Kiến thức / Tui đọc · March 14, 2022 0

Sách về chiến tranh

Vào giữa 2020, tôi làm một đề tài nghiên cứu nhỏ về những cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội – vì tôi nhận thấy bất kể đó là khẩu chiến đề tài gì, thì cũng lại có dính dáng trực tiếp đến những ký ức chiến tranh của đất nước mình. Và đó là lúc tôi đọc rất nhiều sách về chiến tranh.

Trong lĩnh vực xã hội học, có rất nhiều chủ đề viết về chiến tranh này mà tôi có dịp đọc qua, có sách đọc kỹ, có sách chỉ lướt qua và tất nhiên có sách hay đã lưu lại nhưng chưa kịp đọc. Ví dụ một số chủ đề như:

  • Tài liệu phóng sự, memoire: một kiểu tổng hợp tư liệu lịch sử, kể về ký ức của những người trong cuộc.
  • Xã hội học về chiến tranh: cấu trúc, đặc điểm của các cuộc chiến tranh ở phương Tây, hoặc ở một giai đoạn lịch sử nào đó, một cuộc chiến nổi tiếng nào đó.
  • Kỷ yếu hội thảo khoa học xã hội – nhân văn: với các công bố nghiên cứu về lịch sử nhân học,…
  • Chiến lược chiến tranh: thường là những tướng sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, viết về đặc điểm của cuộc chiến tranh, cách tổ chức triển khai một cuộc chiến hoặc một trận chiến thế nào.
  • Các nghiên cứu về xung đột: các cuộc chiến đều có xuất phát từ những xung đột sâu sắc đã có rất lâu trong quá khứ của dân tộc. Hiểu về cuộc chiến là cần hiểu về những xung đột này.
  • Tâm lý học: tại sao người ta có thể ác thế, tâm lý của sự hối lỗi thế nào…

Với những ai còn đang ôn hòa đọc những dòng này, chúng ta có thể cho rằng chiến tranh thật man rợ, ác độc và phản đối chiến tranh. Nhưng thật ra lịch sử loài người lại là lịch sử của chiến tranh, từ khi loài người còn sống trong những nhóm ít người đến những quốc gia trăm triệu dân. Mình nhận ra rằng đọc sách về chiến tranh thực sự quan trọng.

Những người viết về chiến tranh đã từng có những trải nghiệm và hiểu biết về chiến tranh, nên họ cẩn trọng với điều mình viết. Cũng như khi là người đọc, đọc sách về chiến tranh là để hiểu về chiến tranh – để khi nhắc và khi nghĩ đến nó có thể nhìn nhận ở nhiều chiều hơn.

War: What is it good for? của Ian Morris

Là một trong những quyển sách mình đọc kỹ nhất. Quyển sách này được giới thiệu như một trong các giáo trình chính của khóa Paradoxies of War của trườn Princeton trên Coursera.

Toàn bộ nội dung tập trung cho câu hỏi “chiến tranh tốt cho ai mà loài người tiến hóa với chiến tranh mãi vậy?” Và cho thấy chiến tranh thực sự là sự mâu thuẫn nhất của loài người. Theo Ian Morris:

Chiến tranh là xung đột và chia rẽ, nhưng đồng thời cũng là đoàn kết mạnh mẽ mọi đơn vị trong xã hội. Bối cảnh chiến tranh sẽ kết nối tất cả mọi người từ hậu phương đến tiền tuyến, từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị…

Chiến tranh là tàn phá và đình trệ, nhưng đồng thời cũng là gia tăng năng suất. Sản xuất tăng lên, con người lao động chăm chỉ hơn ít giải trí hơn, nhiều sáng kiến tối ưu năng suất xã hội hơn, sức chiến đấu cao hơn.

Chiến tranh là giết người phi nhân tính, nhưng cũng trong chiến tranh ta thấy tình người vĩ đại, lòng yêu nước vĩ đại tuyệt vời.

Chiến tranh thực sự rối rắm, nhưng cũng đơn giản hóa mọi thứ về 2 cực “Đúng – Sai”, “Chúng ta – Chúng nó”.

Và nhiều thứ nữa, vì chiến tranh thực sự là sự mâu thuẫn như thế. Và cho thấy vai trò chiến tranh trong sự phát triển của loài người. Ở nơi đó, con người trải nghiệm cả hai mặt của sự mâu thuẫn.

