
Điều mà tôi đã không nghĩ đến khi mua chiếc máy đọc sách, là cơ hội được đọc lại rất nhiều tác phẩm của 2 nhà văn Agatha Christine và Sidney Sheldon.
Đây là 2 tác giả gắn với thời niên thiếu của tôi, suốt những năm phổ thông, cứ lang thang nhà sách và ôm về nhà 1 quyển sách dày cộp (và hic hic giá tiền cũng rất cao) của 2 tác giả này.
Thực ra lúc ấy tôi ít theo đuổi những tình cảm lãng mạn trong những tiểu thuyết mình đọc, mà say mê với những bí ẩn trong các tác phẩm trinh thám. Tôi không thích những kiểu phiêu lưu siêu thực với một mục tiêu theo đuổi như tác phẩm của Dan Brown, hay những truyện đặt nặng vào hình sự tội phạm như của James Chase.
Trong truyện trinh thám, tôi chỉ thích những cuộc phiêu lưu như kiểu Bộ ba thám tử trẻ của Robert Arthur, hay nữ thám tử Alice. Thi thoảng sẽ có vài sách lẻ như Vụ án mạng trường Oxford của Guillermo Martínez, hoặc như mới đây là Phố của những cửa hiệu u tối. Và trên hết vẫn là những tiểu thuyết của bà Agatha và ông Sheldon, dù không phải tiểu thuyết nào của họ cũng là một vụ án có người đi điều tra.
Tôi đã thường nghĩ rằng việc đọc tiểu thuyết chỉ là sở thích, và nếu ghi chú vào CV thì có lẽ nó chỉ là một phần nhỏ trong mục Hobbies (công bằng mà nói, tôi đọc rất nhiều loại sách chứ không chỉ tiểu thuyết). Nhưng lần này khi đọc lại những tiểu thuyết mình từng yêu thích, tôi lại nhận ra nhiều điều mới.
Về chính bản thân mình, tôi rõ ràng thích giải các câu đố, không phải để thách thức trí tuệ của bản thân mà là cái khát khao muốn tìm ra sự thật, muốn lý giải cách thức sự việc diễn ra, và muốn biết những cảm xúc, những chân dung, những mối quan hệ trong sự việc đó. Và truyện của Sir Conan Doycle đã không thỏa mãn bản thân tôi, vì các vụ án của Sherlock Holmes như sự thách thức của trí tuệ và phán đoán có tính “vượt trội”, hơn người và hướng vào xây dựng tố chất của người thám tử. Đôi lúc, làm tôi có cảm giác rằng thám tử có siêu năng lực gì đó.
Một điều tôi nhận ra rằng ngày trước tôi chỉ nhìn thấy những diễn biến, và bị cuốn theo tình tiết sự việc. Nhưng bây giờ tôi thấy được những thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã kể câu chuyện, truyền tải được những trải nghiệm, xây dựng được câu chuyện tuyệt vời đến thế nào.
Tôi nhận ra cả Agatha Christine và Sidney Sheldon đều không hề giấu đi những chi tiết hay manh mối. Các manh mối và chứng cứ luôn có ngay trước mắt, nhưng nó được kết hợp theo những cách khác nhau và dẫn đến các kết quả khác nhau. Như trong quyển Tận Cùng Là Cái Chết của bà Agatha, những manh mối không hề được che giấu, nhưng khi kết hợp lại dưới góc nhìn của người này, sẽ chỉ ra người kia là hung thủ. Rồi người kia bị ám sát, lại cho thêm việc này như dữ kiện mới, lại tổng hợp ra một kết quả mới. Cứ như vậy, cứ như vậy, cho đến kết quả cuối cùng.
Truyện trinh thám luôn như vậy? Không hẳn đâu. Như trong Sherlock Holmes, để cho thấy khả năng quan sát ưu việt của thám tử, rất nhiều chi tiết bị giấu – làm cho đọc giả như mình trở nên “mù” trước các dấu hiệu đó, cho đến khi Sherlock kể cho chúng ta thấy ông ta nhìn thấy cái gì.
Sidney Sheldon không hẳn là tiểu thuyết trinh thám, nhưng đúng là bậc thầy của kể câu chuyện giải mã các bí ẩn. Kịch tính được tạo ra, khi đổ ập xuống những nhân vật chính, để có đôi khi chính người đọc cũng không biết nhân vật chính đang là nạn nhân (bị hàm oan) hay là hung thủ chính. Rất nhiều người trong tác phẩm của ông cùng đi giải mã. Thật sự khó chỉ ra được rằng đoạn nào ông đang mã hóa, đoạn nào mô tả mã và đoạn nào là giải mã.
