mình, mà chỉ xem như một quan sát điền dã nhân học về một cộng đồng ở địa phương mà thôi.
Trên nền tảng văn hóa – lịch sử – địa lý Trung Hoa Đài Loan, khái niệm “gia đình” được hiểu và thực hành theo góc nhìn của nam giới (phụ hệ) là trục dọc xuyên suốt các thế hệ từ tổ tiên đến con cháu và mở rộng ra các chi, nhánh. Trong phả hệ đó không có tên người phụ nữ. Trẻ em gái sinh ra không được gia đình chào đón như một thành viên, và khi sau này lớn lên được gả vào một gia đình khác cũng không mang họ của gia đình đó. Vậy, với phụ nữ như vậy “gia đình” là gì? Họ có ý niệm như thế nào về cái gọi là “gia đình”?
UTERINE FAMILY
Từ đó, “Uterine Family” là một phát hiện, một khái niệm thú vị của Margery Wolf. Như con người tìm cách xây dựng, bảo vệ và “sở hữu” gia đình của mình, cuộc đời người phụ nữ nông thôn Đài Loan xoay quanh việc hình thành, gìn giữ, và cả tìm cách thao túng những người đàn ông (chồng, con trai) xoay quanh uterine family của mình. Uterine family nằm ở trung tâm cuộc đời của người phụ nữ, dù họ là con dâu nhận nuôi, họ từ chối lấy chồng, hay họ chọn làm nghề mại dâm đi nữa.
Trong khi ý niệm gia đình phụ hệ được củng cố, được giáo dục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong các ghi chép chính thức, giáo dục từ trường học đến gia quy và chấp nhận bằng cả hệ thống luật pháp, thì uterine family nằm ngay trong quá trình thực hành xây dựng gia đình phụ hệ đó. Những em gái nhỏ sớm ý thức được vị trí thấp của mình so với nam giới, sớm nhận thức được vai trò của mình: mình là gì và không phải là gì? Và đó là lúc ý niệm về uterine family của riêng mình bắt đầu nhen nhóm và định hình. Kể cả đến lúc tuổi già và chết đi, người phụ nữ chỉ có thể trông chờ vào uterine family của mình: “Tôi hy sinh tất cả, tôi sống tất cả là cho con của tôi. Để sau này khi tôi già, nó sẽ tốt với tôi.” Và đứa con, không phải cha hay anh chị em dòng họ (vì họ vốn đã không gắn máu mủ từ trước tới nay), mà chính là con cái trong uterine family sẽ mua cỗ áo quan và lo cái tang lễ.
Quyển sách này được cấu trúc theo timeline các giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ, xoay quanh uterine family đó.

VĂN HÓA ĐÀI – VIỆT
Có một sự tương đồng, phải nói là giống nhau rất nhiều. Từ những thực hành kỹ thuật nuôi dạy trẻ con, chơi hụi, thách cưới,… đến cách suy nghĩ đằng sau những hành động, quyết định. Vì vậy nên khi đọc quyển sách này, ít nhiều gì tôi tìm thấy cho mình một sự tóm tắt tổng quát, và nhìn ra được những cách lý giải cho những điều phi logic mà bản thân vẫn luôn thắc mắc nhưng chưa giải đáp được.
Có ít nhất 2 nền tảng văn hóa cho tất cả các hành vi trong xã hội nông thôn Đài Loan những năm 1950-1960 (mà có lẽ cả trước đó và cho tới tận bây giờ): (1) “giữ mặt mũi” và (2) “giữ trách nhiệm”.
“Save face, loss face” – giữ mặt mũi hay mất mặt là điều gì đó rất rất quan trọng. Người ta sẵn sàng làm rất nhiều thứ để giữ mặt mũi cho bản thân hoặc cho người khác hơn là vì đó là điều cần thiết cho bản thân. Khi con mình bị bắt nạt và chạy về với mẹ thì cả gia đình có thể chẳng quan tâm, nhưng nếu đứa trẻ nhà người khác chạy qua cầu cứu vì bị bắt nạt, nọ sẽ “tẩn” chính con của mình để… giữ mặt mũi. Chọn vợ chọn chồng hay tổ chức lễ cưới, tất cả là chuyện mặt mũi. Họ hay đánh dâu và con vào mặt, cũng vì chuyện mặt mũi. Rồi nỗi sợ lớn nhất, lớn hơn cả thất nghiệp hết tiền là chuyện mất mặt. “Bóc phốt” trong cộng đồng hay đánh con chốn công cộng cũng là để làm mất mặt nhiều hơn để phân định đúng và sai.
Và trong văn hóa Trung Hoa, Đài Loan và Việt Nam, trong gia đình người ta không đặt trọng tâm vào nhu cầu của mỗi cá nhân, mà chỉ chú trọng vào trách nhiệm của cá nhân đó với gia đình và tổ tiên. Logic này xuyên suốt cuộc đời của mỗi người. Như đám cưới, không phải chuyện của hai người, mà là chuyện trách nhiệm duy trì nòi giống của đương sự, cha mẹ, họ hàng hai bên.
