Reflection / Tui xem · October 29, 2021 0

Gua Sha – 刮痧 – Một cuộc “cạo gió” xung đột văn hóa

Lớp Cross-Culture Management hôm nay được giáo sư cho xem một bộ phim về một tình huống xung đột văn hóa. Tên phim tiếng Anh là The Gua Sha Treatment, tên tiếng trung là Gua Sha, tên Việt Nam (nếu có) chắc là…. Cạo Gió.

Bộ phim kể về một sự việc diễn ra, qua đó lột tả được nhiều thứ. Và với mình thì đây là một buổi học thú vị, cũng là lần đầu tiên trải nghiệm viết một bài phân tích về phim ảnh trong một lớp học chính thức.

Phim lấy bối cảnh của một gia đình Trung Quốc trên đất Mỹ, gồm một cặp vợ chồng trẻ định cư trên đất Mỹ – cô vợ gốc Hoa, người chồng là Hoa kiều đã từng sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, người ông là người Trung Quốc qua Mỹ thăm con trai hoàn toàn không biết tiếng Mỹ. Cậu bé nhỏ giống mẹ, là người gốc Hoa nhưng sinh ra và lớn lên tại Mỹ, không biết tiếng Hoa. Những đồng nghiệp, luật sư, chuyên viên CTXH, cảnh sát người da trắng. Thẩm phán da đen. Trong lớp mình, Giáo sư và một số bạn học của mình là người Đài Loan, có bạn là người Malaysia biết tiếng Trung, một bạn người châu Phi biết tiếng Anh. Chúng tôi xem phim, và thảo luận văn hóa.

Sự xung đột văn hóa không phải chỉ ở biện pháp trị liệu có tên là Gua Sha, mà còn ở đó những quan điểm khác nhau về văn hóa tập thể – cá nhân, quan điểm Khổng Giáo về trật tự xã hội và các mối quan hệ, biểu tượng Monkey King (Tôn Ngộ Không) được lý giải theo những lăng kính văn hóa khác nhau. Hệ quả của những sự khác biệt này là sự đứt gãy trong đối thoại, những thái độ đối lập nhau, và những hành động theo sự hiểu biết của mỗi người.

Mình chọn ra ba khía cạnh để hiểu tình huống trong phim này:

  1. Những người khác nhau đang nhìn về các sự khác biệt về văn hóa Trung Hoa vs. Mỹ được đề cập đến trong phim như thế nào?
  2. Hệ quả của những góc nhìn sự khác biệt văn hóa này
  3. Những motif hành động khác nhau trước những sự khác biệt về văn hóa này

GUA SHA 刮痧

刮痧Là khởi nguồn của tình huống, là một đứa trẻ được ông nội cạo gió nhưng lại bị xem là dấu vết của sự bạo hành. Trong mắt của mọi người trong phim, trừ ông nội – người cha – cậu bé, thì đây là sự đau đớn, máu me, tra tấn. Lại được áp lên cơ thể của một cậu bé, thì vấn đề lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Sự đau đớn gua sha mang lại thực ra không tồn tại, nhưng dấu hằn đỏ trên lưng tạo cho người nhìn có cảm giác đó. Những người nhìn chưa từng hỏi dấu vết đó được tạo ra bằng cách nào, tại sao nó đỏ, cậu bé có đau không. Tất cả đã được kết luận một cách hiển nhiên là đau không cần tranh luận thêm, mà chuyển sang phán xét hành vi và động cơ của người cha của cậu bé.

Giáo sư cũng rất bất ngờ vì chúng tôi chia sẻ rằng ở Việt Nam cũng có cạo gió, thậm chí là khá phổ biến và dân dã. Hóa ra chúng tôi là người duy nhất trong lớp đã được cạo gió, và xem phim này. Điều này làm tôi nhận ra chi tiết anh bạn người Mỹ đến phố người Hoa để trải nghiệm 刮痧 chỉ để hiểu rằng: “nó không hề đau”. Nếu “văn hóa” là thứ gì mơ hồ, thì Gua Sha xem như là một ví dụ để thấy văn hóa là cụ thể.

TẬP THỂ vs. CÁ NHÂN

Trung Quốc là một điển hình của nền văn hóa đề cao tính tập thể. Mọi người đều ở trong một tập thể, và xóa bỏ đi tính cá nhân của mình trong tập thể đó. Lợi ích của tập thể phải đặt lên hàng đầu, trên cả lợi ích cá nhân. Những quyết định của người chồng/người cha trong gia đình thể hiện rõ điều này. Rồi chính anh ấy cũng đòi hỏi những người xung quanh như vậy. Những hành động của anh ấy có vẻ gì đó thật vô lý trong góc nhìn của người Mỹ? Bài diễn văn của anh ấy cảm ơn đồng đội, công ty thay vì nói về bản thân và gia đình của mình. Tại sao anh ấy lại sở hữu con cái như thế, tại sao anh ấy không đi theo vợ lúc sinh con nhưng lại yêu cầu vợ hy sinh cho cha của mình?

