Phim tài liệu / Research Insights · September 15, 2023 0

Phim tài liệu Ngàn dặm trần ai

[Viết trên đường về Hsinchu]

And Miles to Go Before I Sleep - Đạo diễn Thái Sùng Long

Tối nay mình đi 70km đến Taipei xem phim tài liệu rồi về. Phim 九槍 (9 viên đ.ạ.n ), tên tiếng Việt là Ngàn dặm trần ai. Tên này lấy theo tên tiếng Anh: And Miles to Go Before I Sleep, đây cũng là câu kết của bài thơ “Stopping by Woods on a Snowy Evening” của nhà thơ Robert Frost, ẩn dụ về đoạn đường gian nan trước lúc con người được yên nghỉ. Và phim tài liệu này đề cập đến câu chuyện của người lao động nhập cư bất hợp pháp, những người lưu vong không giấy tờ ở Đài Loan. Đạo diễn 蔡崇隆 (Lý Sùng Long) cuối giờ đã đến để giao lưu với khán giả.

The woods are lovely, dark and deep,   
But I have promises to keep,   
And miles to go before I sleep,   
And miles to go before I sleep.

Stopping by Woods on a Snowy Evening
BY ROBERT FROST

Mình không có ý định spoil hết ở đây vì không thể kể được lượng thông tin của 90ph phim tài liệu. Phim lấy câu chuyện chính là những phút cuối cùng của anh Nguyễn Quốc Phi (1990-2017). Nói ngắn gọn là thế này, tháng 7/2017, tại Zhubei Hsinchu, một người lao động bất hợp pháp không giấy tờ, bị cảnh sát shot 9 phát khi đang bỏ chạy do bị truy bắt, trong tình trạng có phê thuốc. Anh mất trên đường đến bệnh viện.

Những tin tức kiểu này xuất hiện đầy trên truyền thông ở khắp nơi trên thế giới. Và thật ra thì, nếu không quen biết gì nạn nhân, thật khó có thể quan tâm và thấu cảm cho tình huống như thế nếu chỉ nghe kể chuyện qua những dòng tin tức ngắn và lạnh lùng.

Phim tài liệu này là cảnh camera ghi lại khoảng 20 giây khi anh Phi từ dưới sông lên bờ và bị bắn, và cả 20 phút sau khi bị bắn mà anh vật vờ trước khi mất.

Phim mở đầu ngay bằng những hình ảnh của camera từ chính cảnh sát đã nổ súng. Ở một nhánh sông Fengshan của Zhubei thuộc huyện Tân Trúc, một nhóm cảnh sát đang rượt đuổi và chờ bắt một người lao động không giấy tờ. Và từ dưới nước, Quốc Phi lao lên bờ trong tình trạng hoàn toàn không mặc quần áo và anh bị bất ngờ khi thấy cảnh sát xung quanh. Phim cho thấy Quốc Phi chần chừ rồi chạy hướng đến xe cảnh sát gần đó. Viên cảnh sát khi thấy anh từ dưới sông lên đã lên cò, và bắn liên tục 9 phát đạn đến khi Quốc Phi ngã vào xe rồi trượt xuống đất. Có quá nhiều vấn đề trong thước phim đó. Ở Đài Loan, đụng đến cảnh sát hay xe của cảnh sát là xem như tấn công nguy hiểm đến sự an toàn của cảnh sát. Nhưng mình không rõ vì sao anh Quốc Phi lại chạy vào xe cảnh sát. Vì hoảng sợ? Vì đang nude hay vì bản năng nào đó?

Nhưng chắc chắn những cảnh sát đã sợ hãi. Dù họ có baton, có xịt cay, nhưng họ lại quyết định bắn. Họ không biết chính xác là đã nã bao nhiêu phát. Họ bắn 9 viên đạn, nhưng ngay tại hiện trường, khi được hỏi thì viên cảnh sát nghĩ mình chỉ bắn 5-6 phát, trúng đâu không rõ. Kể cả khi lượm được trên tay 8 vỏ đạn thì họ vẫn không nghĩ đã bắn nhiều đến thế.

