Khi nói đến những người thầy có kỹ năng giảng dạy “xịn” và lớp học “xịn” của họ, mình vẫn luôn để ý đến những sinh viên thực sự rất chật vật để hoàn thành được môn học. Dù cho thầy hỗ trợ rất nhiều và rất tốt, vẫn có sinh viên không qua được môn. Đó thường không phải là vấn đề của trí thông minh hay sự cần cù chăm chỉ, bởi vì thông thường các thầy giỏi luôn biết cách để phát triển người học phù hợp với chính người học. Suốt những năm đi giảng, và cả quá trình học của mình, mình nhận ra rằng “THIẾU KỸ NĂNG HỌC” là một nguyên nhân lớn khiến nhiều người học đã không thể hoà nhập và thích ứng được với lớp học.
Có thể xem lại Phần 1 – Người thầy kiểu Nhà tổ chức – Nhà quản trị
Phần 2 này viết về một kiểu thầy rất giỏi về cả sư phạm, chuyên môn và khả năng truyền cảm hứng. Nhưng đồng thời, lớp của thầy luôn có những người học thật sự chán nản, thậm chí phản ứng khá gay gắt với thầy. Là giảng viên, mình hiểu cách tổ chức lớp và giảng kiểu này rất thách thức. Là người học, mình cũng hiểu là học kiểu này rất “phê”, và có đủ mọi cảm xúc trong đó.
#2 – NGƯỜI THẦY PHONG CÁCH NHÀ PHIÊU LƯU
Thầy là ai?
*tên do mình đặt thôi
Top 1 và Top 2 thực ra không phải kiểu nào xịn hơn kiểu nào đâu. Vì cả hai phong cách giảng dạy này đều thể hiện năng lực lãnh đạo của người thầy. Cả hai phong cách này đều chỉ có thể tổ chức được khi người thầy thực sự MẠNH, và kết quả sẽ là một sự THAY ĐỔI kiểu bước ngoặt của người học.
Nếu ở phong cách của nhà tổ chức, người thầy hoạch định một lộ trình rất chi tiết và rõ ràng cho người học để KÉO người học vào quá trình học, thì người thầy nhà phiêu lưu sẽ để mọi thứ có vẻ linh hoạt hơn rất nhiều để ĐẨY người học vào một mớ rắc rối do chính người học tạo ra. Nếu người thầy nhà tổ chức mạnh về lập kế hoạch, người thầy phiêu lưu mạnh về tầm nhìn (hình ảnh trong tương lai)
Tuỳ môn học và tuỳ người thầy có điểm MẠNH gì, mà mỗi người sẽ có phong cách rất riêng thể hiện rất rõ nét dấu ấn và bản sắc riêng của mỗi người thầy. Nhưng cũng có một số đặc điểm chung để nhận ra phong cách của người thầy này:
- Thầy thường mở đầu hoặc thường nói những câu mang đại ý thế này:
- “Học là một hành trình, một cuộc phiêu lưu” (tạm dịch: hành trình dài lắm, nhiều thử thách lắm và không ai biết sắp tới có gì đâu)
- “Các bạn đã từng học bơi chưa? Muốn bơi được thì phải làm sao? Phải xuống nước! Hãy lao xuống nước đi thì mới học được” (get your hand dirty đi nào)
- “Đây là một quá trình tàu uốn lượn” (hoặc bất kỳ cái gì liên quan đến kiểu fuzzy, vòng lặp luẩn quẩn, những thứ rối nùi…)
- Nói về tầm nhìn hơn là kế hoạch. Thầy biết quá trình học và trải nghiệm sẽ rối tung và nhiều tình tiết bất ngờ, nên thầy tập trung vào hình ảnh kết quả trong tương lai. Thầy sẽ hỗ trợ người học có được viễn cảnh trong tương lai mà họ muốn. Chính viễn cảnh này sẽ định hướng cho người học mỗi lần lạc lối lại có thể tìm được đường về.
- Thầy chuẩn bị rất nhiều hành trang, các công cụ bổ trợ tăng cường sức lực, băng bó chữa lành tổn thương cho người học thay vì một list những việc và tài liệu cụ thể cho người học. Theo đó, lớp học thường như những buổi tập hợp tại một căn cứ địa, cập nhật với nhau tình hình hiện tại, thầy giảng như không giảng chỉ để giúp người học gọi tên được vấn đề của họ.
- Thầy thường rất thích các hoạt động tư vấn riêng, gặp riêng từng cá nhân hoặc nhóm để cá nhân hoá cho riêng từng trường hợp. Việc hội ý chung với lớp là không gian để mọi người học hỏi lẫn nhau chứ không phải để thầy dạy một loạt cho nhanh.
