Tui đọc · July 7, 2022 1

Một vài chuyện đọc Deleuze

[Không dám gọi là “kinh nghiệm”, hay “bí quyết” về cách đọc Deleuze, càng không phải là recap hay review vì chưa đủ tầm. Chỉ là một vài kỷ niệm, vài góp nhặt quanh chuyện đọc các tác phẩm của Deleuze]

Sách của các nhà xã hội học hay triết gia thì không lạ gì nếu có một quyển nào đó được biên tập theo một cách sáng tạo nào đó. Ví dụ cách đánh số chương, cách sắp xếp nội dung hay cách đặt tên đặt chữ cho sách. Họ nhìn cuộc sống ở nhiều khía cạnh và lớp tầng khác, nên cách họ phóng chiếu suy nghĩ của bản thân cũng đầy khác biệt. Nhưng khác biệt nhất mà mình từng được đọc là quyển A Thousand Plateaus (Mille-Plateaux, tạm dịch Nghìn Cao nguyên) của Deleuze và Guatarri.

Dù đã được “cảnh bảo” trước, nhưng khi mở mục lục ra, mình vẫn không khỏi bất ngờ, ngỡ nhà xuất bản in sách bị lỗi gì đó. Lật qua lật lại mấy lần mới thôi ngỡ ngàng. Thực ra thì hai tác giả này viết quyển này chẳng theo một thứ tự hay kế hoạch dàn ý ban đầu. Cứ gặp nhau rồi viết. Thành ra để đọc quyển này thì cứ đọc từ chương nào mình thích là được, chẳng cần theo thứ tự. Mà theo mình thấy thì trong mỗi chương đó, muốn đọc từ trang nào cũng được – vì dẫu sao thì rồi cũng phải lật tới lật lui, lật đi lật lại các trang đó mới hiểu được 😂😂😂. Và nếu nói đúng ra, nếu một ai đó bắt đầu quan tâm Deleuze, thì cứ chọn một quyển để bắt đầu, vì chẳng có một trật tự rằng nên đọc cuốn nào trước hay quyển nào sau… Hơn nữa, rồi thì cũng sẽ phải đọc đi rồi lại đọc lại các quyển sách của Deleuze thôi mà, nên bắt đầu từ đâu mà chẳng được.

Đọc Deleuze chính là đọc lặp lại. Các tư tưởng lặp lại trong những bài viết mới, và những điều mới lặp lại trong những tư tưởng mới.

Và đó là một trải nghiệm rất thực của Rhizome – một khái niệm được giới thiệu trong quyển sách. Rhizome, loại cây thân rễ – thân vừa là rễ, rễ cũng là thân. Nên nó bò lan ra. Cắt cái thân ra là nó thành rễ, mà rễ nó bò khắp nơi như thân nuôi lá nuôi cây. Mọi vật và hiện tượng cũng “dây mơ rễ thân” như vậy đó.

Mình bị cuốn vào Deleuze vì cách viết dẫn sống động. Ví dụ như thuyết “TRỞ THÀNH” (Becoming) là một nền tảng triết học quan trọng, được mở đầu bằng ví dụ của Alice lạc vào xứ thần tiên. Cô bé ăn chiếc bánh và TRỞ NÊN to lên, hoặc nhỏ lại. Cùng một lúc, sự trở thành này có cả 2 chiều kích – đồ vật xung quanh Alice không thay đổi kích thước nhưng cũng trở nên to hoặc nhỏ chính vì Alice đã trở nên tí hon hoặc khổng lồ. Mở đầu thú vị như vậy, nên rất cuốn hút. Hay Rhizome cũng vậy, một quan sát thú vị, và dùng chính cái Rhizome hữu hình cụ thể đó để giải thích cho một quy luật quan trọng.

Nhưng triết học không phải là kiểu sách dễ đọc và dễ hiểu, vì mức độ trừu tượng cao và ngôn ngữ lập luận chặt chẽ, thuật ngữ chuyên ngành nhiều. Nên tất nhiên là một người đọc “tay ngang” không có nền tảng chuyên môn như mình thì càng không có khả năng đọc trực tiếp các tác phẩm đồ sộ của Deleuze. Để đọc được, mình phải đọc thông qua các tác phẩm “hướng dẫn đọc”. Ví dụ như quyển The Deleuze Reader của Boundas biên tập, hay Gilles Deleuze: Key Concepts (của Charles J. Stivale biên tập, nhiều tác giả cùng viết), hay Gilles Deleuze: An Introduction (của Todd May). Những sách này “giải nghĩa” từng dòng, từng trích dẫn, từng lập luận của Deleuze ra. Điều này giúp mình có thể “đọc” Deleuze qua sự trợ giúp của “chuyên gia”. Tất nhiên, chính điều này cũng lại là một sự hạn chế. Vì cho dù tác giả có cố gắng chỉ-mô-tả điều Deleuze đã trình bày, nhưng vẫn thể hiện lăng kính góc nhìn của chính tác giả trong đó khi đưa ra các giải thích và so sánh.

Điểm yếu này thực ra rất… yếu. Bởi lẽ Deleuze không dành cho riêng một ai, cũng không giới hạn bất kỳ một “kết quả” nào mà người đọc có thể nhận được từ việc đọc và học Deleuze. Do vậy, đọc Deleuze “gián tiếp” qua tác phẩm khác thì đã phần nào hạn chế hoặc đóng khung một vài “kết quả” có thể nhận được. Tuy nhiên, nếu không có sự trợ giúp, thì lại khó có thể hiểu được. Với mình, mình chọn sự cân bằng. Mình đọc scan & skim (quét nhanh) các sách trợ giúp, và đọc kỹ, đọc lại nhiều lần tác phẩm của Deleuze.

Cuối cùng, đọc Deleuze là đọc một cách nhìn thế giới. Nó không cần một áp lực cố gắng nỗ lực phải đọc đến nổ não để thông tuệ thế giới. Có lẽ, chỉ cần “thong thả” đọc, và đọc tới, đọc tiếp. Đến một lúc nào đó, tự dưng sẽ cảm thấy cần quay lại đọc kỹ một điểm nào đó thì lại quay lại. Và triết học là quan sát , đọc Deleuze và cách nhìn thế giới trở nên khác đi, nhận ra được thế giới khác trong mắt mình, rồi quay lại đọc sách thì lại thấy bản thân đã hiểu khác hơn rồi.

.:: Cọp Giấy, đọc sách mùa hè 2022 ::.