Họ nói với nhau rằng họ ko biết anh nước nào, họ biết anh nghe ko hiểu nhưng khi anh ngồi bật dậy thì họ căng thẳng ra khẩu hiệu bắt anh dừng lại. Họ liên tục nhắc nhau hãy cẩn thận vì anh nguy hiểm lắm. Khi anh vươn tay nắm lấy chân 1 cảnh sát, họ nhảy lên và đạp anh ra, mở baton cầm sẵn để xông lên.

Ừ, 9 phát, nhưng anh vẫn cử động suốt 15ph, vài lần chui xuống gầm xe, lăn qua lăn lại, nằm vật ra bất tỉnh rồi lại ngồi bật dậy. Những cs đi xung quanh thực sự đang chiến đấu với anh như một… zombie, họ sợ. Cái sợ vì không hiểu thế nào là NGƯỜI di cư không giấy tờ? Hay sợ vì chính họ cũng ko hiểu ngôn ngữ (dù anh không nói một lời)?

Và cũng từ đó, mà những hình ảnh đầy đủ hơn về Nguyễn Quốc Phi là ai, người lao động nước ngoài họ là ai, hệ thống ở TW thế nào được kể lại. Thật ra thì VN và ĐL giống nhau lắm, nên lên phim thì cảnh quê ở Nghệ An với cảnh ở huyện lị Hsinchu, Taichung, Kaohsiung giống y chang nhau. Nhà anh Phi ở Nghệ An cũng như nhà ở quê khác ở VN… đất rộng, nhà mái thái, đông người, vườn cây, ruộng lúa…

Đạo diễn cũng không có ý muốn “tẩy trắng” cho Quốc Phi, hay chỉ trích viên cảnh sát kia, bởi phim tài liệu không phải là kiểu tăng trải nghiệm và cảm xúc như ngôn ngữ của điện ảnh. Và cũng bởi vì một câu chuyện toàn cảnh cho thấy Quốc Phi mất không phải chỉ vì 9 shots đó, mà vì cả một lỗi của hệ thống.

Tại sao những viên cảnh sát lại có thể sợ đến vậy? Một trong những cảm nhận của một cảnh sát sau khi xem phim đã viết như thế này:

Nguồn: Facebook 九槍 And Miles to Go Before I Sleep

Công chúng không cho phép cảnh sát sợ hãi, như thể cảnh sát là những người thép. Vì phải bảo vệ nhân dân nên chúng tôi không thể sợ hãi hay lùi bước. Vì vậy, thật sai lầm khi nói rằng Chen Chongwen đã bắn nhiều phát súng không thương tiếc. Anh ta đã bắn nhiều phát súng nhưng nó không có tác dụng như dùng bình xịt hơi cay hay dùi cui. Anh ta vừa hoảng sợ vừa phải lái xe cho đến khi Nguyễn Quốc Phi không nhúc nhích.

Nguồn: Facebook 九槍 And Miles to Go Before I Sleep

Quả thực, cảnh đó không khác gì cảnh trong phim chiến đấu với zombie. Khi đánh gục một con zombie là khi sự căng thẳng lên đến cao độ, và mọi người dáo dác xem tình hình thế nào. Bỗng dưng zombie đó ngồi bật dậy, mọi người sẽ hốt hoảng. Nhưng điều gì đã khiến anh cảnh sát cảm thấy hốt hoảng đến như vậy?


Tôi chỉ có thể nói rằng Afei và cảnh sát đều là nạn nhân. Một người là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, còn người kia là nạn nhân của việc cảnh sát không được đào tạo/giáo dục không đầy đủ.

Nguồn: Facebook 九槍 And Miles to Go Before I Sleep | Phát biểu cảm nghĩ của một du học sinh

Đây thực sự là một vấn đề. Từ những năm 1990, rất nhiều đô thi cầu đường cần xây, nông trại cần người, nhà máy cần người, tàu bè cần người, nên một lượng lớn người được tuyển ồ ạt từ nước ngoài sang. Nhưng hệ thống trong nước không sẵn sàng để đón tiếp cho những người di công này. Xã hội không được chuẩn bị để đón tiếp sự hoà nhập của di dân.

