Kỹ năng học · December 16, 2021 0

Thiết kế không gian của NHÀ

Sắp hết năm thứ 2 của Covid-19 rồi.
Hôm trước một người thầy nói với mình rằng trong đợt dịch bệnh này có 2 kỹ năng mà con người học được: kỹ năng tin học và kỹ năng làm việc nhà. Mọit kỹ năng là học mới, còn kỹ năng kia là học lại. Xu hướng về sự “tiện lợi” cũng sẽ thay đổi, từ “tiêu dùng nhanh” thành “chế biến nhanh, chuẩn bị sẵn”.

Nếu đầu năm ngoái nổi lên các câu chuyện bi hài khi làm việc ở nhà và videocall trong công việc, thì bây giờ lại đang nổi lên việc cuộc sống trong NHÀ thế nào. Tháng 12 thi học kỳ, các diễn đàn và cộng đồng học sinh sinh viên thì đang là câu chuyện tâm sự về học ở nhà, khi deadline tiểu luận – dự án – lịch thi trùng trùng điệp điệp, thì bố mẹ cứ ca bài ca “con cái vô tích sự ôm máy tính cả ngày”.

Thực ra thì chuyện con cái suốt ngày đi học, trong khi bố đi cày mẹ ở nhà làm hết việc nhà là chuyện đã có từ trước. Nhưng bây giờ nó trở thành vấn đề khi việc học của con được đặt trong không gian của việc nhà (vốn của mẹ). Chỗ đó vốn là để giặt giũ, nấu cơm, lau quét nhà mà bây giờ lại có đứa đem laptop điện thoại ngồi đó nhưng không làm những việc ở nhà.

Và trong ký ức, kinh nghiệm sống thì NHÀ là nơi… không làm việc. Làm việc là ở “ngoài” đồng, “đi (ra khỏi nhà) đến công ty, trường học.” Người thành đạt, có thành tựu, có “tích sự” là người để lại dấu ấn ở những không gian bên ngoài không gian riêng tư của căn nhà. Vậy nên hình ảnh một người không rời nhà, mà cứ y nguyên bộ đồ ngủ ngồi ngay giữa nhà ngày này qua ngày nọ là một hình ảnh gắn với sự “vô tích sự”.

Người ta có thể lý giải hiện tượng bằng những lý lẽ dễ hiểu hơn, là những biểu hiện bên trên dễ thấy, ví dụ như: nó thấy mẹ làm việc mà ko phụ được một tay, nó ngồi một chỗ có gì đâu mà mệt, chẳng thấy làm gì (thì làm sao nên trò trống gì). Nhưng có lẽ nguyên nhân thật sự nó ở bên dưới những sự việc đó, đó là những mâu thuẫn về trật tự cuộc sống, về những thay đổi quá nhanh chưa kịp thích ứng, và những ức chế tâm lý khác nhau.

Hôm nay mình được dự một hội thảo nói về văn hóa của Google, Nokia, và Microsoft. Không gian làm việc ở công ty họ thiết kế cho nhân viên cảm thấy như là HOME. Điều này đã tăng gắn kết của nhân viên, duy trì đam mê, tăng năng suất blah blah blah. Ấy vậy mà khi đem công việc về nhà thật, thì lại thấy đổ vỡ đủ thứ cả. Tại sao vậy?

Nếu 15 năm trước khi mình là sinh viên, quản trị thời gian của mình chỉ là sắp xếp để chạy sao cho không deadline nào bị lầy. Thì bây giờ quản trị thời gian còn là thiết kế work-life balance và cách tổ chức không gian sống.

HOME theo nhiều ngôn ngữ khác nhau trước hết là cái nhà, là cái được xây lên, là cái để sống, là cái để ở… Nếu bây giờ nó có thêm chức năng là LÀM VIỆC, HỌC TẬP, thì nó có không gian cho những việc ấy chưa? Nó có được các thành viên trong nhà chấp nhận chức năng đó chưa? Việc có thêm không gian và chức năng đó có tạo ra mâu thuẫn hay ảnh hưởng quyền lợi của ai không? Với những gia đình có sẵn phòng làm việc từ trước, hoặc kịp thích ứng bằng cách thiết lập ngay chỗ làm việc/học thì những mâu thuẫn này có thể đã không xảy ra nghiêm trọng.

Ai đó có thể nói rằng các em tuổi trẻ ơi, mai mốt đi làm rồi các em vẫn phải chạy deadline, phải lo việc nhà, phải nuôi con, phải chăm bố mẹ già của 2 nhà nữa cơ >>> tập dần cho quen chứ đòi hỏi cả vũ trụ theo ý mình thì chừng nào mới lớn.

Mình lại nghĩ rằng việc này không phải chuyện số lượng công việc nhiều hay ít, trách nhiệm lớn hay nhỏ, tâm lý vững thần kinh thép cỡ nào. Mà nó là đối thoại và sắp xếp lại không gian sống thế nào. Một bạn SV từng tâm sự rằng bạn ấy không thể bật webcam để cô thấy xung quanh là mấy đứa em đang nhìn vô màn hình bình luận chỉ trỏ và những ngưòi đàn ông ở trần quần cụt lang thang trong nhà. Cũng không thể bật mic khi mẹ đang trách mắng phía sau chỉ vì bạn ấy cứ ôm laptop “ăn hại” bố mẹ, trong khi giáo viên thì cứ gọi tên bạn ấy và dọa trừ điểm.

Nếu trong suy nghĩ của mọi người trong nhà có thêm “hạng mục” học tập như một chức năng diễn ra trong nhà, với khung thời gian học là một phần của agenda nhà, thì chuyện khó xử vậy đã không xảy ra. Nhưng thêm “công việc” vào nhà nó  thường gắn với những biểu tượng tiêu cực, bất an, không giống trật tự cuộc sống quen thuộc… Cần một quá trình để thay đổi những gì thuộc về văn hóa.

Vậy thì mình nghĩ phải thêm một kỹ năng nữa vào những thứ mà con người đang học: kỹ năng tổ chức cuộc sống Ở NHÀ.

.:: Cọp Giấy ::.