Đi Học / Kiến thức / Reflection · April 17, 2022 1

Năng suất – Sức mạnh của N=1

Đây là một phần của buổi học “làm tiến sỹ” dành cho sinh viên năm nhất. Với chủ đề về NĂNG SUẤT (productivity) thì có lẽ là nó dành cho mọi người, mọi hành trình học.

Việc học, nếu nhìn một cách tổng thể và đầy đủ, thì phải là chuyện của cuộc đời, không phải chỉ là ở một khoảnh khắc của bài tập hay kỳ thi. Học hay làm PhD là hành trình tự học, tự cam kết, tự thiết kế chuyện học. Nó có thể xem như một hành trình nghiên cứu, mà trong đó mẫu nghiên cứu N=1 (tức là chỉ quan sát chính mình mà thôi), nhưng subject của quan sát này thì vô cực.Nó là một quá trình giống như hình bên dưới đây: Quan sát –> Xác định vấn đề/mong muốn –> Lên kế hoạch >>> Hành động >>> Đánh giá lại rồi lại quay lại từ đầu.

Câu hỏi đặt ra là: ĐỐI VỚI BẠN, KHÂU NÀO QUAN TRỌNG NHẤT?

— Trước khi đọc tiếp, bạn thử suy nghĩ lại xem sao nhé —

Lúc đó, mình đã nói khâu IDENTIFY là quan trọng nhất. Vì mình cảm thấy rất khó mỗi khi phải xác định và lựa chọn, hay phải chỉ rõ ra mình đang muốn gì và cần gì. Mình đã nghĩ rằng nếu chọn sai thì sẽ bị lạc lối.Nhưng diễn giả thì lại nghĩ khác, vì với cô ấy, khâu QUAN SÁT là khó nhất và quan trọng nhất. Nếu các quan sát bản thân không đủ, hoặc một quan sát bị lấn át quá bởi sự căng thẳng, hay cảm giác tồi tệ thì sẽ như một nghiên cứu có bộ data sai lệch.

Đối với mình,… mình giật mình. Vì khi nghiên cứu định tính, khi đi quan sát điền dã, mình đã luôn đề cao sự quan sát. Vậy mà khi tìm hiểu bản thân, mình lại tập trung đề cao cho sự chọn lựa hơn. Giả dụ, nếu chọn lựa sai, thì bằng quan sát, ta vẫn có thể chọn lại cho đúng. Còn sự quan sát sai, thì dữ liệu sai ngay từ đầu. Mà dữ liệu, là thứ không sửa chữa hay can thiệp hay tự “sáng tác” ra được.

Bài chia sẻ này kịp lúc nhắc nhở mình điều chỉnh lại sự quan sát, và giảm bớt áp lực cho việc xác định chọn lựa – một điều đã gây cho mình một rủi ro sẽ sớm mất cân bằng nếu tiếp tục như vậy trong vài tuần tới đây. Hơn nữa, cái mình thấy khó và mình cố làm, không có nghĩa là nó là quan trọng nhất, mình đã bẫy mình trong cái “bẫy tự nguỵ biện” này. Và vậy là, mình hoàn toàn đồng cảm với diễn giả trong tình huống PhD này.

Còn bạn thì sao? Theo bạn thì khâu nào quan trọng VỚI BẠN nhất? (n=1 và không đại diện cho bất kỳ ai nhé)

— đọc và xem thêm A Life of Productivity