
“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” khơi dậy rất nhiều cảm xúc mạnh, và một dư âm dai dẳng về những chuyện xảy ra đã từ rất lâu. Cảm xúc mạnh mẽ này đến từ những câu chuyện rất thật. Sự thật này không phải để kiếm chứng bằng những bằng chứng về thời gian địa điểm, sự thật này ở trong những hồi ức và cảm xúc của những người đã sống trải trong cuộc đời đó.
Tác giả cho thấy rằng văn chương không phải chỉ là những hư cấu, không phải lúc nào cũng có cốt truyện và tình tiết diễn biến. Những câu chuyện đơn giản là những góc nhìn cuộc đời, những sắp xếp các yếu tố vào câu chữ. Cuộc đời này, đặc biệt là cuộc đời trong chiến tranh thì không bao giờ là thiếu những tư liệu cho một tác phẩm để kể.
Tác giả là nhà báo với năng lực tìm nguồn tin, đặt câu hỏi và sắp xếp dữ liệu, chọn cách tiếp cận như nhà nghiên cứu nhân học để theo đuổi một câu hỏi nghiên cứu: “người phụ nữ trong chiến tranh như thế nào?”. Nhưng rồi lại xuất bản tác phẩm như một tác phẩm văn học – và thế là người ta sẽ đọc nó để kết nối với câu chuyện, để cảm nhận và để nuôi dưỡng cảm xúc, chứ không phải để xem xét dưới các đánh giá khoa học xã hội. Cũng không phải là phóng sự chuyên đề để tái dựng lại hiện tượng cho người đời phán xét.
Vậy mà lại nhân văn? Những người phụ nữ hậu chiến đã im lặng quá lâu, họ chỉ muốn lên tiếng và được lắng nghe, để hình ảnh cuộc chiến được trọn vẹn và thừa nhận một giai đoạn của cuộc đời họ. Họ im lặng vì không ai nghe và nỗi sợ bị đánh giá quá lâu rồi. Thật may, tác giả chọn công bố tác phẩm văn chương. Nhưng trong văn đó, tác giả lại chọn lựa thể hiện theo lối hiện tượng luận, nghĩa là cứ để cho hiện tượng sẽ tự bộc lộ vấn đề của mình, còn tác giả chỉ là viết xuống những hiện tượng đó – như cách tiếp cận của phương pháp tiểu sử cuộc đời.
Trong suốt 7 năm, tác giả đã phỏng vấn hàng trăm phụ nữ từng là du kích, xạ thủ, công binh, pháo binh, quân y… trong thế chiến thứ hai. Họ ban đầu từ chối vì ngại vì sợ, nhưng rồi họ nhận ra họ khao khát được kể biết bao nhiêu. Đã hơn 30 năm sau cuộc chiến, họ quay về với đời thường nhưng dường như cuộc đời họ đã dừng lại ở khoảnh khắc kết thúc chiến tranh rồi.
Tôi nhận ra rằng chiến tranh vẫn luôn được kể với hình ảnh của những người đàn ông, của số lượng thành tích chiến thắng, của lòng quả cảm đặt mục tiêu cuộc chiến lên cả sinh mạng bản thân, của khói lửa và đạn dược, của những bản đồ hành quân. Đó là những khuôn mẫu, nhằm làm cho cuộc chiến có tính chính đáng và tôn vinh những hình mẫu anh hùng để củng cố những lòng tin.
Những câu chuyện của các cô gái Ukraina, Serbia,… xung phong tham chiến ở tuổi quá nhỏ, chỉ vì một tinh thần lý tưởng hơn là hiểu chiến tranh là gì. Chuyện của những thỏi sô cô la phải bỏ lại, những đôi giày số 42, những nỗi xấu hổ vì tới kỳ nguyệt san, những mối tình, những cảm xúc chợt “người” khi nhìn một bông hoa, hoặc bắn chết một con nai con… liệu có phải chỉ là chuyện của riêng phụ nữ? Chẳng lẽ những chàng trai trẻ 15 tuổi năm ấy không có những cảm xúc rất đời như vậy? Tôi nghĩ, họ có chứ, nhưng họ gạt nó ra khỏi cuộc chiến, và có thể họ đã cho nó quên lãng sau khi cuộc chiến kết thúc.
Sự quên lãng đó không quên, nó chỉ là một sự không thừa nhận. Sau khi chiến tranh qua đi, người lính nữ không được thừa nhận trong xã hội. Họ có thể có huân chương, nhưng cuộc sống thời bình đẩy họ về với vai trò nội trợ và không nhắc đến quãng đời đó nữa. Quãng thời gian tham chiến đó, thực sự là một phần bản sắc của họ. Họ không thể thừa nhận cuộc đời mình, lại không có gì để khẳng định mình trong thời hậu chiến. Có người nghĩ là mình ổn, nhưng thật ra là không trọn vẹn.
Có một chi tiết mà tôi rất nhớ, các cô gái đã không khóc khi có bạn chết trận, khi mất đi kỷ vật hẹn ước, khi đối mặt với nhiều thương binh, khi 3 ngày không ngủ, khi bị lột trần và tra tấn man rợ. Nhưng 30 năm sau, khi kể lại chuyện của họ, họ lại khóc. Họ cũng không hiểu vì sao mình khóc. Và tôi không cố gán ghép bất kỳ ý nghĩa nào về giọt nước mắt đó, vì chỉ riêng việc họ khóc đã là ý nghĩa rồi.
Những câu chuyện cuộc đời có rất nhiều cung bậc cảm xúc. Nó đánh tan cái khuôn mẫu của những cảm xúc ở thái cực yêu thiêng liêng – căm thù dữ dội thường thấy trong chiến tranh. Nó có sự lo lắng, hổ thẹn, hoặc… chẳng biết gọi là cảm xúc gì.
Điều này làm tôi nhớ đến các kỷ yếu cựu chiến binh VN cộng hòa với các câu chuyện kể không phải về chiến tích hay tấm gương anh dũng, mà về những kỷ niệm vui buồn ở trường sĩ quan, những trò đùa anh em chiến hữu, những lần núp cùng nhau hoặc bị thương cùng nhau. Có lẽ, người lính thì dù là nam hay nữ, phe này hay phe kia, thì có một cuộc chiến trong đời không thể thoát ra được. Nếu phần đời đó không được thừa nhận, họ sẽ giữ mãi những ký ức, vì chỉ có những ký ức mới lý giải được rằng họ đang tồn tại.
Có rất nhiều người phụ nữ tham chiến, họ có huân chương nhưng lại không được thừa nhận. Nên “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ” là một tuyển tập toàn những câu chuyện của phụ nữ trong chiến tranh, và mở ra cả một vùng ký ức sống động chưa từng được khám phá.
Chính nhờ những ký ức đó, tôi phần nào hiểu được sức mạnh của con người trong chiến tranh đến từ đâu.
.:: Cọp Giấy, đọc sách tháng 12/2021, nghĩ về nước Ukraina tháng 2/2022 ::.