Tôi chưa bao giờ được học khoa học xã hội, hoặc được huấn luyện để trở thành nhà tâm lý học, hoặc một thám tử, nhưng mọi người thường nói rằng tôi suy nghĩ và hành động như cả 3 loại người đó.
<Martin Lindstrom, Small Data>

Ảnh bìa sách Small Data
Câu quote trên trong chương 1 sách Small Data của tác giả Martin Lindstrom. Tôi đọc và ghi lại câu nói đó, vì tôi thấy chính mình ở đó. Tôi chưa từng học, nhưng lại hành xử và suy nghĩ như một thám tử, hứng thú với những gì thuộc về tâm lý hành vi, quan tâm đến khoa học xã hội, tò mò và viết như một nhà báo, dành hàng giờ của “ME-TIME” chỉ để viết như nhà văn. Tôi thường có khi vờ đeo headphone khi đi vào thang máy, hoặc ngồi ở văn phòng đông người, chỉ để không ai làm ngắt quãng hàng đống suy nghĩ trong đầu của mình. Tôi cảm thấy thoải mái với những thứ phức tạp bằng cách đi tìm ra nguyên lý (đôi khi phức tạp hơn) của những cái phức tạp đó. Tất nhiên, tôi cảm thấy không thoải mái với những thứ “chưa khớp”, quá nông và quá hời hợt, những sự thật dễ chấp nhận chỉ vì không muốn suy nghĩ nhiều.
Người đầu tiên nói với tôi về việc làm nghiên cứu điều tra là em trai của tôi, khi chúng tôi còn rất nhỏ, “Chị Hai cứ như thám tử, nên học nghề thám tử đi” chỉ vì tôi không bỏ sót bất kỳ một bằng chứng nào (dù đã được che giấu) về những hành động “bất chính” mà em trai tôi đã gây ra. Tôi muốn làm thám tử thật, nên bắt đầu đọc truyện thám tử, xem phim trinh thám, và có lúc đã từng định thi vào trường Báo chí (muốn làm phóng viên hình sự nữa cơ). Tôi (một cách rất bản năng) đã làm một nghiên cứu nhỏ muốn nghiên cứu về ông Ngoại của mình – một người lính tôi chưa bao giờ gặp mặt, nhưng mẹ thường bảo tôi giống ông.
Người sau đó có nói với tôi rằng tôi là một qualitative researcher chính là Giảng viên Hướng dẫn của tôi khi học khoá MSc ở trường Stirling, Gs. Richard Kilborn. Tôi hoàn thành phần luận văn của mình với chủ lực là những phát hiện từ nghiên cứu định tính. Tôi bắt đầu nghĩ về học cách để làm nghiên cứu định tính một cách hiệu quả. Điều này không dễ dàng khi bối cảnh hiện nay mọi người chú trọng và đề cao nghiên cứu định lượng. Khi làm việc ở một trường kinh doanh, việc tìm một người thích nghiên cứu định tính và có thể làm định tính một cách chuyên sâu – chuyên nghiệp thì gần như không có. Lĩnh vực tôi thích lại liên quan đến xã hội, social innovation, giáo dục nên lại càng khó tìm được người.
Góc nhìn của người nghiên cứu định tính, và người nghiên cứu định lượng có nhiều điểm khác nhau. Có những cái mà người nghiên cứu định lượng không nhìn thấy được, và hình như họ không muốn thấy. Một trong những điều tôi thường gặp, là ở “bối cảnh, ngữ cảnh” của dữ liệu. Những đồng nghiệp nghiên cứu của tôi thường bắt đầu với những khung lý thuyết và thang đo, và khi có dữ liệu họ sẽ tách dữ liệu đó ra khỏi bối cảnh nghiên cứu. Việc tách không dễ dàng, nhưng họ cố gắng làm điều đó. Trong khi tôi lại muốn lưu giữ lại tất cả những bối cảnh đó, để đi đến tầng sâu hơn của ý nghĩa, để dùng nó khái quát ra những khái niệm hay những lý giải mới. Những người đồng nghiệp và những nghiên cứu định lượng xung quanh tôi là những người giỏi, những nhà nghiên cứu tử tế và đầy đam mê, tôi đã học hỏi được từ họ nhiều điều, nhưng vẫn không giúp tôi định hình được chính bản sắc của mình.
Năm 2019, tôi “trúng thầu” được một gói nghiên cứu nhỏ với British Council, để tham gia vào một dự án nghiên cứu của toàn châu Á, dẫn dắt bởi trường ĐH Northampton (UK). Dự án này có kết hợp cả mô tả định lượng và khám phá định tính. Tôi có cơ hội được team Northampton, hướng dẫn bởi Gs. Richard Hazenberg về phương pháp thiết kế – coding – báo cáo. Và quan trọng hơn, là việc được trải nghiệm một dự án nghiên cứu định tính chuyên nghiệp. Cũng nhờ tham gia dự án này, mà tôi có thể đọc một lèo và hiểu hết 2 quyển sách về phương pháp nghiên cứu định tính của Gs. Marshall & Rossman, và PGs. Nguyễn Thị Tuyết Mai & Nguyễn Nhật Nguyên. Khi có trải nghiệm thực tế, thì việc đọc trở nên dễ dàng và thiết thực hơn.
Năm 2021, khi bắt đầu bước vào hành trình làm nghiên cứu bậc tiến sỹ (PhD), tôi quyết dịnh đầu tư cho chính mình khi tham gia học một lớp Nghiên cứu định tính chuyên sâu do Viện Social Life tổ chức, chính thầy Nguyễn Đức Lộc giảng dạy.
Quyết định theo học lớp này là một quyết định đúng đắn. Tôi được gặp những anh chị cùng học là những người có kinh nghiệm đang làm việc trong các dự án nghiên cứu xã hội, nghiên cứu điền dã. Và thầy Lộc là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm, một thầy giáo rất điềm tĩnh. Học với thầy, có khi tôi thấy mình (lại) đang quan sát và khám phá bản sắc của nhà nghiên cứu định tính vậy.
Việc học nghiên cứu định tính không chỉ là học cách để làm, mà còn là hành trình tôi tìm kiếm và hoàn thiện chính mình trong vai trò một nhà nghiên cứu.
.:: Cọp Giấy, tháng 5-6-7/2021 ::.