Phim tài liệu / Reflection · October 30, 2021 0

Giác quan – Sense

Thì ra tất cả các giác quan đều là… điện. 5 giác quan thực ra chỉ là 5 nguồn để tiếp nhận những tín hiệu điện này. Và điều này đã cho phép con người có một khả năng tiếp nhận thông tin vô hạn và sự thích ứng diệu kỳ. Có khi vì một lý do nào đó mà một hoặc vài giác quan đó bị hạn chế (khuyết tật, tốc độ, không gian, áp lực bên ngoài…) thì vẫn có những nguồn còn lại để tiếp nhận những tín hiệu.

Nhưng cũng chính từ điều này, mà có vẻ như khi con người có đủ 5 giác quan và điều kiện môi trường thuận lợi thì lại không thực sự sử dụng tốt những giác quan này. Đó không phải là điều tùy thuộc vào độ “nhạy” của giác quan, mà là ở những tín hiệu nào đã được con người quan tâm và tiếp nhận. Khi có đủ 5 giác quan, có vẻ như con người sẽ tiếp nhận thụ động những tín hiệu, lại còn chủ động lọc bớt tín hiệu để tránh quá tải. Nên kết quả là lượng thông tin còn khá ít ỏi.

Trong phim tài liệu Sense, cách mà nhạc sỹ khiếm thính chơi nhạc thật sự ấn tượng. Khi thính giác bị hạn chế, rõ ràng là có vấn đề gì đó với tai hoặc với đường truyền tín hiệu “điện” đến não, nên việc tiếp nhận âm thanh là một việc khó khăn. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng chính cái hạn chế này lại giúp kích hoạt những khả năng sinh tồn tuyệt vời.

Tôi thực sự đồng cảm với cái “rung” của tần số âm thanh mà cô ấy đang nói đến. Tôi nhớ mình đã từng không thể hiểu được thế nào là cao độ và cường độ. Nhưng rồi tôi nhận ra khi chơi đàn organ thì mình có thể để chân trần lên chân đàn bằng kim loại và mở volumn lớn lên. Bằng cách này, mình nhận ra được độ rung. Sau đó mình có thể “rà” để giọng của mình (thực ra là cổ và hơi ở mũi) rung cùng với độ rung của âm thanh mình nghe: đó là đúng cao độ. Nếu như xung quanh đó có thêm tấm kính cửa hay kiếng tủ thì lại càng tốt. Có vẻ mâu thuẫn khi nói rằng tôi không nghe được cao độ của tiếng nhạc đang mở volumn ở mức maximum, nhưng lại có vẻ “nghe” được tiếng của cái cửa kiếng rung theo nhạc.

Thậm chí là lạ lùng hơn nữa, khi một lần khi TV đang phát đoạn phim truyền hình, có cảnh một nhóm học trò ngồi ở ghế đá sân trường, vừa đàn ghita vừa hát Mong ước kỷ niệm xưa, tôi đi ngang qua và bất giác lặng người hát nhép theo vài câu. Mọi người xung quanh ngạc nhiên hỏi rằng vì sao tôi hát và lại hát bài này, lúc đó tôi mới nhận ra TV đang mute âm thanh: hoàn toàn không có tiếng. Chính khẩu hình của các diễn viên, và cái lắc lư vai của họ giúp tôi biết họ hát gì và hát theo nhịp của họ. Thậm chí, đôi khi nhìn khẩu hình tôi có thể biết họ nói giọng Bắc hay giọng Nam, đang nói to hay đang nói nhỏ.

Khi không dùng tai để nghe được âm thanh, thì đó là lúc cần nghĩ cách để có thể sinh tồn trong một xã hội và môi trường sống vốn thiết kế cho người dùng tai để nghe. Cũng như trong phim tài liệu có nhắc đến làng những người mù màu ở đảo, họ nhận ra được tầng thực vật đa dạng ở đó vì họ không thấy màu sắc nhưng nhận ra rất nhiều kết cấu. Và khi đã thích ứng được, đã có cách để cung cấp cho não đủ số tín hiệu điện cần thiết, thì cũng là khi chính cá nhân người đó học được rất nhiều kỹ năng, nhìn được nhiều thứ hơn so với những người khác, và hiểu được những KHẢ NĂNG vs. GIỚI HẠN của bản thân mình.

Khi hạn chế về một giác quan nào đó, có lẽ phản ứng của con người là nỗ lực phục hồi ngay giác quan đó và nhanh chóng bị kiệt sức vì sự nỗ lực này, và dễ dàng đưa ra các quyết định sai lầm. Sử dụng giác quan không chỉ là việc cố gắng tiếp nhận thông tin, mà còn là cách nào để ngắt các kết nối đó? Bịt mắt, thiền sâu, ngồi trên một chiếc ghế võng chân không chạm đất?

Có vẻ như không phải ai cũng thực sự khám phá và hiểu cách sử dụng các giác quan của mình. Kể cả bản thân tôi khi tìm cách sinh tồn với thính giác hạn chế, tôi cũng chưa từng “nghiêm túc” luyện tập chuyên sâu bất kỳ điều gì. Tôi nhận ra độ rung nhưng chưa quan sát kỹ điểm rung đó, tôi nhận biết được khẩu hình nhưng chưa luyện tập để phát huy. Hoặc tôi cũng “nhìn” những năng lượng từ người xung quanh và môi trường để biết cách trả lời và phản ứng khi mình không xử lý được âm thanh nhưng tôi chưa lý giải điều này một cách thấu đáo… Học về bản thân mình lúc nào cũng là bài học khó. Phim tài liệu SENSE thật sự truyền cảm hứng cho việc học hiểu các giác quan của bản thân.