Kỹ năng học · March 11, 2022 0

PhD Skill #1 – Tôi muốn gì?

Người ta thường dùng từ “LÀM” PhD chứ không phải là chữ “HỌC” PhD. Nhưng toàn thời  gian của PhD lại là quá trình học liên tục. Và lại là họ thứ khó nhằn nhất trên đời: học về chính mình.

TÔI MUỐN GÌ?

Tôi là ai? Đây là đâu? Tôi sẽ trở thành gì? Tôi làm gì để trở thành tôi?

Cho tới hôm nay, tôi nhận ra tất cả mọi thứ đều quay về một câu hỏi “TÔI MUỐN GÌ?”. Kể cả khi tôi nói rằng tôi theo đuổi việc học PhD chỉ vì tôi thích học, thì câu hỏi vẫn là vậy thì “TÔI THÍCH HỌC GÌ? THÍCH HỌC RA LÀM SAO?”

Và chữ “THÍCH” ở đây phải hết sức là cụ thể. Ví dụ nếu thích một môn nào đó thì cũng phải rõ ra là thích cái gì của môn đó, mong đợi theo đuổi gì trong cái môn đó, và dự định làm gì để theo đuổi nó. Thầy cô sẽ luôn hỗ trợ, nhưng cũng phải nói cho thầy cô biết mình muốn được hỗ trợ như thế nào.

Môn sinh PhD chắc là nghĩ câu hỏi khó nhất của đời PhD là “đề tài của bạn là gì?”. Nhưng có vẻ như câu này không khó khi có phương pháp thực hiện nó. Các câu hỏi về ý muốn và dự định, kế hoạch của bản thân mới thực sự khó.

Khi mình bắt đầu hành trình PhD này, thầy giám đốc đào tạo đã có buổi gặp ngắn để khuyên mình nên nghĩ mình muốn gì ở đây rồi thầy sẽ sắp xếp cho. Rồi tiếp theo là mình muốn giáo sư nào, muốn đề tài nào, muốn dự án nào. Rồi môn Seminar là môn kỹ năng dành cho PhD với mỗi buổi một chủ đề về những cái mà bản thân mình đang muốn. Môn theory cũng bắt đầu bằng một bức tranh tổng quan và ngay sau đó là bài essay hỏi mình muốn focus vào nhánh nào trong bức tranh đó.

Tôi phải chọn lựa, phải đặt ưu tiên (thầy cô liên tục nhắc về “prioritize”). Phần khó nhất của sự chọn lựa ưu tiên này chính là phải TỪ BỎ, phải bỏ đi những thứ không chọn và ưu tiên thấp hơn. Những thứ mình bỏ đi đó có thể đều là cơ hội hay ho cả. Tôi may mắn ở một môi trường mà mọi nguồn lực sẵn sàng ở mức cao nhất, nhưng vậy thì giống như đang ở giữa một đại dương có mọi hướng đều có thể là con đường để đi.

Tôi nhận ra mọi hiểu biết về bản thân từ trước tới giờ là chưa đủ. Tôi thấy thật may vì mình đến đây với tâm thế tìm kiếm bản thân, nên đã không bị quá shock. Và may mắn hơn khi trong môn Seminar, với tài liệu là quyển Road to Success của giáo sư Venkatesh có rất nhiều check list và những lời khuyên gợi ý về các template thiết kế chương trình PhD cho bản thân. Giáo sư cũng gợi ý rằng những lời khuyên đó sẽ phù hợp hơn những môi trường kiểu Mỹ, vì văn hóa và môi trường học thuật mỗi nơi có khác – và lại thật may, nó hợp với tôi.

Sách Road to Success, Venkatesh, 2011

Khi đối diện với một bản kế hoạch, tôi vẫn phải suy nghĩ nhiều nhưng ít ra có phương hướng hơn. Bản kế hoạch này không phải là một thời khóa biểu cứng ngắc mà là thiết kế để sẵn sàng thay đổi thích ứng liên tục.

Sau bản kế hoạch thì nên có trao đổi mới mentor của mình. Tôi nghĩ rằng lúc này chưa nên đi hỏi những đồng môn hay học trưởng học tỷ vì họ cũng đang thiết kế kế hoạch cho chính họ hơn là có cái nhìn tổng quát.

Về bản thân, tôi muốn mình ghi nhớ rằng dù có chỉnh sửa bao nhiêu lần đi nữa thì tôi vẫn cần luôn đối chiếu với câu hỏi: “TÔI MUỐN GÌ?”

.:: Cọp Giấy, Đài Bắc năm nhất, tháng 3/2022 ::.