Midnight Asia là series phim tài liệu mà mình đang xem.
Cách dựng storyline cho series này giống sự giải mã khi “bóc tách” từng lớp. Khi một lớp được lột ra, lớp dưới cũng vẫn là một câu chuyện thú vị không kém. Không có yếu tố gây shock kiểu bất ngờ hay bí ẩn, series này chỉ là từng lớp từng lớp được bóc tách ra để câu chuyện được rõ ý hơn. Mình cũng tự hỏi, có khi nào những người đang sống ở các thành phố đó, sau khi xem phim này, sẽ thốt lên: “ủa, đây là chỗ mình ở đó hả?” – vì có thể họ không tham gia vào thế giới về đêm đó, không thực sự thuộc về thế giới đêm đó. Có những cái chúng ta chưa thấy, nhưng không có nghĩa rằng nó không tồn tại. Và sự bóc tách layer sẽ khác với sự phủ lên che đậy. Vì Midnight Asia bóc tách theo chiều sâu xuống để hiểu rõ câu chuyện, chứ không cố phủ một lớp ý nghĩa nào đó lên câu chuyện để mang tính khái quát hóa – gọi đó là đại diện cho bản sắc của cả thành phố.
Chợ đêm Đài Loan, show diễn Thái Lan, siêu xe tốc độ Tokyo, các hộp đêm và quán bar, đèn màu và nhạc mạnh, cocktail và đủ loại bản sắc “con người thật” được thể hiện trong đêm… là những gì rất dễ nhìn thấy và tưởng tượng ra, nhưng câu chuyện của nó là gì? Là lá dương xỉ cho món cocktail trà, là lập nghiệp thành công của batender, là graffiti vẽ những người xấu xí, (kể nữa sẽ thành spoiler mất hehe ) Từ chuyện mô tả ban đêm họ họ ăn gì, uống gì (#EAT), họ làm gì (#DANCE) mà người xem nhận ra được bản sắc đa dạng của họ: HỌ LÀ AI? HỌ MONG MUỐN TRỞ THÀNH AI? (#DREAM)
Khi chỉ là một người xem, mình nhận ra được Taipei, Tokyo, hay Seoul khác nhau dù cũng vẫn là những sinh hoạt đó. Đặc biệt khi về đêm, sự khác biệt về dáng vẻ bên ngoài có vẻ ít hơn buổi sáng. Thế nhưng vẫn thấy những nơi đó có sự khác biệt. Sự khác biệt thực sự là ở những layer bên dưới, không phải ở trên bề mặt, càng không phải là ở những lớp phủ đậy nặng nề cố gán vào một hiện tượng.
Mình vẫn nhớ trăn trở của bạn LN khi làm Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish – 好文魚, rằng khi bạn đi giao lưu ở nước ngoài, bạn nhận thấy bản sắc văn hóa của các bạn trẻ VN rất “mỏng”. Mỏng là một từ thích hợp để hình dung về hiện tượng này: bóc xong cái lớp mỏng đó ra thì không còn gì. Khoe về một số thứ rất rập khuôn bằng cách gọi tên nó ra, rồi giải thích cái tên đó, rồi… hết. Mà có khi thì đến cả cái phần giải thích đó cũng khó khăn. Và đâu phải là chuyện của riêng người trẻ.
Chính vì mỏng, nên dễ vỡ, nhưng lại sợ mất GỐC thành ra thích níu giữ. Níu giữ văn hóa bằng cách phủ lên nhiều tầng ý nghĩa rất nặng nề. Theo năm tháng, nhiều thế hệ qua đi, cái vỏ và những lớp phủ cũng dầy lên – nặng thêm. Trong Midnight Asia, mỗi khi một lớp mới được bóc ra, câu chuyện phía sau làm hợp lý hóa câu chuyện trước đó. Có khi các nhân vật rất hào hứng cho sự bóc tách này, vì cái hay và khác biệt là cái layers bên dưới.
Nhưng ngược lại, khi cố níu giữ cái vỏ và những lớp phủ thì người ta sẽ dễ tức giận khi ai đó chạm vào, thậm chí nổi cuồng nộ quy kết tội lỗi cho ai có ý đồ lột lớp phủ ra. Nhân danh bảo vệ văn hóa và giữ gốc – gốc yêu nước, gốc trong sáng tiếng nước non,…
Mình không nói bản sắc văn hóa của VN là cái vỏ rỗng với lớp thiêng hóa cũ kỹ bên trên. Mà là những lớp bên dưới chưa được bóc tách mà thôi. Nếu bên dưới thực sự không có gì, thì Hiếu Văn Ngư còn gì đâu mà hoạt động.
Như một comment của cô H KC mà mình rất tâm đắc, rằng những chuyện (cuồng nộ bảo vệ bản sắc văn hóa) đã xảy ra nhiều lần rồi, vì
“ngta ca ngợi và chỉ trích lịch sử thì nhiều, nhưng học từ lịch sử thì ít”
Ts. Nguyễn Thị Hậu
Quả thật vậy, các dự án mới đây cố gắng nghiên cứu và phục dựng lại trang phục cô dâu 3 miền triều Nguyễn thì có người comment là trông cứ như lai Hàn Quốc (chỉ vì nó không giống áo dài tân thời ngày nay), hay nhóm làm lại binh khí và cách dùng kiếm bắn cung thì có comment thắc mắc sao quần áo cứ như tướng lính bên tàu. Hoặc 郎僚 mà gọi là Lang Liêu thì được, còn gọi Lang Lèo nghe không quen tai là ngỡ tổ tiên đang bị đổi tên tục giễu. Tất cả những việc đó đều do sự ngại học, ngại đụng chạm vào thứ gọi là bản sắc văn hóa.
*Nhiều phim tài liệu hay ho liên quan đến chất liệu văn hóa và bản sắc đa dạng, cứ xem là không thể không nghĩ tới văn hóa VN.