Đi Học / Reflection / Tui đọc · May 30, 2021 0

Reflection #3 – Đường tới Bờ Rạ

Bài tập đầu tiên trong lớp Nghiên cứu Định tính nâng cao là phân tích về phương pháp và đánh giá tính tin cậy, tính thuyết phục của báo cáo nghiên cứu Đường Tới Bờ Rạ (Andrew Hardy, 1997).

Ảnh bìa sách, hình từ Amazon

Mình đã bị cuốn vào bài của Giáo sư Hardy ngay từ những dòng đầu tiên, và học được rất nhiều khi đọc công trình này. Trước khi viết lại những bài học đó, cần nói sơ nét về tác giả và nghiên cứu này. Gs.Hardy năm 1996-1997 còn là nghiên cứu sinh, ông là nhà sử học thông thạo cả 3 ngôn ngữ Anh – Pháp – Việt, còn Bờ Rạ là một làng ở miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX nhưng đã xóa khỏi bản đồ vào cuối thế kỷ. Gs. Hardy làm một cuộc hành trình đi tìm cái làng này và ý nghĩa tên của làng, qua đó tái dựng lại bối cảnh của cuộc sống di cư tại vùng đất miền Bắc này.

Phương pháp của Gs. Hardy là phương pháp nghiên cứu điền dã, nhưng thay vì báo cáo chính luận thì lại viết như một tác phẩm văn học tự sự, kể chuyện sống động như một cuộc phiêu lưu. Bài cũng đăng tạp chí Xưa và Nay, đăng tạp chí khoa học quốc tế, và xuất bản thành sách nhiều năm sau đó. Nhưng với những ai làm khoa học chỉ vì muốn đăng bài (một năm vài chục bài), thì đây không phải là style đáng lựa chọn – nghiên cứu thì cực, viết thì khó mà kén tạp chí, kén reviewer, in sách cũng khó bán.

Vậy mà mình lại học được rất nhiều từ “Đường tới Bờ Rạ”:

  • Thứ nhất là, mình cảm nhận được cái hồn của người làm nghiên cứu. Họ tò mò, họ không có giới hạn nghiên cứu bằng những kiểu “bao nhiêu mẫu là đủ, mô hình lý thuyết, research gap thế nào, khả năng được publish như thế nào”. Hay ít nhất cách của Gs. Hardy đã thể hiện được đúng bản chất của sự nghiên cứu: đó là một hành trình, một chuyến đi dài.

Một ai đó đã nói với mình rằng: “với nhà nghiên cứu định tính, thì cuộc nghiên cứu của họ không bao giờ kết thúc (dù cho họ đã ngừng điều tra và viết các báo cáo)

.đọc hay nghe đâu đó.

Mình thấy như tìm được niềm vui trong nghiên cứu. Mình nhớ lại lúc mình lục tung các bản phim âm bản, hay email tìm những ông bà cụ 80 tuổi, tìm các tác phẩm văn học của những năm 1930s,… chỉ để điều tra về ông ngoại thực ra tên gì và là ai khi ông được sinh ra. Hay khi gác thi tuyển sinh ở một trường chuyên rất to ở huyện giàu thuộc một tỉnh nghèo, mình dành hầu hết thời gian để quan sát thí sinh, nghĩ về quan điểm của họ về sự nghiệp, nhận ra cách họ cầm bút, nhận ra sự lạc lõng của giới trẻ đương đại trong một chế độ khảo thí truyền thống. Hay khi lần đầu đến Bangkok, mình đã nhìn và nghĩ những vòng hoa pulai và những nét trang trí chính là cái dây liên kết để văn hóa và truyền thống Thái Lan không đứt gãy tan tành trong cuộc đô thị hóa và chính sách phát triển kinh tế trọng yếu trên ngành dịch vụ du lịch quốc tế.

Tất cả chính là quan sát, chính là nhìn và thấy, là sự kết hợp nhiều loại dữ liệu, và là sự tò mò dẫn dắt bởi những câu hỏi nghiên cứu. Thầy Richard Kilborn đã nói rằng mình là người của nghiên cứu định tính, và bây giờ mình hiểu thêm rằng mình có thể làm nghiên cứu định tính chuyên sâu, có thể thực hiện nó mỗi ngày trong cuộc đời này.

  • Thứ hai là, tư duy phản tư. Thay vì tách cảm xúc và suy nghĩ của bản thân ra khỏi những dữ liệu và quá trình nghiên cứu, thì nhà nghiên cứu quyết định đưa những điều đó vào như một tư liệu nghiên cứu.

Điều này trái với những cách đào tạo thợ nghiên cứu định lượng hiện có xung quanh mình, nhưng không phải là quá mới mẻ. Nhưng đây là lần đầu tiên mình thấy được cách xử lý các dữ liệu “suy nghĩ và cảm xúc” cá nhân này.

Suy cho cùng, kết quả nghiên cứu và người làm nghiên cứu có thể tách rời được không? Việc thiếu thốn bối cảnh của người làm nghiên cứu sẽ giúp những đánh giá về phương pháp của họ chính xác hơn, hay là mù quáng hơn? Nghĩa là bạn không biết anh ta là ai, chỉ nhìn tóm tắt kết quả anh ta đã làm rồi đánh giá phương pháp của anh ta – chính xác được chăng?

Trong Đường Tới Bờ Rạ, để nhận định là nghiên cứu đó có thuyết phục, có đáng tin cậy hay không, mình đã bám vào cách thức mà tác giả điều tra và báo cáo. Các thông tin về bối cảnh và cách suy nghĩ của tác giả giúp mình nhận định được quyết định của tác giả là phù hợp hay chưa. Tác giả có cơ hội để thuyết phục, và mình có cơ hội để hiểu.

Bài nghiên cứu này như truyền cho mình thêm động lực và mở hướng để mình thực hiện nghiên cứu của riêng mình. Mình chợt nhận ra, dạo gần đây khi học gì mình cũng hướng nghiệp ngay cho bản thân mình, học và hướng nghiệp là hay quá trình song song đi kèm với nhau.

Cọp Giấy – tháng 5/2021