- Thầy rất KIÊN NHẪN. Người học căng thẳng, người học lo âu quá mức, người học thấy bế tắc, người học hỏi thầy rất nhiều những câu hỏi lặp lại… thầy dường như chỉ chờ có thế để mà được giải thích một cách chậm rãi nhẹ nhàng. Không vội vàng, không trách người học.
Mình vẫn gặp thầy, vài ba tháng lại hỏi lại câu hỏi cũ, thầy vẫn lại tiếp tục trả lời. Mỗi lần như thế, cảm giác của mình là cả mình và thầy đều đang học được điều mới. - Không lần nào câu trả lời của thầy giống nhau. Luôn có góc nhìn mới, cách giải thích mới cho cùng một vấn đề.
- Không lần nào thầy trả lời cụ thể, nhưng thầy luôn yêu cầu người học trình bày những kết quả thực sự cụ thể.
- Không gian đối thoại mà thầy mở ra là không gian của SỰ PHẢN HỒI (feedback, feedback và feedback). Mọi tương tác chính trong lớp học là tương tác của sự phản hồi. Thầy nói, trò phản hồi, thầy phản hồi, bạn bè phản hồi với nhau. Nếu có khách mời vào lớp, thì mời khách tham gia quá trình phản hồi này luôn.
Chính trong mối quan hệ của sự phản hồi này, có hai thứ được hình thành: (1) một tương tác đồng đẳng không phân cấp cao thấp, (2) định vị và tái định vị bản thân liên tục (như 2 người bịt mắt đi cùng nhau thì cần phản hồi tín hiệu với nhau liên tục). - “Thầy biết hết cả rồi, nhưng thầy chẳng tính gì đâu” – Mỗi khi sinh viên đem cả những cảm xúc đến với thầy, thầy lắng nghe hết nhưng chẳng bất ngờ. Và thầy tỏ vẻ giống như chẳng có giải pháp gì có sẵn, mà sẽ đặt câu hỏi và thảo luận với người học. Sau đó người học ra về và tiếp tục với hành trình của mình và câu trả lời “do mình chọn”.
Phong cách thầy này thường gặp ở những môn học đòi hỏi người học phải có trải nghiệm và học trên chính trải nghiệm người học (chứ không phải theo thứ tự chương trong một quyển sách nào đó). Người học sẽ được nhiều lợi ích từ người thầy này:
- Được trải nghiệm trong sự đồng hành của thầy và môi trường học thuật của lớp học.
- Được feedback liên tục (như được coaching vậy) để nhận thấy bản thân thay đổi như thế nào.
- Có thể tạo được một sự “lột xác”, unlearn và có được một tư duy mới.
- Cùng một lúc, phát triển khả năng làm việc độc lập (tự bơi) và tương tác đồng đội (feedback liên tục)
- Được truyền cảm hứng và năng lượng sống. Cái mà thầy đang trao truyền là tinh thần của nhà phiêu lưu dám nghĩ dám làm một cách chuyên nghiệp, đó là lối sống của thầy. Năng lượng tích cực này thực sự rất quý.
Tại sao học không hiệu quả?
Thú thật, bản thân mình khi là giảng viên, thì nhiều môn học mình tổ chức theo phong cách này, và mình luôn chuẩn bị trước cho sự hoảng loạn của người học. Mình cũng chuẩn bị tinh thần cho người học luôn, và đúng là chẳng bất ngờ khi thấy nó quá khó với người học. Và rồi khi mình bắt đầu chương trình học PhD ở đây, mình lần đầu tiên trong đời được học một môn học với thầy đúng phong cách phiêu lưu này. Môn này học về Theory và cách xây dựng một Theory dựa trên nền tảng của một theory lớn, đòi hỏi một cấp độ tư duy trừu tượng khá cao (độ mơ hồ lớn đây). Lần này thì mình là người học, ngồi giữa những bạn học khác và nghe họ đem chuyện học vất vả trong lớp của thầy để than trong cả những môn học khác.
Có 2 dạng người học thất bại với lớp học của “thầy phiêu lưu”: (1) người bỏ học và (2) người có kết quả trung bình an toàn qua môn. Người bỏ học là bỏ ngang cuộc phiêu lưu, và người có kết quả trung bình thường là người chẳng thay đổi gì cả, chọn thứ gì đó bình thường an toàn (hoặc mượn ý tưởng từ khoá trước xào lại).