Mối quan hệ là những gì rất quan trọng mà chính người Trung Quốc thiết lập nên xung quanh mình, dùng nó để định nghĩa mình, ràng buộc mình nhưng đồng thời tin rằng nó sẽ giúp mình sống và tồn tại. Anh ấy nghỉ việc ngay lập tức khi người bạn đồng nghiệp chí thân mà mình rất tin đã “sold out” (bán đứng) mình trước tòa. Anh bạn Mỹ kia có vẻ bối rối vì đã không giúp được bạn mình có lời chứng tốt giữ được đứa bé, nhưng không thể hiểu được tại sao điều này lại khiến DaTong phải nghỉ việc. Khi theo đuổi các phiên tòa, thì việc giữ một công việc lương cao lúc này là rất quan trọng, sao chưa ai kết tội đã tự mình nghỉ việc? Tất cả những hành động này rất khó hiểu khi người thuộc nền văn hóa cá nhân cố gắng đem lập luận của họ để lý giải hành động của người vốn đặt tập thể lên cao.

“MẶT MŨI” – thể diện

Đây là một đặc điểm văn hóa rất quan trọng trong văn hóa Trung Hoa, và cũng tương tự như ở Việt Nam. “Bộ mặt” là một hình ảnh ẩn dụ cho thấy người khác nghĩ về mình như thế nào, và chúng ta có thể “giữ mặt mũi”, “mất mặt”, “lấy mặt mũi”, “tăng giảm thể diện” được.

Khi người cha tát cậu con trai ngay giữa lễ vinh danh chỉ vì cậu bé dám gây hấn với con trai của sếp, thì những người Mỹ xem đó là bạo hành xâm phạm thân thể trẻ nhỏ. Mà mặt của người cha lại bình tĩnh, làm tăng thêm vẻ lạnh lùng không có cảm xúc. Đó là bằng chứng bạo lực chống lại người cha. Nhưng trong nền văn hóa “mặt mũi”, thì vì cậu bé đánh con của sếp là làm “mất mặt”, sếp nên bố của cậu ta sẽ tát mặt của cậu ta để “giữ lại mặt mũi” cho sếp – đó là điều cần làm và phải làm. Chính ông bố này cũng phải ngỡ ngàng vì sếp không nhận ra điều đó mà còn trách anh ta.

KHỔNG GIÁO

Một trong những nền tảng của Khổng giáo là việc duy trì một trật tự xã hội có tôn ti thứ bậc, phải “lễ phép”. Người nhỏ kính người lớn, vợ kính chồng. Bố của cậu bé cũng là một người con cần làm trọn chữ hiếu với cha mình, nên một mực nhận tội thay cha. Người vợ, người con dâu cũng phải giữ kín bí mật chỉ vì người chồng đã quyết định như thế.

Khi chọn các ý tưởng cho bài diễn văn, hai vợ chồng đã thể hiện rõ cách họ đang nhìn nhận sự việc theo văn hóa của họ: đề cao gia đình, tình phụ tử, con cái là sở hữu của cha mẹ, tôn ti trật tự của xã hội…

MONKEY KING

Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký là nhân vật yêu thích của cậu bé, và là biểu tượng thờ phượng của gia đình. Một con khỉ sinh ra từ đá không sợ trời sợ đất, là biểu tượng của sự tinh khôn và con đường nhân tâm. Nhưng trong góc nhìn của người Mỹ (đặc biệt là ông luật sư) thì đó là sự vô tắc vô phép, phá luật lệ. DaTong không phải chỉ phá luật một lần, mà rất nhiều lần ngay giữa xã hội Mỹ đặt thượng tôn pháp luật. Tất nhiên, DaTong thấy đó là hy sinh, là anh dũng, là vì tình phụ tử thiêng liêng – thiêng liêng hơn những pháp luật thông thường, cái thứ pháp luật đang phá nát gia đình và cuộc đời của anh ta.

MONKEY KING, một hình tượng còn rõ nét và cụ thể hơn cả Gua Sha, nhưng có vẻ như là chi tiết sẽ khó hiểu nhất trong suốt cả bộ phim, nếu người xem không biết Tôn Ngộ Không, và không biết ý nghĩa của sự thờ phượng trong văn hóa Trung Hoa.

