“Mỗi giáo viên có một (vài) niềm tin. Họ tin như thế nào thì họ sẽ tổ chức lớp và giảng dạy như thế ấy.”
– lúc mình mới bắt đầu đi tập sự, thầy huấn luyện đã nói vậy. Và mình bắt đầu nghĩ lại xem bản thân mình, là một giáo viên, mình tin gì.
Sau này, khi học hành bài bản về các lý thuyết giáo dục, mình nhận ra niềm tin của mình thiên về trường phái Social Constructivism (giáo dục kiến tạo xã hội, Vygotsky). Hiểu đơn giản cách tiếp cận này là thế này: cái sự học là sự chủ động của con người. Và con người học là để họ “phản ứng” trong những tình huống nào đó trong cuộc sống, họ giải quyết được vấn đề của họ. Con người học bằng cách sắp xếp cấu trúc suy nghĩ, cảm xúc của họ trong các tình huống tương tác với xã hội và tự nhiên. Cái sự học, vì thế mà nó không thể tách rời khỏi bối cảnh cuộc sống xã hội. Và người thầy, trong vai trò làm thầy, sẽ là một trong những phương thức giúp cho người học có thể HỌC được.

Không phải đến lúc đi dạy mình mới chọn con đường này, mà quả thật trong suốt những năm học trước đó, đây là cách học của mình. Với những giáo viên luôn tạo cơ hội học tập và tinh thần sáng tạo linh hoạt cho học trò, mình là một trong những học sinh tốt. Nhưng với những giáo viên bắt học thuộc lòng và áp đặt rập khuôn không lời giải thích, mình là đứa phản kháng.
Năm lớp 8, là năm mà môn tiếng Anh bắt đầu dạy các word family, thầy bắt chép thuộc lòng rồi lên bảng trả bài nhưng không hề giảng bất kỳ nội dung gì, không dạy cả đọc, mình bất chấp cúp tiết xuống phòng y tế nằm liên tục. Năm lớp 11, là năm mà môn Toán rất nhiều công thức đạo hàm, tích phân, sin cos tan… Giáo viên là một người trẻ rất giỏi toán, thầy có sáng kiến photo công thức theo một thứ tự dễ nhớ và giao bài tập ngay trên giấy photo. Học sinh ko cần hiểu, chỉ cần giải bài. Mình làm bài rất nhanh và điểm cao, nhưng bất mãn. Khi bắt đầu học kỳ mới, mình gặp thầy bên ngoài cửa lớp, và nói với thầy: “Khi nào thầy mới bắt đầu dạy đây? Thầy dạy cái gì đi chứ!” với tất cả sự hờn dỗi của tuổi mới lớn . Thầy cười như hay cười mới mấy bạn trong fan club rồi vẫn tiếp tục lối dạy đó. Điểm thì 10, nhưng mình không hiểu và cũng không thèm học công thức kiểu này nữa vì mình cho rằng học như vậy vô bổ và chật não. Đó là những cái ngông nghênh rất bản năng. Thật may là chưa bị hậu quả gì nghiêm trọng, và thật may không phải tất cả giáo viên của mình đều như vậy.
Tiểu học mình có nền tảng tốt với phương pháp thực nghiệm (của Gs Hồ Ngọc Đại) nên nắm vững từ ngữ ngữ pháp và các nguyên lý. Môn văn được sáng tạo với các bài kể chuyện đồ chơi, trái đất nói chuyện mặt trăng, giấc mơ của em, tả cảnh một thế giới khác, 8 tuổi viết thư cho em năm 10 tuổi… Lúc đó chưa có Toy Story hay Avatar. Các môn như Sử Địa chưa bao giờ là môn xa lạ, trái lại, rất gần gũi và thiết thực. Nó giúp hình thành nên thói quen cho việc học các môn này suốt những năm phổ thông sau đó.