Trước khi nói học sao cho hiệu quả, chắc cần bàn về những lý do khiến việc học với “thầy phiêu lưu” khó khăn và khắc nghiệt đến vậy:

- Không dám bước ra khỏi vùng an toàn, vì sau vùng an toàn là vùng SỢ HÃI (fear zone). Nhiều người học khi mất an toàn, trở nên quá sợ hãi và thiếu kiên nhẫn với bản thân, họ sẽ quyết định bỏ cuộc với tâm thế tự ti bản thân không đủ tốt hoặc tự cao rằng thầy không đủ trình dạy mình (hoặc né tránh nỗi sợ bằng cách tự nhủ rằng mình bận rộn quá). Thầy muốn người học thay đổi và tiến tới Learning Zone, người học muốn đứng ở comfort zone quan sát coi thầy ở Growth Zone trông ra làm sao.
- Thầy trao quá nhiều quyền cho người học (vì việc học của người học mà), và đối với người học thiếu chủ động thì đây là một thách thức.
- Có một sự khác biệt khi học với thầy so với các lớp học khác: những problems là do người học tự tạo ra, không phải do thầy tạo ra và yêu cầu người học giải quyết. Điều này đặt người học vào một cảm giác “cuộc đời tôi vướng vấn đề cần giải quyết”.
- Việc thầy không bao giờ đưa ra một câu trả lời chính xác và duy nhất khiến những người đang rối sẽ… rối nùi. Và cảm thấy mệt mỏi với việc luôn có nhiều sự lựa chọn mà sao thầy ko chọn giúp mình.
- Thời gian không bao giờ là đủ với lớp học này. Với thầy, cần cả đời mới làm hết việc. Với người học thì một việc phải làm vài lần mới trúng được, nên mất rất nhiều thời gian để thử và điều chỉnh.
- Người học giữa những ngày thực hành rối nùi, sẽ thường có khao khát được quay về kiểu thầy đọc chép, học thuộc lòng đề cương rồi thi qua môn. Làm nhiều quá, tự hỏi bản thân có phải mình còn đang học không? Còn với thầy, thầy mong người học hiểu rằng HỌC & SỐNG là cùng một thứ không tách rời.
- Mất kết nối, đứt mạch feedback: do người học hoặc bạn cùng nhóm bỗng muốn ngừng kết nối. Khi mạch feedback bị đứt, quá trình học cũng đứng lại.
Học sao cho hiệu quả?
Mình nghĩ, quan trọng nhất là phải xác định rằng mình đang đi học, mà đi học là để thay đổi. Nếu gặp một người thầy như vậy, để hoàn thành được môn học và “khai thác” được hết những lợi ích từ lớp học của thầy thì thực ra không khó lắm. Sau đây là một vài cách mà mình đã dùng trong lớp học với “thầy phiêu lưu”:

- Đặt mục tiêu của bản thân ngay từ đầu khoá học: sẽ THAY ĐỔI.
Ví dụ, nếu là lớp sáng tạo, thì mục tiêu không phải là một cái gì đó được tạo ra, mà là từ một “tôi không sáng tạo cho lắm” thành “tôi là người có sáng tạo”. - Thế mạnh của thầy là VISION. Hãy học cách mà thầy xác định vision, nhìn thấy được những viễn cảnh trong tương lai. Có thể bắt đầu bằng việc hỏi thẳng thầy rằng “Làm sao thầy nhìn thấy được viễn cảnh? Em có thể xác định những viễn cảnh như thế nào khi lớp học chỉ có vài tháng?”
Thật vậy, thầy sẽ chỉ dẫn tận tình. - Tập trung vào những trải nghiệm và Reflect.
Chính người học là thầy giáo của bản thân, trải nghiệm – thảo luận với thầy và sau đó review, reflect lại thành bài học cho bản thân.
Ví dụ, lớp Service Science Theory, buổi đầu thầy hỏi “Service Science” là gì, “theory” là gì? Suốt quá trình học đến buổi cuối thầy vẫn hỏi lại câu đó. Buổi đầu mình trả lời ngô nghê nghĩ sao nói vậy. Suốt quá trình học thì nói nghe giống máy học thuộc lòng lắm. Đến buổi cuối, mình nói ra được chính từ trải nghiệm của mình. Và chính lúc đó, mình thấy được kết quả của sự học hành với thầy như thế nào. - Quản trị thời gian thật tốt. Vì mỗi một bước thực hiện đều phải lặp lại nhiều lần, làm sai nhiều lần, nên tốn rất nhiều thời gian. Đừng kỳ vọng bản thân chỉ làm 1 hoặc 2 lần sai, điều này phi khoa học, phi sư phạm, phi lý và chẳng khả thi đâu. Quản trị thời gian là gồm nhiều kỹ thuật lắm, đây là cách mình đã làm:
- Ước tính thời gian trung bình: hỏi thầy rằng thông thường học viên tốn bao nhiêu lần thử? Tất nhiên số này chỉ để tham khảo.