Bàn về Chiến Tranh của Carl von Clausewitz

Sách này có thể được xem là quyển nhập môn “chiến tranh học” cho những ai liên quan đến chiến tranh. Tướng Clausewitz (sinh 1780) sinh ra trong gia đình sĩ quan Phổ – quân đội hùng mạnh của thời đó. Ông làm lính quèn từ 12t, tham gia nhiều trận chiến, nổi lên như người có tài bẩm sinh về chiến tranh. Tuổi trẻ trăn trở và quyết tâm học khoa học quân sự, lại có khả năng viết tốt nên ông để lại cho hậu thế sách về Chiến lược quân sự, chiến tranh và chính trị.

Quyển Bàn về Chiến tranh này trình bày từ hệ tư tưởng đến các chiến lược quân sự. Cuộc chiến diễn ra ở trận địa nào đó, nhưng vấn đề của nó là ở ý thức hệ và các mâu thuẫn xã hội ở chỗ khác. Phải hiểu điều này rồi mới hoạch định được cuộc chiến tranh.

Trong tác phẩm này, tướng Clausewitz cũng trình bày từ những chi tiết đơn giản nhất như chọn chỗ giao tranh thế nào, lúc bắt đầu đánh là sao rồi kết thúc là gì, hành quân là gì, rút lui là gì, lực lượng, tác chiến. Đến những ý niệm phức tạp hơn như đạo đức của một cuộc chiến, lòng dũng cảm, các chiến lược…

Được viết bởi một tướng có kinh nghiệm, người sinh ra trong gia đình có truyền thống nhưng lại bắt đầu với vị trí thấp, rồi lại học và tu nghiẹp khoa học chuyên sâu, sách này quả thâht là một tài liệu đồ sộ về cách tiến hành một cuộc chiến tranh.

Một số sách khác…

… có thể kể đến như:

  • The history of the Peloponnesia war của Thucydides
  • Realms of Memories: rethinking the Frech past
  • Loạt nghiên cứu và sách của giáo sư Hue-Tam Ho Tai
  • Quyển memoir “Passion, Betrayal, and Revolution in colonia Saigon” của giáo sư Hue-Tam Ho Tai, viết về người nữ tử tù Bảo Lương trong ký ức của người cháu về người dì (không phải về người lính)

Giáo sư Hue-Tam Ho Tai là giáo sư sử học trường Harvard. Bà có một xuất thân gia đình trí thức khá đặc biệt. Các công trình nghiên cứu của bà về ký ức chiến tranh (public memory) thực sự rất ấn tượng. Tập sách “The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam” (xuất bản 2001) là tập hợp những nghiên cứu về ký ức chiến tranh của Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc gần 30 năm, và tầm quan trọng của những ký ức đó trong bối cảnh ngày nay.

If it were not for the equally ubiquitous symbols of the global economy, such as Coca Cola bottles, kaoke bars, golf courses, and computers, Vietnam would appear to be living in the past.

(…)

In Vietnam, deciding to remember a century’s worth of historical change is a matter of grave difficulty for a society with uncertainty about its future and only just beginning to rethinking its past.

(…)

It may explain why public memory in Vietnam combines two distinct and opposite phenomena: hyper-mnemois and willed amnesia.

The country of Memory: remarking the Past in late Socialist Vietnam, Hue-Tam Ho Tai

Và nhiều sách khác về tâm lý trong cuộc chiến, sách về những cấu trúc của sự xung đột,… mà tôi cũng chưa đọc.

Tôi vốn không có chủ đích nghiên cứu về chiến tranh ngay từ đầu, nhưng tôi nhận ra rằng chiến tranh gắn liền với lịch sử và sự tiến hóa của con người. Việc đọc và tìm hiểu về chiến tranh không phải chỉ để phát triển những cảm xúc về chiến tranh, mà là để biết cách học từ lịch sử.

Bàn về lịch sử, người ta tranh luận nhiều.

Bàn về lịch sử, người ta có thể gây ra một cuộc chiến tranh vì mâu thuẫn.

Người ta có thể dễ dàng bắt đầu bàn về lịch sử, nhưng nhiều người lại ngại học từ lịch sử.

.:: Cọp Giấy ::.