Đi Học / Kiến thức / Reflection · October 24, 2020 0

Recap & Review #2 – Mình đang đọc loại tin tức gì mỗi ngày?

[Ghi chép những suy nghĩ của bản thân khi nghe giảng Bài 1 của lớp #MediaLiteracy_Vietnam]
Một vài học viên cùng lớp mình đã chia sẻ rằng mẹ của họ đã gởi rất rất nhiều bản tin mỗi ngày đến cho họ. Không phải điều đó làm họ thấy phiền, mà làm họ cảm thấy lo lắng vì có cảm giác như “những tin đó có vấn đề”, mà người share tin đó cũng có vấn đề. Nhưng họ không biết giải thích “vấn đề đó là vấn đề gì” 🙁
Trong các cuộc tranh luận, ví dụ vụ TT 100 tỷ, hay vụ sách giáo khoa, hay vụ việc về thuốc chữa bệnh ung thư… tin tức được chia sẻ rất nhiều với hàm ý “bài trên mạng = bài báo = thông tin đúng”
Và nếu bỏ chuyện nguồn tin qua một bên (như bài Reflection #1 đã đề cập) thì THỂ LOẠI của thông tin cũng rất quan trọng. Nhận biết được thể loại thông tin, sẽ giúp người đọc đoán biết được mục đích của thông tin, và có hướng xử lý thông tin đó.
Có nhiều cách phân loại thông tin. Trong tài liệu Cẩm nang Dành cho Độc giả Thông minh, thì có 5 phân khúc thông tin khác nhau:
  • 🔹️Tin tức báo chí: chính danh, có thể xác minh
  • 🔹️Tin giải trí – entertainment: văn thơ, truyện cười,… tạo xúc cảm cho cuộc sống. Những chuyện ít quan trọng, ví dụ như bình luận phim ảnh, bàn về xu hướng thời trang mới,… Thể loại gossip đời tư người nổi tiếng có thể thuộc thể loại này (đọc đời tư người khác để giải trí – cảm thấy có cái gì đó sai sai nhỉ?)
  • 🔹️Tin quảng cáo – advertisement: nhằm giới thiệu hay quảng bá cho cái gì đó nhằm gây sự chú ý hoặc bán hàng
  • 🔹️ Tin tuyên truyền – #propaganda (phần nào cũng giống tin quảng cáo nhưng do cơ quan chính quyền phát hành) nhằm thuyết phục hoặc tạo sự ảnh hưởng. (Nên các bạn lập kế hoạch truyền thông cho sản phẩm đừng nói mình đang làm “tuyên truyền” nhé 😅)
  • 🔹️Tin thô – có nghĩa là chưa có qua xử lý. Thường là tin do người dùng tạo ra (#UGC – user generated content).
—> nếu nhận loại tin này, thì chính người đọc phải là người tự xử lý nó, tự kiểm chứng, tự xác minh, tự thẩm định.
Ví dụ như mấy tin cán bộ ăn chặn tiền cứu trợ lũ lụt 2020 nhưng thực ra chuyện đã từ nhiều năm trước bị lôi lên. Hoặc mấy ngày trước có chuyện diễn viên Lưu Đức Hòa ung thư qua đời lần thứ n. Hoặc chuyện chích ngón tay cấp cứu đột quỵ, uống nước tiểu và nhai hột gạo để trị bá bệnh,… Tất cả đều là những TIN THÔ.
Nếu như share một tin tức nào đó chưa kiểm chứng, đặc biệt là tin thô, thì người đọc sẽ trở thành một nguồn phát tin mới. Thời đại này, chúng ta không chỉ là người đọc, mà còn là NGƯỜI TẠO thông tin.
Đọc có trách nhiệm, và share có trách nhiệm.
—–

Tài liệu CẨM NANG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ THÔNG MINH, được biên soạn bởi

Thông hiểu thông tin – News Literacy

Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH Khoa Học Xã hội – Nhân văn HCMC.

Cách phân khúc thông tin này có thể chưa thỏa mãn những người làm nghiên cứu hàn lâm, hoặc giới thực hành xuất bản thông tin chuyên nghiệp, cũng không phải thang phân loại tin tức báo chí dành cho phóng viên. Đây là tài liệu tập huấn bình dân dành cho người đọc thực hiện tốt việc đọc của mình. Người đọc có quyền học hỏi nâng cao trình độ khi có thể nhìn ra nhiều hơn nữa những thể loại tin tức khác.