Sài Gòn, 29/09/2020
Report (đúng hơn là recap) một quyển sách.
Khi làm việc trong lĩnh vực giáo dục, hay khi loanh quanh với các dự án xã hội, những điều mà mình thấy đều xoay quanh những tổn thương từ bên trong, những câu chuyện của gia đình. Rất nhiều vấn đề tâm lý nền tảng xuất phát từ gia đình. Những mâu thuẫn hay xung đột của hiện tại có thể là vấn đề của gia đình trong quá khứ của một người.
“Gia đình là một bể chứa cảm xúc. Chúng ta thường cảm tính hơn khi ở trong gia đình. Đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy tức giận với vợ hay chồng không có lý do, nổi giận với bọn trẻ trong vô thức. Chính vì vậy, nơi chúng ta sống và chịu nhiều tổn thương nhất là gia đình.”
Quyển sách này là một dạng sách tâm lý học được viết bằng ngôn ngữ bình dân, qua những câu chuyện gần gũi với cuộc sống, để dành cho người ngoài giới chuyên môn đọc và hiểu.
Quyển sách này viết về tâm lý học gia đình trong nền văn hóa phương Đông (Hàn Quốc) nên rất gần với những gia đình Việt Nam. Đó là những gia đình mà những đứa con không rời khỏi bố mẹ, cuộc sống luôn có mẹ chồng, gia đình vợ, và mối quan hệ yêu thương vợ chồng sẽ tái định nghĩa lại thành mối quan hệ 2 người cùng nuôi con sau khi đứa con ra đời. Và vì vậy, những câu chuyện rất gần, lý giải được những đặc tính thế hệ trẻ và gia đình trẻ xung quanh mình.
Mình ghi lại đây, mỗi chương một ý, cho chính mình không quên:
Đứa trẻ nội tâm chính là mỗi người ở thời thơ ấu. Nếu đó là đứa trẻ bị tổn thương, bị chối bỏ, thì đó sẽ là ký ức hằn sâu lên cơ thể.
Càng nhiều sang chấn, càng nhạy cảm với stress
Sống hồi tưởng về gia đình cũ trong gia đình mới. Lặp lại những tổn thương cũ, ám ảnh bất an sợ bị bỏ rơi, níu kéo sự cô đơn dù bên cạnh có người yêu thương mình.
Mối quan hệ lệ thuộc nhau quá mức. Con cái đóng thay vai trò của bạn đời của cha/mẹ. Những mamaboy, hay papagirl chọn bạn đời giống mẹ hoặc ba của mình. Để rồi sau đó cảm thấy thất vọng, vẫn thiếu vợ/chồng, thậm chí cảm thấy có lỗi với ba/mẹ của mình vì mình đã lấy một người khác làm bạn đời nên bắt người bạn đời phải có trách nhiệm chuộc lỗi suốt đời.
Cha mẹ không cho con cái tách ra và trưởng thành. Mẹ chồng thay vợ chăm quản con trai, chia sẻ không gian và công việc với con trai như người bạn đời, vợ đẻ con xong thì mẹ chồng làm thay việc làm mẹ của cháu nhỏ. Có khi 2 vợ chồng còn tán thưởng việc này, nên vợ ghen với mẹ chồng, chồng trẻ con, và trẻ con trong nhà thì bị đủ loại tổn thương.
Mối quan hệ tay ba. Khi vợ chồng né tránh đối mặt với các vấn đề, họ hay lôi một bên thứ ba vào để trút, xả, né, tránh. Thường là con cái (nếu không phải vì mày thì tao đã li hôn rồi), một người thứ ba (mẹ chồng, bạn bè, tình nhân), hoặc một đồ vật (công việc, laptop, TV,…)
Ngoại tình: thêm một số góc nhìn:
– Đàn ông sống với gia đình rất lâu, không tách khỏi gia đình nên khi chọn vợ lại chọn người giống chị, giống mẹ của mình, cho họ cảm giác “đây là vợ tốt”. Nhưng khi sống cùng nhau, họ thiếu người vợ, còn người vợ trở thành người chị trong gia đình. Dạng này sẽ ngoại tình liên tục không thể bỏ được.
– Mối quan hệ tay ba, để né tránh vấn đề giữa 2 vợ chồng.
– Vợ là người nhà. Ngoại tình cũng giống như lén mẹ đi chơi game mà nói dối là đi học, mẹ sẽ không bỏ mình, và mình không làm gì lỗi gì quá to tát. (Tiếc là vợ không phải là mẹ, và ngoại tình là một tổn thương nghiêm trọng)
Người là vật hy sinh trong gia đình.
– Để gia đình bình an, đứa ngoan cố nhịn cho đứa hư đừng gây gổ.
– Mọi vấn đề trong gia đình đều đổ cho con cái, nên con cái phải phân xử cho bố mẹ, phải học thay bố mẹ, phải đạt thành tích tốt hơn bố mẹ.
Gia đình là một hệ thống.
Mỗi người phải ở đúng chỗ của mình.
Vấn đề cần được tháo gỡ ở gia đình chứ không phải một thành viên. Đứa trẻ cá biệt, hay ông bố rượu chè, hay bà vợ trầm cảm là vấn đề của cả gia đình.
Null Bock: càng né tránh muộn phiền lại càng trống rỗng phiền muộn.
Gia đình hạnh phúc
– Mỗi cá nhân càng độc lập với nhau thì gia đình càng hạnh phúc.
– Luôn nói sự thật (mẹ nói thôi đừng ăn nhà hàng tốn kém, con dẫn mẹ về nhà ăn cơm nên mẹ buồn –> nói nước đôi gây tổn thương các bên)
– CỌP GIẤY –
1 Response
[…] biết đến tâm lý học gia đình và mối quan hệ threesome này là khi đọc quyển Hai mặt của Gia đình của nhà tâm lý học gia đình Choi Kwanghyun. Đó là sách tâm lý học thường […]