Khi đến trường, học sinh đã “tách” ra khỏi cái bối cảnh cuộc sống xã hội rồi. Vậy giáo viên phải làm sao đó để học trò nhận ra và gắn việc học vô với quá trình sống của mình. Nó không phải là kiểu học thuộc một bài trong sách, rồi sau đó tìm cách áp dụng vào cuộc sống. (tìm hoài không ra lại gào lên “học cái này để làm gì?” .) NGƯỢC LẠI, chính cái nhu cầu sống và giải quyết tình huống có trước, cùng nhau học để cùng nhau khám phá chính bản thân trong cái tình huống đó. Nhu cầu học từ đó mà phát sinh, nhưng quá trình tự học không dễ dàng, người thầy giúp học trò sắp xếp quá trình học của bản thân họ.
Và cũng vì thế, những giáo viên constructivist thường có một điểm chung, đó là sự sáng tạo và đa dạng hoạt động trong lớp của họ. Họ thường không lặp lại một motif nào, mà gần như đổi mới liên tục. Bởi vì kiến thức có thể không mới, nhưng người học mới thì vấn đề sẽ phải mới và cách tiếp cận sẽ phải mới. Giáo viên, sẽ giúp người học hiểu ra bối cảnh và tình huống trước, rồi sau đó có ngay “lộ trình” để HỌC cách giải quyết tình huống đó.
Những hoạt động, game, giải thưởng, hay bài tập, dự án,… không phải chỉ là để tạo cảm hứng hay giúp nhớ nhanh nhớ lâu hơn. Người dạy phải tính toán cả cái quá trình kiến tạo kiến thức của người học. Tức là, người học tự xây kiến thức của mình, nhưng nếu không có giáo viên thì họ có thể chẳng biết là cần phải xây, hoặc muốn cũng không biết làm sao để xây.
Lấy ví dụ của môn ngoại ngữ, không phải cứ ra nước ngoài rồi học ngoại ngữ ở đó là có môi trường để học nhanh đâu. Khi ở Pháp đi học tiếng Pháp, vào mở sách ra học Bonjour bonsoir, bảng chữ cái xong vô chia động từ être với avoir… bài tập nghe viết này nọ. Bài 2 là tiếp tục chia tới động từ faire và chuyện hợp giống hợp số “le la les”. Học kiểu vậy cho tới lúc đi thi tới Delf B2 mình vẫn không dùng được tiếng Pháp trong cuộc sống, mà rơi vô cái bẫy “trung bình”, kẹt luôn ở đó. Bạn bè ra trường đứa nào không làm ở cty Pháp thì cũng giống mình, quên dần. Giờ thi A1 không biết có đậu không nữa
Cách tiếp cận của giáo trình tiếng Trung hiện tại, cùng với phong cách constructivism của giáo viên tạo ra một môi trường học thuận lợi hơn. Lớp học mở ra với các tình huống mà mình muốn diễn đạt điều gì đó, cô giáo chỉ cho mình cách diễn đạt đó. Ví dụ khi đi mua đồ, đọc menu quán ăn, sắp xếp thời khóa biểu, chơi game với bạn hoặc thi đấu để có thưởng. Trong lớp nói xen kẽ 2 thứ tiếng được miễn là để diễn đạt được. Ví dụ, mình có thể nói “我是老師。都老是都不喜歡看學生的homework” (Tôi là Gv, tất cả các Gv đều không thích đọc bài tập về nhà của học sinh). Mình cố gắng dùng nhiều nhất có thể những từ ngữ mình có được. Và vì vậy, cô giáo gần như dùng đúng tốc độ giao tiếp hàng ngày, chứ không cần nói quá chậm để cả lớp hiểu. Lớp có người đến từ 6 quốc tịch Âu Á Phi Mỹ khác nhau, tuổi từ U20 tới U40. Nhưng thì ra thì học ngôn ngữ thì con người học giống nhau y như thời sơ sinh học nói thôi.

Có khoảng 4 trường phái giáo dục chính, thì có lẽ constructivism là trường phái mà vai trò của giáo viên khó có thể thay thế được bằng máy móc, AI, hoặc số hóa qua các kênh dạy học online như hiện nay. Và, có lẽ hơi thiên vị một chút, với mình thì đi học và đi dạy trong một môi trường giáo dục kiến tạo là hứng thú và sáng tạo đỉnh cao nhất hihi

—