Kỹ năng học · June 17, 2021 1

Lắng nghe những suy nghĩ của chính mình

Field Note, một dạng nhật ký điền dã, nhật ký của người làm nghiên cứu để ghi lại những suy nghĩ của họ. Tôi bắt đầu tập viết nhật ký này khi bắt đầu phân tích bộ dữ liệu cho một dự án nghiên cứu mới. Đây là những dữ liệu quan trọng cho nghiên cứu này, đồng thời tôi muốn quan sát suy nghĩ của mình.

Còn việc nghe nhạc khi làm việc, đặc biệt là việc trí óc này, là một thói quen quan trọng để đảm bảo hiệu suất làm việc. Thường thì tôi sẽ nghe solo sáo trúc, đàn tranh/ guzheng, đàn bầu hoặc đàn lyre. Thi thoảng, tùy theo cảm hứng mà có thể là nhạc Pháp, Elvis Phương, Andrea Bocelli,… là các bài gắn với những kỷ niệm nào đó. Khi còn học trung học, mình còn nghe solo piano của Richard Clayderman, hoặc ôm chiếc radio nhỏ nhỏ để nghe những chương trình quà tặng âm nhạc. Thời gian ở một mình ở Paris, gần như luôn có headphone bên tai để nghe nhạc. Kể cả lúc học thuộc lòng tôi cũng nghe nhạc nhẹ nhẹ.

Nhạc và sự tập trung thực sự quan trọng với tôi. Tôi sớm nhận ra mình là người đa nhiệm, và âm nhạc giúp mình cân bằng được điều này. Không chỉ vậy, đeo headphone nghe nhạc là một cách để tôi tạo ta một không gian riêng tư cho mình, ngăn cách với môi trường bên ngoài. Tôi thấy mình an toàn trong môi trường đó, không sợ ai làm phiền. Là người khiếm thính, tôi luôn sợ ai đó phía sau lưng gọi mình mà mình không nghe được, nên khi mình đeo headphone nghe nhạc là mình đã có một lý do rất hợp lý cho việc không nghe được này.

Rồi điều đó thành một thói quen, thói quen không xấu nên tôi vẫn luôn duy trì. Cho đến hôm nay…

Tôi chợt nhận ra, khi tôi nghe nhạc, là tôi đang KHÔNG thể nghe được toàn bộ những suy nghĩ của mình.

Tôi luôn có đầy những suy nghĩ trong đầu, và nhiều cảm xúc khá phức tạp. Việc nghe nhạc giúp tôi không nghe những suy nghĩ đó, và nhạc tôi chọn thường kết nối khớp với cảm xúc. Việc nghe nhạc đã giúp tôi giảm bớt những cái nhiễu đó, nên khi đó tôi tập trung được vào công việc.

Nhưng khi reflect, khi đối thoại với chính mình, âm nhạc lại cản trở tôi nghe và quan sát suy nghĩ của bản thân. Đặc biệt là khi làm nghiên cứu.

Và cũng lúc này, bỗng dưng tôi nhận ra một insight của những người mở nhạc rất to: họ đang không muốn NGHE. *một small data thú vị với mình

Tôi bắt đầu nhận ra các ý nghĩa biểu tượng của việc nghe nhạc khi làm việc. Đó không chỉ là tấm giáp ngăn cách bản thân với môi trường bên ngoài, mà còn là cách để kết nối hoặc ngăn cách với cảm xúc – suy nghĩ bên trong. Nếu nhìn hai người, cùng là nghe nhạc, nhưng có thể đó là 2 câu chuyện khác nhau, là đối thoại hoặc là sự tạm ngăn cách, là bảo vệ hoặc là nỗ lực kết nối.

Tôi đã ghi lại những phát hiện này, bổ sung thêm vào kho small data của mình. Và 2 hôm nay bắt đầu quan sát để điều chỉnh việc nghe nhạc trong lúc làm nghiên cứu, làm sao để “mở – đóng” cho phù hợp để đảm bảo hiệu suất công việc. Gần như là toàn thời gian không nghe nhạc, thay vào đó là điều chỉnh ánh đèn trong phòng làm việc riêng – có nhiều cách để thích ứng.

Nghe nhạc không phải là điều bắt buộc, vì cái mình cần có thể là sự an toàn, sự ngăn cách hoặc sự kết nối. Âm nhạc chỉ là một phương tiện để thực hiện điều này.