Như vậy, bộ phim mô tả sự kiện rõ ràng với các diễn biến, các lời thoại thay vì giải thích thì chỉ trích nhau. Thay vì lý giải ý nghĩa văn hóa của những biểu tượng hay hành động, thì lời thoại sẽ suy diễn và nói lên góc nhìn của người bên ngoài nền văn hóa đó. Về phía người xem, có thể họ sẽ nhận ra sự hợp lý hoặc bất hợp lý, có sự đồng tình hoặc không đồng tình, tùy theo văn hóa của người xem là văn hóa nào.

HỆ QUẢ

Hệ quả của sự khác biệt này cho thấy một tác động rất lớn đến cách thức con người lý giải các hiện tượng trong cuộc sống, và chọn lựa cho hành động của họ.

Ai cũng phải ra quyết định. Cậu bé nhỏ ngồi thẫn thờ trong shelter, rõ ràng là đang chờ. Nhưng khi cha mẹ và ông nội đến, cậu né tránh, hờn dỗi và không thừa nhận ánh mắt của ông nội, chấp nhất và không tha thứ. Cậu bé với gốc văn hóa Trung Hoa, sinh ra và lớn lên trong xã hội Mỹ với pháp luật Mỹ, nhưng được yêu thương nuôi dưỡng bởi gia đình trẻ tiên tiến nhập cư gốc Hoa. Cậu cũng đã trải nghiệm cú tát “giữ mặt mũi” của bố, mẹ vượt cạn một mình để bố đi làm, và ông nội áp Gua Sha lên người. Rồi cả một hệ thống tư pháp hành pháp Mỹ đang phán xét liệu rằng cậu có đang được yêu thương, hay đang bị bạo hành tàn bạo. Cậu sẽ là người của tập thể hay cá nhân? Cậu có theo trật tự pháp trị Khổng Giáo giữa xã hội Mỹ không? Cả 2 câu trả lời của cậu bé đều hướng đến người bố, nhẹ nhàng thỏ thẻ và không nhìn vào mắt bố của mình:

  • – Người cha tốt sẽ không đánh con
  • – Vì ông ấy (cạo gió) mà con phải ở đây (và xa bố mẹ

Không giằng xé, không tức giận, nhưng đây là sự lựa chọn của cậu bé: chọn cách lý giải hợp lý nhất trong sự giao thoa đầy mâu thuẫn của các biến văn hóa.

MOTIF HÀNH ĐỘNG

Khi đứng trước một điều gì đó lạ, khác biệt và mới lạ, có người sẽ tìm cách lý giải, và có người sẽ cố ý bỏ qua. Có một số motif hành động quen thuộc mà con người thường ứng xử trước một văn hóa lạ, như trong phim có thể hiện:

  • Từ chối hiểu, đi thẳng đến kết luận (hoặc kết án)
  • Dùng lăng kính văn hóa của bản thân để lý giải văn hóa của người khác
  • Trải nghiệm, tìm hiểu bằng cách hỏi chuyên gia
  • Tìm hiểu những giá trị khác (chưa bị xung đột) mà mình vốn tin tưởng để chỉ dẫn cho hành động tiếp theo
  • Dựa vào những dấu hiệu bên ngoài (màu sắc, hình dáng, dấu vết, âm thanh, nghĩa đen của từ ngữ…) để giải thích cho văn hóa (một thứ ẩn và sâu bên dưới)
  • Thay vì đối thoại, thì đối kháng để chứng minh điều mình làm là đúng.
  • Đặc biệt, tất cả những hành động né tránh hoặc đối kháng kể trên đều gần như xảy ra khi mà chính bản thân mỗi người không nhận ra mình đang có những xung đột về văn hóa với người xung quanh. Và vì vậy, các hành động diễn ra đẩy các xung đột lên cao hơn.

Bộ phim là một tình huống đời thường, lồng ghép trong đó nhiều tình tiết (cũng rất đời thường) để sự khác biệt văn hóa được thể hiện chân thật và rõ nét nhất. Các dấu hiệu và biểu tượng văn hóa không hề ẩn giấu, mà bày ra trong tình tiết của phim. Nhưng tùy theo các hiểu biết về văn hóa khác nhau mà người xem có thể đọc ra được nhiều hay ít các thông tin khác nhau.

Mình tự hỏi, nếu có thêm ý kiến y khoa vêd hiệu quả của Gua Sha thì vấn đề có phức tạp hơn không? Và nếu không phải là Gua Sha, mà là lotus birth, FGM, chữa bệnh bằng cây lá thuốc mẹo dân gian, thì thông điệp của bộ phim sẽ thay đổi như thế nào?

—— Cọp Giấy, 28 tháng 10, vẫn còn ở Sài Gòn

Sau buổi xem phim này sẽ là phần thảo luận tháng 12 sắp tới. Thật là một trải nghiệm đa văn hóa thú vị.