Tui đọc · June 28, 2021 0

Cấu hình Xã hội: Cộng đồng Công Giáo Bắc Di Cư Nam Bộ

Từ kích thước Cộng đồng đến Kích thước cá nhân

Đây là một công trình nghiên cứu tiếp cận theo Nhân học, để tái hiện lại quá trình tái định cư, tái cấu trúc xây dựng lại cộng đồng của những người công giáo di cư (1954) vào Đồng Nai. Không chỉ một quá trình lịch sử và kết quả được mô tả lại, công trình này lý giải thêm những chiều kích và cơ chế của sự “tái cấu trúc văn hoá” của một cộng đồng và của từng cá thể.

Diaspora = theo nghĩa cổ có nghĩa là “GIEO GIỐNG”, sau này thành “LY HƯƠNG”.
Hiểu theo một nghĩa là hạt giống đem đến nơi khác gieo thì vẫn mang đầy đủ thuộc tính của giống cũ. Văn hoá cũng vậy.

Ly hương là một sự kiện, nhưng tái cấu trúc, tái lập lại một cuộc sống lại là một quá trình. Tác giả đã thực hiện một quan sát liên tục trong 10 năm. Nhưng kể cả khi đã hoàn thành báo cáo này, thì quá trình đó vẫn tiếp tục diễn ra, với thế hệ mới, sự giao thoa và lại tiếp tục những trải nghiệm di cư của cá nhân.

Nghĩ về hiện tại và tương lai, quá trình di cư và tái lập vẫn cứ diễn ra. Và nếu nhìn kỹ về quá khứ, thì quá trình đó cũng chưa từng ngừng lại. Như những hạt giống vẫn theo gió tìm nơi nảy mầm.

Tác giả mô tả hiện tượng học, giải mã một hiện tượng qua những dữ kiện và ghi chép. Và là một người đọc, mình có thể tự rút ra một số cách nghĩ của riêng mình. Phần sau đây là vài ghi chép của riêng mình, không nhất thiết phải là quan điểm của tác giả.

Từ câu chuyện điển hình của một cộng đồng người làng miền Bắc di cư vào phương Nam, các layers tổ chức – cấu trúc xã hội được bóc tách và tương tác với nhau rất rõ ràng:

  • Tôn giáo: không chỉ là đức tin hay tinh thần, mà còn thực sự là bản sắc, là lý do tồn tại của cá nhân & cộng đồng. Một điều gì đó giúp họ nhớ về nguồn gốc và ý nghĩa của cuộc sống, một điều gì đó mà dù họ có di chuyển đi nơi nào khác thì họ vẫn còn tồn tại.
  • Dân tộc – Truyền thống: các lễ nghi, niềm tin, dân gian, để lý giải tôn giáo. Nếu xem tôn giáo là Social values, thì có lẽ Dân tộc – Truyền thống này là Social Norms.
  • Chính quyền địa phương: có ít nhất là 2 thể chế chính quyền khác nhau từ khi cộng đồng này di cư vào miền Nam sinh sống. Ít nhiều gì thì cả 2 thể chế này mang 2 triết lý có thể không tương đồng với quan điểm của mỗi người trong cộng đồng, nhưng họ vẫn có cách để có thể cân bằng layer thứ ba này trong quá trình tái lập lại văn hoá của họ.

Một khía cạnh nhỏ, chưa phải là trọng tâm của nghiên cứu này, chính là ý nghĩa của sự “mất – tìm lại” của những người rời quê hương & làm lại cuộc đời. Phải chăng miền Nam là nơi hội tụ của những người “ly hương”, của những đoàn người Hoa, Khơ Me, Việt (theo dòng khai khẩn của chúa Nguyễn) và cả những cuộc tái định cư nội bộ này. Rõ ràng, có rất nhiều cuộc nghiên cứu có thể mở rộng tiếp từ nghiên cứu này.

Mình vốn không phải chuyên ngành Nhân học, nhưng càng đọc và càng tìm hiểu, lại càng thấy rõ ý nghĩa của những nghiên cứu Nhân học và đang muốn hướng bản thân theo ngành này.