Reflection / Tui đọc · May 14, 2022 0

Reflection #9 – Xã hội số giải quyết vấn đề gì?

Trong bài giảng thứ 10 của chuỗi bài giảng Xã hội Số do Goethe-Institut tổ chức năm 2021, giáo sư Tilman Santarius có đề cập đến một nghịch lý của Siêu Tiêu Dùng: con người càng có nhiều sự lựa chọn và nhiều hàng hoá hơn thì họ lại không có thời gian để sử dụng chúng. Ông đưa ra ví dụ, khi có thể nghe nhạc mọi lúc mọi nơi thì lại không có giờ để nghe.

Hoặc chúng ta cũng có thể thấy khi có nhiều khoá học online hơn thì chúng ta lại không có giờ để học trọn vẹn một khoá. Khi mua sắm quần áo nhiều hơn, chúng ta lại cảm thấy không có đồ để mặc. Nó đưa chúng ta về những trò chơi có tổng bằng Zero (zero-sum game).

Trong sự kiện Giới thiệu sách & thảo luận: HIỂU VỀ XÃ HỘI KỸ THUẬT SỐ hôm nay, thầy Lê Minh Tiến cho thấy ngành xã hội học nghiên cứu về tiêu dùng là để hiểu về những gì con người đang muốn giải quyết, những vấn đề ẩn bên trong con người. Họ mua sắm không còn là vì muốn có đồ để tiêu để dùng, mà còn để BÙ những gì họ thiếu, hoặc giải toả các vấn đề tâm lý-xã hội của mình. Vậy nên họ mua sắm nhiều hơn, và lại nghịch lý là khi mua sắm nhiều hơn để mưu cầu hạnh phúc, con người lại cảm thấy không hạnh phúc.

Người ta hay đặt câu hỏi cho những người như anh Đặng Ân về Sạp Chàng Sen của anh, cũng như hay hỏi chị Thái Bình của One4One, hay chất vấn hoài nghi chị Hang Mai của XanhShop.com rằng có phải họ đang đi NGƯỢC với xu hướng?

Họ không giống số đông, mà cái gì không giống thì hay bị gắn nhãn là NGƯỢC như thế nó không xuôi, không bình thường. Anh Đặng Ân hôm nay trả lời rằng, Sạp Chàng Sen không đi ngược, chỉ là đi chậm lại (và kéo mọi người tiêu dùng chậm lại bằng cách đặt câu hỏi nhiều hơn).

Tôi biết, chị Bình và chị Hằng cũng từng nhiều lần giải thích như vậy về cái KHÁC mà họ đang theo đuổi.

Nhưng theo tôi thì không phải họ NGƯỢC hay CHẬM, mà bởi vì họ có một góc nhìn RỘNG hơn. Khi họ nhìn vào hệ thống xã hội này đang vận hành, họ không chỉ thấy có những người bán và những người mua, họ không chỉ dùng kính lúp phóng đại khoảnh khắc mua và bán. Khi nhìn về sản phẩm cũng vậy, họ không phải chỉ thấy sản-phẩm-cuối-cùng (end-product) như một cục đóng gói được chuyển giao trong một giao dịch để nhận lấy tiền.

Hệ thống của họ rộng lớn hơn, gồm rất nhiều bên liên quan với nhau, đang cùng nhau tạo ra rất nhiều loại giá trị khác nhau. Họ nhìn thấy sự cho đi, khi bên này tạo ra giá trị để đem lại lợi ích cho bên kia, và ngược lại, cũng sẽ nhận lại giá trị từ một bên khác. Giống như hệ thống đang vận hành là một bức tranh rất lớn, mà những người làm kinh doanh được đào tạo trong các trường kinh doanh đang nhìn vào một góc rất rất hẹp – sự khác biệt là ở chỗ đó. Và khác biệt như vậy, nên cách làm kinh doanh, cách tiêu dùng và cách giải quyết vấn đề sẽ khác nhau.

Thực ra góc nhìn hẹp đó đã được đề cập rất nhiều trong khoa học xã hội. Ví dụ như ngành Markting gọi những cái nhìn hẹp đó là “#THIỂN_CẬN” (#Marketing_Myopia của Theodor Levitt). Hoặc cái hệ thống mà tôi diễn đạt ở trên kia không phải câu chữ của tôi đâu, mà là lý thuyết được Vargo và Lursh giới thiệu tên là #Service_Dominant_Logic.

Ngành mà tôi đang học, cũng là ngành #Service_Science – để nghiên cứu và củng cố cho cách giải thích cách vận hành thế giới theo một hệ thống rộng – toàn diện – tổng thể như vậy. Thậm chí, tôi còn học được ở chị Hằng Mai, rằng các tác nhân đó có thể có cả các sinh vật không phải con người nữa cơ.

Khi nói về Service Science, người ta hay hỏi vậy tôi đang nghiên cứu Service nào? 😅 Du lịch hay Y tế, kiểu như vậy đó? KHÔNG. Nếu đếm kiểu DV số 1, DV số 2,… có n dịch vụ thì ta đang nói về services (có “s”), tức là một kiểu sản phẩm mà thôi. Service Science không có “s” như vậy, vì không nhìn hệ thống một cách hẹp như vậy nha.

Như cuối giờ có 2 khách tham dự đặt những băn khoăn về việc Xã Hội Số là tư bản hay thực dân gì thì ta cũng đang TIẾN lên, hoặc kinh doanh là kích thích mua nhiều để bán nhiều hơn thì liệu rằng làm sao mà doanh nghiệp có thể nỗ lực để hạn chế người dùng mua….

Trong bài giảng của giáo sư Tilman Santarius (mà tôi đề cập ở trên), thì thay vì bàn xem công nghệ này tốt hay xấu, nên hay không nên, thì ta có thể đặt một câu hỏi thế này: “Số hoá GIẢI QUYẾT được vấn đề gì?”

Những câu hỏi khác nhau, đưa ta đến những câu trả lời khác nhau. Hãy nhìn xem những người hành động, họ không chỉ hỏi những câu chỉ có hai sự lựa chọn tốt-xấu như vậy:

Anh Đặng Ân đang giúp người tiêu dùng đặt nhiều câu hỏi về việc mua để tiêu và dùng. (nhưng nếu mục đích mua không phải để tiêu và dùng, thì nghe hỏi vậy chắc cũng sẽ mất hứng khỏi mua nữa).

Chị Thái Bình thì thường nói về một sự cho đi để cân bằng.

Chị Hằng Mai thì cách này hay cách khác không giới hạn cái nhìn trong một chỗ, mà phải học nhiều hơn để cái nhìn được đủ đầy hơn.

Còn tôi thì… muốn học nhiều hơn về Service-Dominant Logic để lý giải và khám phá nhiều hơn về những hiện tượng xã hội này. Trước khi bàn tới những giải pháp, cần phải thật hiểu rõ vấn đề.

—–
Cuối 2021, bài giảng về Số hoá & Phát triển bền vững của Gs Tilman Santarius kết thúc chuỗi. Khi biên tập sách, chúng tôi cũng đặt bài này ở chương cuối để mở ra những hướng đi cho tương lai. Và cô gái trong hình, là người đã đề xuất để mở lại các cuộc hội thoại về #XãhộiSố qua khía cạnh tiêu dùng trong sự kiện ra mắt sách hôm nay.