Đi Học / Kiến thức / Reflection · October 16, 2020 1

Reflection #1 – Tin tức là gì? Ta đang đọc tin kiểu gì?


[Ghi chép những suy nghĩ của bản thân khi nghe giảng Bài 1 của lớp #MediaLiteracy_Vietnam]

HÀNH VI ĐỌC TIN TỨC XƯA VÀ NAY
NAY ĐÃ KHÁC XƯA

Một khác biệt lớn nhất là ngày nay con người đọc tin tức một cách THỤ ĐỘNG.


– Tin tức sẽ tìm đến người đọc, target rồi retarget người đọc.
– Lúc trước, tin tức bị rút gọn lắm thì cũng gói trong chapeau, nhưng giờ thì chỉ còn trong titre (title) mà thôi. Hầu như mọi người đọc titre nhiều hơn là thực sự đọc tin.
– Con người ngày nay không chỉ nhận thông tin, mà còn có thể tạo ra thông tin. Và cũng chính lúc này, câu hỏi mình tự đặt ra là “cái gì có thể được gọi là tin tức?”

❓Đối với chính bản thân mình, “cái gì được gọi là tin tức?”

Một vài thầy cô học cùng lớp đã chia sẻ về trải nghiệm khi có người thân ngày đêm share những gì baomoi gởi qua Zalo. Có người lo lắng khi đọc mọi nguồn tin trên mạng xã hội và nhắn sms cho gia đình liên tục suốt cả ngày. Một cô giáo đã nói rằng “tôi biết người nhà của mình có vấn đề với tin tức, nhưng họ không có bất cứ một CƠ CHẾ PHÒNG VỆ nào”

Thật ra thì Tôi có cái gọi là “cơ chế phòng vệ” đó không? Cháu con, học sinh – sinh viên thế hệ sau có không khi mà thế hệ trước cũng lúng túng hoang mang?

Khi mà ai cũng có thể tạo ra thông tin. Viết status, share một nội dung, nhặt cái hình ghép vô cái bài,… đó là thông tin:

– Dường như mọi người cảm thấy họ mạnh hơn
– Dường như mọi người cảm thấy họ an toàn hơn
Dù họ dùng nick ảo, hay nick thật
Thì họ vẫn sẵn sàng lên tiếng, mạnh mẽ, hùng hồn

Nhưng dường như họ dễ tổn thương hơn
Dễ tức giận
Dễ mất kiểm soát
Dễ mất lý trí và khả năng phán xét
Những thương tổn kéo dài.

Khi muốn tiêu diệt ai đó, họ tung tin thất thiệt. Nếu người đó không bị diệt, thì kẻ tung tin và những người hùa theo sẽ đau khổ. Nếu người đó bị diệt, họ sẽ hả hê, nhưng sự bất an không giảm đi, để lần sau lại dễ bị thương tổn hơn cả lần trước đó.

Ví dụ như việc sách giáo khoa và đánh vần đang xôn xao mấy ngày qua. Bao nhiêu năm qua, báo chí vẫn lên tiếng việc này, đều đặn và định kỳ, nhưng không phải là tin nóng. Rồi Bùi Hiền xuất hiện, sau đó là chương trình thực nghiệm, và nay là bộ sách Cánh Diều thì đám đông ngày càng dễ giận dữ hơn dù họ luôn cảm thấy họ đã tiêu diệt được từng nhân vật. Những người là giáo viên, là ban giám hiệu, là phụ huynh có con đang học lớp 1 lại là người im lặng. Nhưng cộng đồng lại có những người khác phẫn nộ giận dữ muốn tái lập lại “công lý” nào đó.

Hằng ngày vẫn có những group hoặc page nêu đích danh một người hay một tổ chức, bằng một bài viết ẩn danh, thu hút sự theo dõi của rất nhiều người. Và họ rất sẵn sàng chửi thuê chém mướn trong các sự việc đó.

Có vẻ như thứ thông tin đó chỉ là “không biết có TIN được không nhưng đọc xong thấy rất TỨC”

Trong hình bên dưới là hình bài tập của nhóm mình, tụi mình thực hành phân loại thông tin. Hầu như các “tin đọc xong rất tức” là những THÔNG TIN THÔ, chưa qua bất kỳ xử lý nào.

❓Mình hay hỏi sinh viên lớp digital marketing rằng “với công nghệ, chúng ta đang chọn những tin tức để mình xem, hay máy móc đang chọn những cái chúng ta xem?”
Khi follow các thông tin thô hàng ngày, thì máy móc sẽ gởi đến cho chúng ta nhiều thông tin thô hơn.

Nếu muốn sử dụng nhiều thông tin thô trong cuộc sống, thì chính mình phải có khả năng xử lý thông tin đó. Đó là kỹ năng và cũng là trách nhiệm.

Bởi vậy nên “thấu hiểu thông tin không phải là đích đến mà là một HÀNH TRÌNH

hành trình học tập luôn bắt đầu bởi những câu hỏi! Nên tôi không để lại đây những câu trả lời. Ai có câu hỏi, hãy có động lực để học nhé

#MediaLiteracy_AC2020