<TAY BA>
Khoa học tâm lý học nói gì về các mối quan hệ tay ba?
Mình lần đầu tiên biết đến tâm lý học gia đình và mối quan hệ threesome này là khi đọc quyển Hai mặt của Gia đình của nhà tâm lý học gia đình Choi Kwanghyun. Đó là sách tâm lý học thường thức, đã được chuyển sang ngôn ngữ phổ thông và viết cho cộng đồng số đông (là những người có gia đình nhưng không nghiên cứu về tâm lý học gia đình). Còn hình bên dưới là ảnh chụp quyển sách Family Psychology mà mình đọc ké trong thư viện, được viết theo ngôn ngữ của NCKH hàn lâm và phân tích rất sâu.

Nói tới mối tình tay ba, các phương tiện truyền thông, truyện và phim ảnh, hoặc các thảo luận thường ngày đang đề cập đến nó một cách rất… hẹp và hời hợt so với những gì khoa học thực sự tìm hiểu về nó. Nó bị gắn nhãn là xấu, nhưng cái gì xấu và xấu như thế nào thì lại bị phớt lờ.
Threesome là khi một mối quan hệ không chỉ của hai người, mà có sự xuất hiện của người thứ ba, và một hoặc cả hai người chẳng những khẳng định mà còn nỗ lực duy trì sự hiện diện của người thứ ba đó. Người thứ ba, họ là ai? Vì đâu mà họ xuất hiện?
– Họ là những đứa con trong gia đình.
… khi mà bố mẹ từng là mối quan hệ yêu đương vợ chồng. Nhưng khi sinh con đầu lòng thì chuyển thành mối quan hệ Cha của con, Mẹ của con: mối quan hệ của 2 người cùng nuôi con. Một ngày kia con lớn và tự lập, họ nhìn lại thì chẳng còn gì với nhau. Bao nhiêu năm, không phải họ không nhận ra, mà là họ dựa vào việc nuôi con để né tránh lý giải mối quan hệ giữa hai người.
… khi mà hai vợ chồng thất vọng về nhau, và tìm kiếm sự bù đắp từ đứa con. Người vợ mong con sẽ tốt như điều họ kỳ vọng ở chồng (vd họ không được chồng quan tâm tôn trọng, nên luôn đòi hỏi con tôn trọng và trung thành với mình), người chồng mong con sẽ là điều kỳ vọng ở vợ (vd không kiểm soát được vợ nên sẽ tăng sự kiểm soát ở con). Mamaboy hay Papagirl là những ví dụ.
… khi mà đứa con là kỳ vọng của cha mẹ về chính bản thân họ, điều họ không làm được hoặc đời họ không làm được, họ muốn con thay họ thực hiện ước mơ đó.
… khi mà đứa con là sự lý giải cho tất cả mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, đồng thời là cái cớ để họ không tự giải quyết mâu thuẫn đó. Ví dụ, họ bảo với con rằng vì con sinh ra mà họ phải ở với nhau, dù gia đình tan nát tổn thương tăm tối nhưng họ vẫn duy trì cái gia đình đó bởi vì đứa con.
Đúng vậy, có vẻ như khoa học đang chỉ ra rằng trong các mối quan hệ tay ba, thì đứa con mới thật sự là người thứ ba. Còn nếu nói về ngoại tình… Mối quan hệ cũng sẽ lại y như vậy, chỉ là đổi nhân vật đứa con đó thành nhân vật nam nữ nào đó bên ngoài gia đình mà thôi.
Mà có những khi, việc xác lập mối quan hệ hôn nhân ngay từ đầu đã có chỗ cho người thứ ba.
Choi Kwanghyun có đưa một ví dụ, trong nhiều nền văn hóa Á Đông, người đàn ông thường có xu hướng chọn người phụ nữ có đầy đủ tố chất lý tưởng giống mẹ hoặc chị của mình để làm vợ. Rồi khi có vợ, họ sẽ đi tìm tình nhân để yêu thương. Với trường hợp này, nếu người vợ biết được chồng ngoại tình, rất tiếc, người chồng chỉ cảm thấy áy náy như thể ngày xưa nói dối mẹ để cúp học trốn đi chơi.
Người vợ có chồng ngoại tình đó, trái lại, tan vỡ và mất cân bằng, thì chính họ lại có thể chọn đứa con để phản chiếu các vấn đề này. Mối quan hệ trở thành tay bốn.
Chuyện này còn dài lắm, mà ngành tâm lý gia đình ở châu Á nói chung và VN nói riêng hẳn là còn chưa phát triển. Văn hóa thì có vẻ ít coi trọng mối quan hệ tình yêu hai người, và không cho phép người ngoài can thiệp vào chuyện riêng của gia đình.
Mình thì đọc sách đoạn này thích quá, đọc xong hết rồi lại quên xem tác giả của chương sách rồi
.:: Cọp Giấy ::.