Cuối cùng thì tôi cũng quyết định đi học triết học Deleuze một cách bài bản.
Dù rằng trước đó tôi cũng có nhiều lần tiếp xúc với Deleuze, cũng đọc Deleuze nhưng vẫn thiếu một sự hệ thống do không có căn bản tư duy triết học, và thiếu một không gian đối thoại học thuật với những người cùng trình độ sơ cấp.
Tôi nhận ra rằng, làm nghiên cứu xã hội không thể tách rời khỏi hiểu biết và tư duy triết học. Ta có thể vờ như chẳng cần biết gì cả, có thể giới hạn nghiên cứu ở lớp vỏ bên trên và tránh đào sâu đến lớp giải thích triết học bên dưới. Nhưng, triết học không phải một khối tẻ nhạt nằm lẻ loi bên dưới, nó là sự lý giải cho cách mà thế giới này vận hành, và thế là đâu đó ta cứ va vào nó. Nhất là khi mà kỷ nguyên này có lẽ là kỷ nguyên của Deleuze thật, như Michel Foucault nói: “Rồi một ngày, có thể thế kỷ này sẽ là thế kỷ Deleuze“.
Tôi đã từng tham dự một buổi workshop của thầy Trần Hữu Quang về Rhizome vào cuối năm 2021. Tôi đã từng biết đến “Sự trở thành” qua nghiên cứu nhân học về Phương pháp điều trị chứng vô sinh (IVI) của Melissa J. Pashigian. Và từ đó, góc nhìn của tôi về thế giới xung quanh đã khác đi: tôi nhìn thấy nhiều thông tin hơn, ở một mức độ trừu tượng cao hơn.
Học triết học Deleuze không hẳn là một sở thích, tôi không rõ thực lòng mình có thích triết học không nữa. Nhưng khi đăng ký vào một lớp học, điều mà tôi muốn là sự gắn kết của bản thân nhiều hơn vào lĩnh vực triết học. Tôi đã nghĩ rằng, triết học rộng lớn và mênh mông như nước trên trái đất này, không quan trọng là tôi bắt đầu từ một con suối nhỏ hay một nhánh sông hoặc ngay giữa biển. Mà điều quan trọng là TÔI BẮT ĐẦU.
.:: Cọp Giấy, tháng 7/202 ::.
Bạn học lớp của cô Từ Huy à? Mình cũng đang học này 😀
Oh, thú vị vậy! Chào bạn học nhé 😀