Đặt trong 2 logic của “trách nhiệm” và “giữ mặt mũi” này, nhìn theo cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội Đài Loan xưa, tự nhiên tôi hiểu ra một số việc. Những việc này không ghi trong sách, nhưng là bản thân tự liên tưởng đến:
“Trẻ con có biết gì đâu”
Trong quan điểm của xã hội đó, trẻ dưới 6 tuổi không biết và không thể học. Tức là trẻ chưa biết gì về “giữ mặt” và “trách nhiệm với tổ tiên”, và không thể học đọc viết. Nhiều trẻ còn bú mẹ tới 3t, 5t. Điều này ngược với giáo dục phương Tây đương thời, vốn cho rằng trẻ dưới 6t là thời gian vàng để học và phát triển. Trường mẫu giáo gần như không nhận được trẻ, vì với nhiều phụ huynh trường mẫu giáo là một sự “lừa dối” khi không dạy đọc và viết.
Ngày nay, những năm 202x, suy nghĩ “trẻ con có biết gì đâu” không phải là không còn. Nhiều phụ huynh vẫn tin rằng từ từ rồi dạy và học chỉ là học chữ mà thôi.
“Bán mình vào lầu xanh để chuộc cha”
Kinh điển nhất cho vụ này là nàng Thúy Kiều, mà từ thời phổ thông chúng tôi đã được dạy rằng đó là “chữ hiếu”. Có không ít dưới một lần chúng tôi tranh luận là “bán dâm, gái ngành” chẳng làm gì ngoài than thân trách phận, phá gia đình người khác thì sao lại được ca ngợi (lối dạy của nhiều nơi vẫn thuần các bài tập viết văn sáo rỗng, thần thánh hóa nhân vật nên tôi thấy mừng vì ít ra giáo viên lớp mình còn cho nêu các quan điểm cá nhân). Rồi chúng tôi “được” học rằng phong kiến ấu trĩ thối nát đã bóp nghẹt người phụ nữ và đưa người thiện lương như Kiều đến tận cùng của sự nhơ nhớp tủi nhục.
Những cách nghĩ một chiều được đơn giản hóa thái quá như thế thường không thỏa mãn được tôi. Và bức tranh phong kiến đó có gì đấy chưa hoàn thiện. Tôi tìm thấy một trong những mảnh ghép còn thiếu đó ở chương 13 Filial Daughters. Những bé gái sinh ra đã có thể bị bóp nghẹt cho chết ngay nếu gia đình đó cảm thấy họ không cần. Những năm 1950, họ không làm vậy mà có thể bán, hoặc gởi cho nhà chồng nào đó nuôi để lớn lên làm dâu nhà đó. Dù cách nào đi nữa, thì thân phận con người sinh ra (chỉ) là để lao động đóng góp cho gia đình. Chuyện lấy chồng (để phục vụ duy nhất một ông chồng mà hầu cả một nhà chồng) không hẳn luôn là sự lựa chọn dễ dàng nhất. Khi gỡ bớt nhãn mác “nhạy cảm”, thì việc chọn làm mại dâm là sự chọn lựa của gia đình, của cha mẹ và của chính người phụ nữ.
Có lẽ, với một bức tranh đầy đủ về bối cảnh hơn như thế này, nếu được quay lại cuộc thảo luận về Thúy Kiều năm đó, tôi muốn mình đọc kỹ lại những đoạn nàng Kiều ra quyết định và đưa ra nhiều luận điểm về sự quyết định của chính Kiều – một người phụ nữ vốn rất bảo thủ lễ giáo nhưng đã quyết định cho đời mình: quyết định bỏ đính ước, quyết định bán mình từ bỏ thân phận “tiểu thư”, các quyết định tự vẫn, quyết định đi tu, quyết định không lấy chồng và không quay lại với Kim Trọng. Đó là cả một sự tương phản với Thúy Vân, và tính feminism của Thúy Kiều sẽ rõ nét hơn.
FEMINISM
Trong xã hội đó, người phụ nữ vẫn bị xem như ở cấp thấp hơn so với đàn ông. Nhưng sự vận động của xã hội đó mang rất nhiều dấu ấn của phụ nữ. Cách mà những người phụ nữ thao túng người đàn ông và các quyết định trong uterine family được kể rất tỉ mỉ cùng với những insights rất đắt giá. Như thế này, người phụ nữ chỉ là phụ và chẳng được ghi vào gia phả, nhưng những người đàn ông được sinh ra bởi phụ nữ, lớn lên bởi phụ nữ mà chẳng bao giờ thấy cha đâu do dạy con là chuyện của phụ nữ. Và có những người vợ uất giận chồng sẽ luôn dạy cho con rằng chỉ có mẹ là duy nhất và trên hết, mẹ cùng phe với con. Cưới ai, sinh con với ai cũng do mẹ sắp xếp. Việc trong nhà đích thị là của phụ nữ, các cộng đồng phụ nữ sẽ là nơi trao truyền thông tin và bí quyết xử lý việc trong nhà. Vân vân và mây mây, rồi có ai tự hỏi rằng vai trò người đàn ông là gì ngoài việc “đứng tên” không nhỉ?
Mượn lời kết của quyển sách cho lời kết ở đây:
… người con trai chôn cất mẹ của mình một cách rất trách nhiệm suốt cả sáng và tối, nhưng cùng lúc đó, anh ta chuyển sang nhận lấy những nghĩa vụ với người vợ của mình.
Margery Wolf