Đi Học / Kiến thức / Tui đọc · April 17, 2022 2

Du lịch Hsinchu qua khám phá của các nhà khoa học xã hội (Phần 1)

Lướt qua các kênh review và hướng dẫn du lịch Hsinchu (Đài Loan) sẽ thấy thông tin khá là ít ỏi và buồn tẻ hơn rất nhiều so với thông tin về Taipei, Tainan hay Kaoshiung. Đặc biệt là khi không biết tiếng Trung, mà chỉ dùng tiếng Anh. Từ Tripadvisor, Youtube, Google Maps tới các Blogs/ Website du lịch – phần giới thiệu cứ chung chung, như là cùng một nguồn lấy ra rồi đổi chữ vậy thôi.

Nhưng trong các bài báo nghiên cứu khoa học, thì thông tin về Hsinchu này lại khá nhiều và đầy thú vị. Và tôi đã đến với Hsinchu như thế: sử dụng các bài báo nghiên cứu khoa học như một tài liệu review về Hsinchu, và dùng chính hành trình nghiên cứu điền dã của mình làm chuyến du lịch vào Hsinchu.

1- SỰ HỒI SINH (REVITALIZATION)

Hsinchu là thành phố lâu đời nhất của Đài Loan, nên trải qua rất nhiều giai đoạn văn hoá khác nhau (cả văn hoá bản địa lẫn những lần bị đô hộ). Nơi đây vẫn còn những cộng đồng, tộc người Hakka lâu đời tại Đài Loan. Nhưng đây cũng là thành phố đầu tiên được đầu tư phát triển và xây dựng khu Công viên Khoa học (Hsinchu Science Park), dẫn đầu về các nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao tại Đài Loan. Hai trường Đại học ở Hsinchu (Thanh Hoa và Giao Thông) đồng thời đều là hai trường trong nhóm Tứ Đại của Đài Loan, dẫn đầu về các ngành Khoa học Công nghệ.

Câu chuyện về đô thị hoá, tốc độ phát triển công nghệ và khoảng cách văn hoá truyền thống và đương đại là chuyện xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng ở Hsinchu, sớm đã có những sự quan tâm về sự HỒI SINH, để những gì từng là tâm điểm của sự phát triển trong quá khứ có thể tiếp tục trở thành một trong những sức sống đương đại của thành phố.

“Ở Hsinchu này, nếu đứng ở một công trình truyền thống, thì tầm mắt sẽ nhìn thấy phía hiện đại của thành phố. Còn khi đứng ở phía những nơi hiện đại, thì trong mắt sẽ đầy những gì là biểu tượng của truyền thống ngày xưa.”

Trích Nhật ký điền dã, tháng 4/2022 của mình

Tôi đã tìm đến chợ Dongmen khi đọc bài báo của tác giả Hung Wei-Chen và giáo sư Fu-ren Lin Evolving Obligatory Passage Points to Sustain Service Systems: The Case of Traditional Market Revitalization in Hsinchu City, Taiwan. Bài báo viết về kết quả của 2 năm nghiên cứu thực địa và gắn các hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội của nhóm nghiên cứu trường Thanh Hoa trong việc hồi sinh lại chợ Dongmen – Khu chợ cũ nằm ngay gần Ga xe lửa thành phố.

Nơi đó từng là chợ, thì bây giờ vẫn là chợ thôi. Nhưng “chợ” được nhìn trong một bức tranh rộng hơn, của cả một hệ thống rất nhiều bên liên quan đang liên kết và cùng nhau kiến tạo giá trị. Nó là một sự kết nối diễn ra một cách tự nhiên khi mọi thứ được quan sát đầy đủ và sắp đặt đúng vị trí. Họ đã nghiên cứu, đánh giá, và tổ chức rất nhiều hoạt động ở đây để hồi sinh lại khu chợ này.

Bài báo cũng đã review rất rõ về bối cảnh trước – sau hồi sinh của Hsinchu, kết hợp các phân tích về vị trí địa lý và những nguồn lực kinh tế – lịch sử ở nơi này.

Tôi đi vòng quanh chợ vào buổi chiều, rồi quyết định đi băng ngang qua các ngõ chợ thành khu ăn uống khi đêm xuống – rất đậm đà mùi đậu hũ thối và đầy khói của món nướng và món lẩu.

