Tích hợp vào cuộc đời của nhà nghiên cứu

Khi đến lớp học, các bài giảng dạy về kiến thức và kỹ thuật để làm nghiên cứu. Còn khi gặp giáo sư hướng dẫn, thì sẽ được truyền dạy cách sống của người làm nghiên cứu.

Buổi gặp chiều nay với thầy, mình nói rằng mùa này đang cao điểm của thuyết trình và chuẩn bị cho báo cáo project cuối khóa, nên mình đã chưa viết được gì cho proposal để gởi thầy xem.

Và thầy đã rất thông cảm, và chân tình chia sẻ rằng làm nghiên cứu không thể nào có hẳn 2-3 giờ không bị làm phiền và chỉ ngồi để viết đâu. Mà là sự “tích hợp”, tích hợp nghiên cứu vào cuộc sống của mình. Nghiên cứu không phải một công việc (job) để hết giờ làm việc rồi về nhà, hoặc bám theo chỉ tiêu target là có thành tựu. Nghiên cứu, với thầy, là một cuộc sống, một lối sống.

Rồi thầy nhắc mình liên tưởng đến cuộc sống của một giảng viên. Hàng ngày lên lớp, soạn bài, tư vấn, hẹn với sv, các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ, chấm bài rồi công văn giấy tờ… rồi nghiên cứu giờ nào? Rồi sao có thể suy nghĩ cùng lúc nhiều thứ đến thế?

Quả thực, nếu xem giảng dạy như một công việc mà người khác giao phó, thì công việc đó nhiều kinh khủng quá. Trục thời gian của giảng viên không phải là 8 giờ mỗi ngày + cuối tuần tăng ca. “Cấu trúc” của lịch trình trong khung thời gian của Gv có khác một chút với cấu trúc 24h bình thường. Bởi vì toàn bộ những việc Gv làm đều đã được tích hợp vào cuộc sống rồi. Những suy nghĩ về bài giảng, về những ca tư vấn sv hay về bài tập được tích hợp trong đầu, nên đầu óc lúc nào cũng đầy những suy nghĩ. Những suy nghĩ đó không hỗn độn, mà là được tích hợp theo lối sống của Gv rồi.

Làm nghiên cứu cũng thế. Rồi thầy kể cho mình nghe làm sao để thầy có thể suy nghĩ, quan sát, lập ra các giả định và kiểm chứng, xử lý dữ liệu… với một lịch trình dày đặc. Rồi khi đầu đã đầy những suy nghĩ, thì viết chính là cách để giải thoát những suy nghĩ đó ra. Não sẽ “relax” trở lại. Vì vậy nên bất cứ khi nào có laptop trước mặt, hay sổ tay kế bên, thầy đều có thể viết được. Vì mọi thứ đã sắp xếp hết trong đầu rồi, nên nếu có 10ph thì sẽ viết nội dung dài 10ph, có 30ph sẽ viết nội dung nào đó 30ph.

Dường như, mình biết tổ chức thời gian, biết hoạch định, biết triển khai… nhưng đã quên mất sự tích hợp này. Quên một điều rất cơ bản đến thế thì có chút xấu hổ rồi chăng? Cũng không hẳn, vì nhờ thầy nhắc mà mình lại có dịp được học lại một cách thấm thía hơn. Mọi điều đều cần được học lại cơ mà!

Mình cảm ơn vô cùng sự thấu cảm và sự hướng dẫn “nghề truyền nghề” này. Trên con đường PhD dài này, có sự đồng hành của thầy, mình cảm thấy rất vững tâm. Bởi vì mỗi lần mình lơ là, lạc lối, chạy nhầm đường, hay tuột mood thì đều có người kéo mình lại. Nghĩ đến một tương lai mình sẽ trở nên độc lập, cứng cáp và vững vàng hơn mà mình cảm thấy rất biết ơn.