Một trong những điều thay đổi rất lớn mà tôi phải đối mặt khi quay về cuộc sống “bình thường mới” của thời hậu-covid, đó là chung sống với những người đeo khẩu trang. Mọi người thường than phiền khẩu trang bịt mũi khó thở, nhưng tôi thì cảm thấy khẩu trang đang bịt miệng mọi người mất rồi. Và vì thế, tôi không thể nghe mọi người nói gì. Thậm chí, trong phòng họp ai đang phát biểu tôi còn không thể biết được. Tôi trải qua 4 buổi ngồi trong lớp học mà bạn bè thì thảo luận sôi nổi với giáo viên, còn mình thì hoàn toàn không nắm được mọi người đang nói gì. Ở lớp PhD, không có slide và cuộc thảo luận không phải lúc nào cũng có gì đó viết lên bảng. Tất cả chỉ dựa vào việc NGHE.
Và một lần nữa, tôi phải tìm cách luyện tập kỹ năng NGHE để có thể sinh tồn trong hoàn cảnh của mình. Và cứ hễ nói về kỹ năng sinh tồn, thì lại là lúc được hiểu thêm về bản thân mình.
Trước đây, tất cả các cách giúp tôi thích nghi với điều kiện nghe khó đều là những kỹ thuật bổ trợ tín hiệu phụ nào đó – như đọc tín hiệu môi, nhìn các dấu hiệu phi ngôn ngữ, nhìn các tương tác của người xung quanh, phân tích từ khóa… Tôi luôn tin rằng 5 giác quan chỉ là xung điện và chúng ta luôn có cách nhận tín hiệu từ nguồn khác nếu một trong 5 giác quan bị hạn chế. Hoặc ví dụ như ở bậc tiểu học, tôi được điểm tuyệt đối môn chính tả không phải vì nghe tốt mà vì đã tự luyện ở nhà rất nhiều lần với sự hỗ trợ của ba mẹ. Lớn lên, tôi vẫn duy trì thói quen chuẩn bị trước để có thể phản ứng kịp với sự nghe hạn chế của mình.
Nhưng lần này, tất cả các cách đó đều không sử dụng được. Chiếc khẩu trang nhỏ nhỏ đó che hơn một nửa khuôn mặt và thay đổi hoàn toàn cách người ta nói chuyện. Người ta đổi cách thở, người ta nói với môi và lưỡi líu ríu trong vải khẩu trang, người ta kéo khẩu trang xuống dưới mũi để thở và bịt miệng hoàn toàn. Tôi tìm một tín hiệu phụ, nhưng điều đó lại gây xao nhãng và tăng thêm mức độ căng thẳng của bản thân. Não tôi xử lý không nổi, khi không có bất kỳ tín hiệu nào mang thông tin, mà mình cần hành động thì mình làm gì?
Một cách tình cờ, tôi phát hiện ra rằng tai của mình có thể nghe được một lượng âm thanh nhỏ khi tôi ngừng tìm kiếm nguồn tín hiệu phụ. Nó giống như khi bạn hát hoặc học ngoại ngữ, bạn hay nhắm mắt lại để tập trung nghe vậy. Trong cuộc thảo luận của lớp học, tôi không thể nhắm mắt nhưng có thể tạo ra một cái nhìn cố định vào một điểm tĩnh nào đó để toàn bộ năng lượng dành cho việc nghe. Âm thanh vẫn rất nhỏ và tín hiệu rời rạc nhưng ít nhất tôi đã nghe được và phân biệt được ai đang nói dù không nhìn. Tôi nghĩ, tôi đã biết mình cần làm gì để cải thiện tình trạng nghe trong thời đại khẩu trang này.
Thực ra kỹ năng này không mới mẻ gì đâu. Thông thường, khi muốn nghe thì người ta sẽ… tập trung nghe. Chỉ có đứa như tôi đã quen phải tìm cách khác khi không nghe được, ừ… là tôi đã bỏ cuộc với việc bắt tai của mình hoạt động bình thường từ lâu rồi. Cũng như nếu bạn cận thị nặng bạn sẽ đeo kính chứ không cố nhìn vậy.
Và cũng chẳng mới mẻ gì chuyện này, khi các huấn luyện viên thể dục thể thao đã luôn nhắc nhở rằng chúng ta luôn có 2 cách để luyện tập:
– Cách 1: nếu có một cơ khớp yếu (có thể là do chấn thương) thì tập trung vào cơ khớp phụ hoặc dán/ đeo băng/đai bổ trợ vào để tập.
– Cách 2: tập nhẹ, từ từ để luyện chính cái cơ khớp yếu đó để nó mạnh dần lên. Luyện cho nó phối hợp nhịp nhàng với cơ khớp khác. Ví dụ bạn bị khớp khuỷu tay, thì thay vì dồn hết lực vào cổ tay và vai để khớp khuỷu ngày càng yếu đi, thì tập nhẹ lại cho từ từ khuỷu tay cũng hoạt động đồng bộ với vai và cổ tay.
Cũng vậy, việc dạy một đứa trẻ cũng có 2 trường phái khác nhau, thể hiện rất rõ ở mỗi phụ huynh và trường học. Hoặc là xem đứa trẻ có năng lực gì nổi trội thì chỉ tập trung vào phát triển năng lực thế mạnh đó mà thôi. Hoặc là sẽ tập trung vào cải thiện năng lực yếu để đứa trẻ không bị yếu ở mặt nào hết.
Nếu mở rộng ra về việc học tất cả mọi thứ, từ kiến thức đến kỹ thuật, kỹ năng sinh tồn, thì rõ ràng là luôn có 2 cách học như vậy. Môn nào chúng ta cũng có mặt mạnh và mặt yếu. Ví dụ như môn Văn, có nhiều khía cạnh như từ vựng, ngữ pháp, ý tưởng, cách diễn đạt v.v. Nếu yếu về từ vựng, vẫn có thể trau dồi ở ý tưởng và cách diễn đạt (điều này có vẻ cũng hợp với việc học ngoại ngữ nè). Hoặc nếu dở về mấy con số tính toán thì vẫn có thể cố gắng “toan tính” với những cách giải và thuật toán.
Cuộc đời này thú vị ở chỗ chúng ta có thể linh hoạt dùng một trong 2 cách này, hoặc dùng cả hai để học được một điều gì đó. Như tôi lúc này, ở tuổi gần 40 vẫn đang học một điều y như hồi còn thơ bé: học cách nào để NGHE. Có lẽ, chỉ có một lần duy nhất tôi bỏ cuộc là hồi đi mẫu giáo. Còn cho tới bây giờ, tôi ngày càng tin rằng mình sẽ làm được, vì tôi đã khá hơn lúc nhỏ nhiều lắm nhờ vào những lần phải học như thế này.