Tương tự như chợ Dongmen, có thể tìm thấy rất nhiều sự hồi sinh khác ở Hsinchu, ví dụ như hàng loạt các dự án của Cultural Affairs Bureau đưa Bảo tàng từ vị trí thụ động trở thành một platform năng động để kết nối và hồi sinh nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau tại Hsinchu, như chế tác thuỷ tinh, điện ảnh, cứu hoả, nghệ thuật biểu diễn,… Một nghiên cứu của nhóm Tai-Shan Hu, Ssu-Chi Pan & Hai-Ping Lin đã phân tích so sánh tình huống Hsinchu với hai thành phố khác là Melbourne (Úc) và Helsinki (Phần Lan) gọi đây là một knowledge-based city, gắn liền tri thức với sự phát triển của thành phố.

Ví dụ như Image Museum (The OR Lightbox) gắn với nghệ thuật điện ảnh nơi đây, là một không gian kết hợp triển lãm, bảo tàng kiến thức, sách, souvenir, rạp chiếu phim và quán bistro. Có thể tưởng tượng ra những cặp đôi hẹn hò đến đây trải nghiệm như thế nào, mua vé – xem phim – chụp ảnh và nói chuyện cùng nhau (có lẽ, tiếp tục kể cho bạn bè trên mạng xã hội nữa). Bảo tàng thì miễn phí, sách thì tuyển chọn, không gian triển lãm thì đầy cảm hứng (những thứ truyền thống được hướng dẫn bởi con Minion) và đồ ăn thì… chắc là định giá theo giá trị, tăng trải nghiệm (nhưng giảm đáng kể ngân sách của khách hàng).

Hay Glass Museum, một nơi thú vị nằm ngay trong khuôn viên của công viên Tân Trúc, giáp luôn Sở thú, có một lối đi link trực tiếp với toà Spring Pool Glass Studio kế bên. Tầng một là các tác phẩm nghệ thuật, tầng hai là kiến thức về thuỷ tinh. Kể cả người bản xứ, ít ai biết rằng Hsinchu những năm 1960s-1980s đã từng là thủ phủ xuất khẩu thuỷ tinh của thế giới. Do áp lực cạnh tranh từ việc sản xuất công nghiệp giá rẻ của Trung Quốc, rồi thì lao động chuyển sang khu Công viên Khoa học làm, rồi thế giới thích dùng nhựa hơn thuỷ tinh… Đài Loan quyết chọn con đường riêng, nâng tầm thuỷ tinh truyền thống lên thành Glass Art và với sự tích cực của công ty Spring Pool Glass, ngành thuỷ tinh theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn ra đời. Điều này được mô tả đầy thú vị trong một bài tham luận hội thảo của Chen Kuang-Chieh năm 2007.

Tham quan chế tác thuỷ tinh từ bên ngoài cửa kính – Luôn luôn thu hút trẻ con | Video by Tui Thích Học

Tất nhiên, nơi đây không thiếu những cặp đôi hẹn hò, những người trẻ thích chụp ảnh ấn tượng (ánh sáng và không gian ở đây hoàn hảo, chỉ cần đưa bất kỳ cái camera nào lên bất cứ góc nào là có ngay hình đẹp.

2- NGÀNH CÔNG NGHIỆP SÁNG TẠO, NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ và THIÊN NHIÊN

Tôi nhìn ngắm Hsinchu, và đi vào Hsinchu với một sự hấp dẫn bởi cái ở giữa những truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thông, giữa xưa và nay. Tôi tự nhìn ra một công thức chung để Hsinchu liên kết những thứ này lại với nhau: THIÊN NHIÊN + CREATIVE INDUSTRY + CULTURE INDUSTRY.

Nghiên cứu Hsinchu Technopolis: A Sociotechnical Imaginary of Modernity in Taiwan? của Jinn-Yuh Hsu chạm đến ngành công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao của Hsinchu qua những sự quan sát về giấc mơ một “Thung lũng Silicon” của châu Á tại Hsinchu này – được cho là giấc mơ chung của cả Trung Quốc và Đài Loan (theo California (and Hsinchu) Dreaming: China’s Flailing Efforts to Replicate Technology Clusters). Đó chính xác sẽ là những gì có thể thấy tại Hsinchu, kiến trúc theo kiểu Mỹ – tức là một cái gì đó rất phương Tây, thi thoảng đan xen cả yếu tố Á phương Đông. Mà chẳng đứt gãy gì, một phần vì vốn phong cách Mỹ đã bao gồm sự đa dạng nhiều màu, một phần vì sự hài hoà trong những giấc mơ của con người.

