2 tấm hình trên là hình trang bìa của 2 quyển sách.
- Bên trái là bìa của quyển Moeurs des sauvages ameriquains (Những phong tục của những người mọi châu Mỹ), tác giả là cha Lafitau, xuất bản năm 1724.
- Bên phải là bìa của quyển Những nhà thám hiểm của vùng Tây Thái Bình Dương (Argonauts of the Western Pacific), tác giả là Malinowski

Bên trái: Trang bìa Moeurs des sauvages ameriquains (Những phong tục của những người mọi châu Mỹ, cha Lafitau,1724)
Bên phải: Một thực hành nghi lễ của hệ trao đổi Kula (Malinowski)
Cả hai quyển sách đều là hai công trình nghiên cứu điền dã, nghiên cứu về một dân tộc thiểu số. Trong một bài viết trên tạp chí Representation năm 1983, nhà nghiên cứu James Clifford đã mở đầu bằng việc liệt kê 2 ảnh bìa sách này để trình bày 2 góc nhìn khác nhau về “tính uy quyền” của nghiên cứu điền dã.
Tấm hình cha Lafitau chọn lựa nhấn mạnh vào vai trò và sức mạnh của người đang cầm viết, và nhà nghiên cứu điền dã làm công việc là ghi chép xuống. Với những hiện vật tìm được ngổn ngang trong phòng làm việc, 2 thiên sứ đang giúp tác giả làm việc, còn Thần Thời Gian đang chỉ tay vào bức tranh đại diện cho nguồn gốc của sự thật.
Nhưng hình chụp của Malinowski về buổi lễ Kula thì lại khác, không hề có bất kỳ ẩn dụ ẩn ý biểu tượng minh chứng gì ở đây. Sự thật vốn chỉ có sự thật, là một khoảnh khắc (hoặc một chuỗi các khoảnh khắc) được ghi lại. Chúng ta sẽ thấy có rất nhiều thứ để mô tả từ tấm hình này, về một nghi lễ quan trọng bậc nhất của bộ tộc – từ trang phục, thái độ, cảnh vật, các hành động… Và kể cả nhìn thấy một người nữa không xuất hiện trong hình nhưng chúng ta biết họ có ở đó. Từ ánh mắt của một cậu bé đang nhìn vào ống kính, chúng ta nhận ra có người đang quan sát ở đó, người đó đang cầm máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc này.
“Anh ở đây vì tôi đã có mặt ở đó”
– “You are there, because I was there.” –
<James Clifford, 1983>
Mình vẫn đang trải nghiệm, cảm nghiệm và suy nghĩ về sự tham gia của người nghiên cứu trong chính những nghiên cứu của mình. Đó là điều mà lớp Nghiên cứu Định tính đang thảo luận. Trong lớp đó, các anh chị học viên và cả GV đều đang làm việc trong lĩnh vực xã hội học, nhân học, hoặc dân tộc học. Nhưng không có nghĩa rằng những người đã từng làm các dự án nghiên cứu định tính, đã từng đi điền dã, thì đã từng thực sự quan sát và tự hỏi chính mình – trong tư cách một nhà nghiên cứu- thì mình đang ở đâu trong nghiên cứu của chính mình.
Trước khi đến với lớp học này, mình chưa được đào tạo về nghiên cứu một cách chuyên nghiệp và bài bản, hầu hết là tự học qua các dự án nghiên cứu làm cùng đồng nghiệp, hoặc khi hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu thì mình cùng học với các em. Mình đã luôn thấy có gì đó thiếu hụt khi đối diện với những bảng dữ liệu bị tách rời khỏi ngữ cảnh sinh ra dữ liệu. Mình có lẽ đã nhầm cảm xúc thiếu hụt đó với cảm giác bản thân “bất lực” với dữ liệu định lượng khô khan. Thực ra, đó là một cái gì đó không thoả mãn khi chính người nghiên cứu không ở trong bối cảnh đó, không tương tác với chính ngữ cảnh đó. Một bộ dữ liệu có thể phân tích ra nhiều kết quả, các con số thật đẹp và những mô hình lý thuyết được khớp vào là xong một bài. Đó là điều thường gặp ở những bộ dữ liệu định lượng, nhưng không phải là cách tiếp cận duy nhất về phương pháp luận khi sử dụng phương pháp phân tích định lượng (và mình không bàn về định lượng ở đây, nhưng không muốn tạo hiểu lầm rằng ai làm định lượng cũng thế)
Ngay trong buổi học đầu tiên với lớp Nghiên cứu Định tính, mình đã ghi lại một câu tự hỏi: “Nhà nghiên cứu sẽ là ai trong nghiên cứu của chính họ? Nhà nghiên cứu thực ra là ai khi tách bản thân ra khỏi kết quả nghiên cứu và gọi đó là “tính khách quan”?”
Trong lòng mình tự có câu trả lời, vì câu trả lời vốn luôn nằm ở đó từ trước khi có câu hỏi này: Mình muốn là một phần của nghiên cứu của chính mình, là người hiện diện ở đó, đối thoại với các phát hiện.
.:: Cọp Giấy, tháng 6/2021 ::.