Bộ phim bắt đầu cho thấy những hình ảnh thực trạng của di công. Hệ thống môi giới đầy vấn đề, nhưng công ty thì đẩy hết trách nhiệm nhân sự cho môi giới. Những người lao động bị tai nạn, những vụ cháy nhà container tạm bợ thiếu an toàn, những nô lệ thời đại mới…

Hơn 20 năm rồi… chính đạo diễn cũng bày tỏ rằng bức tranh không thấy gì là sáng sủa hơn.

Đời không cho ta tất cả, nên ta phải làm tất cả
bản thân không được gục ngã

Facebook Nguyễn Quốc Phi

Phim tài liệu mà, nên bao giờ cái kết phim cũng để lại nhiều câu hỏi lắm. Đòi hỏi sự suy nghĩ rất nghiêm túc, chứ không phải những tình cảm cảm xúc như ngôn ngữ phim điện ảnh. Cả bộ phim được dẫn dắt bằng những status trên Facebook của Quốc Phi, mà sao đến tận 3 lần, Quốc Phi lại nói xin lỗi.

nếu một mai về với mẹ […]
[…] xin người tha lỗi cho tôi

(ghi lại bằng trí nhớ sau khi xem phim)

Hôm đó, có khoảng 90 khán giả trong danh sách, nhưng mình là người VN duy nhất. Phim bằng tiếng Trung và Việt, phụ đề Trung và Anh. Có lẽ mình là đứa duy nhất (về lý thuyết) trong rạp nghe đọc hiểu được cả 3 thứ tiếng này. Nhưng thực ra, khi xem phim là cả một sự hỗn loạn ngôn ngữ, xử lý cháy não để kịp nghe đọc hiểu hic, một sự loạn ngôn ngữ không hề nhẹ ở đây 🥹

Ra về, 10h đêm, Taipei mới hết mưa, mặt đường đá ẩm ướt nước mưa làm mình nhớ cảm giác của khi bị té và đau muốn ngất đi bên lề đường. Sau tai nạn của tuần trước, ra vào bệnh viện mấy ngày qua, tự nhiên vết băng bó của mình thấy đau. Nhớ đến Quốc Phi, tự nhiên cái đau của mình bị khuếch đại thành cái sợ đến nghẹt thở, sợ lại bị té khi bước trong trời mưa. Sợ cái đau của chấn thương cơ xương khớp… Và đó là sự đồng cảm của mình. Có một điều không được nhắc đến trong phim. Tại sao những cs đó lại không thể cảm nhận được một Quốc Phi chỉ là một người bị thương, đau và sợ hãi, ngất đi và tỉnh lại, có rất nhiều cặp mắt đe dọa nhìn mình? Là 9 viên đạn lận đó…

Quyền con người, chỉ đơn giản là vậy phải không?

con người sinh ra có quyền tự do và bình đẳng (tạm dịch vậy)

Hơn 1 năm qua, mình quan sát và theo dõi mạng xã hội và tin tức, rồi đi phỏng vấn và field trip đây đó, nhưng chỉ có được những mảnh ghép rời rạc. Ai cũng vậy, chỉ có thể đứng ở một góc nhìn của bản thân, nên mơ hồ về phía còn lại. Phim tài liệu hôm nay cho một bức tranh có đầy đủ thông tin của các phía, và có cả cảm xúc của sự bức bối: phải thay đổi thôi, phải hành động thôi. Là khán giả, nhưng hình ảnh chân thực về một người nằm trên đất ngay trước mặt mình mà mình không làm gì được.

Đạo diễn Thái Sùng Long, khi giao lưu với khán giả, tuy mình nghe không hiểu, nhưng mình nghe rất rõ cách xưng hô của đạo diễn: những di công được gọi là 他們 (anh ấy/ họ), người TW gọi là 你們 (các bạn) và xưng 我 TÔI khi nói về bản thân. Cách xưng hô này phá đi rào cản vốn có của Tôi – Họ, Chúng tôi – Bọn họ. Mình cũng muốn như vậy, trở thành một 我 để làm cầu nối cho sự thay đổi.

Từ ngày bắt đầu nhận dự án tới giờ, chưa bao giờ con đường nghiên cứu về người nhập cư của mình được rõ ràng và quyết tâm dấn thân như hôm nay.

.:: Cọp Giấy, 31/8/2023 – Taipei ::.