Tác giả Jinn-Yuh Hsu đã lập luận rằng, chẳng có gì phải hổ thẹn hay ái ngại, nếu người dân có một giấc mơ về những thứ của phương Tây (khi mà thế giới dường như chỉ có 2 phía: Phương Tây và Phần còn lại). Giấc mơ đó cũng chính là khi mà công viên khoa học được xây dựng lên dựa trên mô hình nguyên bản của Stanford Science Park. Giới trí thức là các GV đại học, các quản lý và kỹ sư du học phương Tây về, các dự án bất động sản “phong cách Mỹ” được chào bán cho những người này. Giấc mơ phương Tây có thể lộ ra, có thể ẩn giấu, nhưng sự đụng chạm tới quyền lợi của những cộng đồng địa phương là có. Thay vì phớt lờ hay chỉ trích những giấc mơ và những quyền lợi, thì sự dung hoà là cần thiết. Ngành công nghiệp sáng tạo cũng vì đó mà có điều kiện phát triển, và cũng vì đó mà giúp kết nối tất cả lại với nhau.

Đi trên đường phố Hsinchu, sẽ thấy không phải một kiểu hiện đại Á Đông như ở Taipei (vốn giống giống các khu sầm uất ở Sing hay Malay), cũng không giữ nét cũ cũ cổ cổ như phía trung – nam, mà là một phong cách kiến trúc hơi hướng khá Mỹ.

Chưa cần phải đến những làng cổ như Beipu, hay phải vào tận cổng của công viên khoa học để chứng kiến điều này. Ngay khu trung tâm thành phố, có Yingximen – một trong 4 cổng thành duy nhất còn sót lại của thành phố Hsinchu cổ. Chiếc cổng được giữ nguyên, sử dụng làm một bùng binh lớn với nhiều cao ốc và biển quảng cáo xung quanh. Vòng tròn xung quanh thành như mô phỏng lại tường thành đã từng bao bọc lấy thành phố này năm xưa. Điều thú vị là bên trong tường thành đó, lại là những chiếc kiếng ốp tường – thu hút giới trẻ đến đây tập nhảy và biểu diễn.

Tường thành vẫn đứng đó để chứng kiến những thế hệ mới của thành phố lớn dần lên, để chào đón những khách viễn xứ ghé thăm và vẫn trở thành một phần của thành phố. | Photo by Tui thích học

Công viên Moat Garden dọc theo con kênh ngay kế bên đó là một không gian lãng mạn rất chất Âu. Hai bên đường lát đá pouvé xanh cho cả ô tô và xe máy chạy qua, cùng các cửa kính hàng quán và cafe. Công viên phủ xanh, với những chiếc cầu bắc ngang gợi nhớ ngay tới Paris. Thêm tiếng saxophone biểu diễn đường phố nhạc Âu, nhạc Á và cả nhạc Nam Mỹ. Đến Yingximen, không chỉ là dừng ở đó chỉ để chụp hình với cái cổng thành rồi lặng lẽ đi về, bỏ lỡ mất cả một hệ thống sinh thái xã hội của thành phố.

.:: Cọp Giấy, Tân Trúc tháng 4/2022 ::.

<Còn tiếp kỳ sau>

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chen H-W, Lin F-R. Evolving Obligatory Passage Points to Sustain Service Systems: The Case of Traditional Market Revitalization in Hsinchu City, Taiwan. Sustainability. 2018; 10(7):2540. https://doi.org/10.3390/su10072540

Chen, K. C., Hu, T. S., & Kunzmann, K. R. (2007, August). Emergence of Creative Industry in a High-Tech District and Their Feasibility: a case of Hsinchu, Taiwan. In ” Techniques and Technologies for Sustainability” International Conference.

Fuller, D. B. (2016). Paper tigers, hidden dragons: Firms and the political economy of China’s technological development.

Hu T-S, Pan S-C, Lin H-P. Development, Innovation, and Circular Stimulation for a Knowledge-Based City: Key Thoughts. Energies. 2021; 14(23):7999. https://doi.org/10.3390/en14237999

Hsu, J.-Y. (2018). Hsinchu Technopolis: A Sociotechnical Imaginary of Modernity in Taiwan? Critical Sociology, 44(3), 487–501. https://doi.org/10.1177/0896920517705440