Sự việc có vẻ như đã đủ phức tạp và kịch tính rồi, nên cả 2 tác giả thường chẳng cần làm người đọc xoắn não bằng các kỹ thuật đánh đố hay làm rối trí bằng kiểu giấu đi một ít gì đó.
Và thật tài tình khi mỗi tác phẩm lại được viết theo một thủ pháp khác nhau. Nhưng vẫn rất đậm phong cách của tác giả. Tôi không thể lẫn Agatha với Sidney, và không thể lẫn họ với những tác giả khác.
Và hơn hết, tôi nhận ra những thông điệp khác trong những tiểu thuyết đó, không phải chỉ là một vụ án với câu hỏi “ai là hung thủ”. Mỗi một tiểu thuyết luôn có một ý nghĩa nào đó thảo luận, đối thoại, đan cài vào các mối quan hệ và nhân sinh quan trong các vụ án.
Cũng trong quyển Tận cùng là Cái chết làm ví dụ, tôi tưởng tượng bà Agatha khi đến Ai Cập cùng chồng, đã cảm nhận được vùng đất nơi đây và muốn mở ra cuộc đối thoại về Hiện thực – Quá Khứ, Đời này – Đời sau, thông qua những thảo luận về “sự thay đổi”. 8 năm, mọi thứ có thay đổi không? Và rồi đổi thành câu hỏi, cái gì đã thay đổi? Vì sao thay đổi? Để đến cuối cùng lại tự hỏi “đã thay đổi từ khi nào?”. Và khi quá khứ hiện về với những sự kiện đã xảy ra mà ít được chú ý, thì nó như mảnh ghép cuối cùng để lý giải. Tác giả không hề nói một kết luận gì, nhưng tình yêu đó là thứ đã không thay đổi.
Với tôi, đó là sự đối thoại rất đẹp. Kể cả 5h25ph và Chuyến tàu tốc hành phương Đông là 2 tác phẩm tôi đã từng không thích lắm (thường có Poitrot là mình không thích), nhưng bây giờ mình nhận ra ý nghĩ trong các mối quan hệ, và thông điệp nhân văn trong câu chuyện đó. Những vụ án chỉ là sự kiện trong một bi kịch lớn hơn nhiều.
Thật ra, tôi không nghĩ tuổi tác và kinh nghiệm giúp tôi nhận ra được những điều này đâu. Mà chính là vì tôi được tham gia học ké lớp viết tiểu thuyết của một nhà văn – một giảng viên. Tuy chỉ là những bài học cơ bản, và tôi chỉ thực hành với truyện 100 chữ, nhưng tôi đã có thể nhìn thấy được nhiều tín hiệu hơn khi đọc một tiểu thuyết. Điều này giống như khi ta có chuyên môn về một lĩnh vực nào đó, ta sẽ thấy được nét đẹp và sự chuyên nghiệp mà những người ngoài ngành không thấy.
Khi không có chuyên môn, ta chỉ có thể cảm nhận bản nhạc hay khi các âm thanh đó xuôi tai, hình vẽ đẹp khi nó quen mắt dễ hiểu, và cuốn truyện hấp dẫn khi nó… hấp dẫn. Rất nhiều thứ ta không thể thấy được, dù điều đó đang diễn ra trước mắt ta vì ta không có hiểu biết chuyên môn. Ta không hiểu được hợp âm đó thông minh và đẹp cỡ nào, ta không thấy được bút pháp thị giác đó sáng tạo và logic như thế nào, và không nhận ra trải nghiệm trong chữ mà ta được đọc đã được tạo ra tinh tế ra sao.
Đến đây, tôi bây giờ mới thấm thía và hiểu vì sao các giáo viên dạy văn năm xưa đã dặn tôi rằng hãy luôn phân tích từ NGHỆ THUẬT đến NỘI DUNG, chớ có làm ngược lại. Tôi đã được dạy điều này từ rất lâu, nhưng đã chưa thực sự hiểu, và chưa nhận ra ý nghĩa của điều này.
Đọc lại, và lại học được những điều đã từng học, theo một cách mới.
.:: Cọp Giấy ::.