Đi Học / Kiến thức / Tui đọc / Tui xem · November 1, 2020 0

Phim PINOCCHIO – Sách Factfulness – Học News Literacy

Cuối tuần rồi xem phim thôi 😄
[Tản mạn một tí và hứa không spoil hết phim]
Các phim của chàng Lee Jong-suk hình như luôn nói về một nghề nào đó. Pinocchio là một phim khá hay, về nghề phóng viên, về báo chí và tin tức chúng ta xem mỗi ngày.

Pinocchio trong phim này là những người mắc hội chứng KHÔNG THỂ NÓI DỐI. Vì nếu nói dối thì họ sẽ bị nấc cụt và lộ ngay.

Drama bắt đầu từ một vụ cháy nhà máy hóa chất, cháy lớn và có một vụ nổ khiến 9 lính cứu hỏa chết tại chỗ và 1 người mất tích. Người mất tích này là một chỉ huy lạc quan, yêu nghề, và có nghĩa khí, cũng là người chồng yêu vợ, người cha của 2 đứa con trai có trí nhớ thần đồng. Vụ việc quá lớn, hút mọi sự quan tâm của báo chí vào 9 cái chết thương tâm. Mọi người đổ dồn vào sự bất công “tại sao người chỉ huy không tìm thấy xác?” Và họ tức giận vì “không tìm thấy xác = còn sống”.

Và trong một chiều mưa, một cậu bé Pinocchio đã thoáng thấy bóng lưng của một người đàn ông mà cậu nghĩ rằng chính là người lính cứu hỏa đang mất tích. Thế là đám đông phẫn nộ, báo chí khai thác nước mắt của những gia đình bi thương, đám đông soi mói vào vợ và con của người lính cứu hỏa mất tích. Họ ném trứng vào đứa trẻ, họ hỏi những câu chọc thẳng vào đứa trẻ. Uất ức, người mẹ dẫn đứa con trai nhỏ nhảy xuống biển tự vẫn, bỏ người con trai lớn dở dang việc học hành.

Dường như không ai nhắc đến nguyên nhân của vụ cháy (lý do khiến những người lính cứu hỏa chết), hoặc điều tra việc khai báo gian dối của nhân viên bảo vệ khiến những lính cứu hỏa bất chấp nguy hiểm mà đi cứu người. Những tin cải chính, những phiên tòa hay điều tra bị lọt thỏm và bỏ rơi. Người ta muốn tiêu diệt một đối tượng ác quỷ có tên là “lính cứu hỏa mất tích” mà thôi.

Chúng ta có thể thấy sự lệch tâm chú ý đó của cộng đồng trong rất nhiều sự việc mỗi ngày. Đó gọi là #BIAS – personal bias và media bias.

Có những bài báo chỉ khai thác quần áo, đời tư, nước mắt, loại xe người này đi loại áo người nọ mặc, trong khi trọng tâm vụ việc lại bị phớt lờ. Mà thật ra thì công chúng cũng muốn quan tâm đến những thứ đó hơn là bản chất hay chân tướng của sự thật. Loại tin tức như vậy không hẳn là fake news, mà là một loại “KÝ SINH BÁO CHÍ”, sống nhờ báo chí, ăn bám trên báo chí và tạo ra sức mạnh rất mạnh.

Giới nhà báo cũng gọi người viết những bài viết tầm thường ký sinh đó là “phóng viên salon, ngồi salon máy lạnh làm tin tức”. Nhưng tại sao loại tin tức đó lại sống mạnh mẽ đến vậy?

Phải chăng loài người ngày nay biến chất hơn trước, cướp giết hiếp nhiều hơn trước? Không hẳn là thế. Nhưng chắc hẳn rằng chúng ta đang tiếp cận những tin tức loại tiêu cực đó với một cường độ cao hơn, theo một bản năng tự nhiên kèm với sự hỗ trợ của công nghệ mới.

Trong buổi chia sẻ về “ĐỊNH KIẾN TRONG TRUYỀN THÔNG“, nhà báo Lương Nguyễn An Điền đã chia sẻ những bản năng khiến chúng ta dễ bị hút vào những loại tin tức ký sinh, những fake news và những cơn tức giận đến mất cả khả năng nhận định (judge) một cách lý trí:

🔹️ Bản năng tiêu cực của người đọc, và của nhà báo

🔹️ Bản năng sợ hãi (the fear instinct)
🔹️ Các định kiến, mô hình suy nghĩ rập khuôn (victim thì luôn đáng thương, phụ nữ thì phải đảm việc nước giỏi việc nhà nhưng chỉ cần đẹp và đừng quá thông minh, người khuyết tật rất khéo tay và giỏi âm nhạc nhưng luôn nghèo,…)
🔹️ The destiny Instinct: thiên kiến số phận, do định mệnh mà ra (vd “tuy nghèo nhưng cô ấy giàu lòng nhân hậu”)

Ngoài ra thì có những thiên kiến khác đã “bẫy” suy nghĩ của con người trở nên bất chấp sự thật như quyển sách #Factfulness (của 2 cha con Hans & Ola Rosling) đã nhắc đến 10 lý do khiến chúng ta bóp méo thế giới, hiểu sai về mọi việc.

Pinocchio là bộ phim mình rất thích, khi các vấn đề của truyền thông và báo chí được đề cập và tháo gỡ một cách hợp lý. Mà nếu ai không quan tâm báo chí, thì chuyện tình trong phim này có happy ending nha. Drama sao đó, cậu bé nhỏ năm xưa lớn lên và trở thành nam chính hành nghề phóng viên. Và Pinocchio là nữ chính trong phim, cũng là phóng viên luôn. Sống cùng nhà nhưng ở 2 đài đối thủ. Lee Jong-suk rất có tài trong việc khóc rất nhiều nhưng không làm người ta ngấy. Cảnh kiss thì rất đẹp với 8 góc quay 🥰 phim Hàn Quốc luôn biết cách dựng cảnh này ấn tượng.

Đoạn ở trên chỉ là spoil nửa tập 1, còn các tập sau thì lung linh màu sắc và không có thêm nhân vật chính nào chết nhé.

Cuối tuần vẫn phải làm một đống bài tập của lớp #MediaLiteracy_ACHCM2020 nên mình quyết định đi xem phim lấy cảm hứng và dễ học bài hơn 😁