- Ước tính hiệu suất của bản thân: nhận bài tập là dành ra khoảng 1 giờ để làm ngay –> giúp nhận ra mình làm nhanh/ chậm thế nào –> ước tính ngay thời gian tối thiểu mình cần
- Tăng tốc với nguồn lực bổ sung: ngay khi cảm thấy có thể bản thân sẽ làm không kịp, mình đặt hẹn tư vấn riêng với thầy, hoặc hẹn chuyên gia hoặc sắp xếp thời gian để kiếm người tư vấn.
Vd mình học sáng thứ 5, nhận bài tập vào cuối giờ học. Ngay chiều tối thứ 5 mình lấy bài ra làm thử trong vòng một giờ để xem năng suất thế nào. Cảm thấy “không dễ xơi”, email ngay xin hẹn thầy tư vấn trong thứ 2 tuần sau đó trước deadline. Lúc hẹn, thực ra chưa có câu hỏi và bài cụ thể nào cả, tranh thủ để thầy kịp thu xếp và confirm trước cuối tuần thôi. Cuối tuần dành ra 2 ngày làm bài và chuẩn bị cho buổi hẹn. Buổi hẹn này chính là nguồn lực bổ sung, sau khi gặp thầy xong thì mình sáng tỏ hẳn ra, biết mình lạc lối ở đâu và có nhiều hướng để phát triển tiếp. Kịp trước deadline là thứ 5 tuần sau đó.
- Quản trị cảm xúc thật tốt. Đây cũng là một tổ hợp rất nhiều kỹ thuật, một số cách mình đã làm:
- Chuẩn bị ngay từ đầu cho một tâm thế bước vào trạng thái bất ổn định (uncertainty) và sẽ không nỗ lực để tránh né trạng thái này, không cố gắng tìm về một sự cố định nào cả.
- Thầy không hề hạn chế việc thể hiện cảm xúc, vì cảm xúc là một phần của trải nghiệm, và là một bước của reflect –> hãy đem cảm xúc để nói ra trong không gian của sự feedback.
- Hỏi thầy và các bạn về các kỹ thuật để điều chỉnh cảm xúc, quản trị cảm xúc. Những người từng trải sẽ có bí quyết của họ, hoặc ít ra họ sẽ giúp mình cảm thấy mình không phải là kẻ cô đơn duy nhất đang đau khổ trên trái đất này.
- Tận dụng tối đa các buổi tư vấn 1:1, book ngay lịch hẹn khi thầy có thể. Đừng sợ thầy phiền gì, nếu phiền thì thầy đã chọn một cách tổ chức lớp học khác rồi.
- Feedback: tìm hiểu thêm về cách đưa ra những feedback tích cực và cách tích cực đón nhận những feedback này. Hãy tưởng tượng bạn đã thức ngày đêm làm ra một công trình gì đó rất tâm huyết, và khi trình bày thì với thầy nó bình thường hoặc lạc lối. Thầy nói cho bạn biết vị trí thực sự của nó… Hic, cảm giác sẽ không hề dễ chịu chút nào đâu. Nên hãy chuẩn bị cho mình kỹ năng lắng nghe và feedback.
- Đừng nghĩ rằng thầy quá sơ sài, không dạy dỗ gì. Không phải thầy nào cũng dạy được lớp học như thế này đâu, thầy phải thực sự MẠNH trải nghiệm và phát triển con người mới có thể dạy tốt được. Thực ra, khi trao quyền rất nhiều cho học viên, lại phải feedback liên tục, tiếp xúc với năng lượng cảm xúc tiêu cực rất nhiều,… thì người thầy đã phải chuẩn bị rất kỹ cho tất cả.
- Đừng nghĩ thầy kém, không có kiến thức, thầy đâu có chuyên sâu đâu có rành lĩnh vực này nên không biết tư vấn. Thầy không đưa ra một câu trả lời cụ thể, vì thầy luôn muốn cho người học thấy rằng có rất nhiều sự lựa chọn. Thầy chọn vị trí feedback đồng đẳng thay vì lấy uy quyền của người thầy để áp đảo đi sự tư duy của người học. Thầy khiêm nhường lui lại vì thầy biết trong biển học mênh mông, giữa thầy và trò thì khoảng cách kiến thức có ai hơn ai đâu.
Nhưng cái mà thầy sẽ nói thẳng không né tránh, là vị trí thực sự của người học đang ở đâu. Sẽ báo động nếu như đi lạc lối, và sẽ chuẩn bị sẵn những cách chữa lành để động viên người học đi tiếp. - Đừng than phiền hay trách móc môn học của thầy mơ hồ quá. Vì quả thật môn đó mơ hồ, người học có ít trải nghiệm nên thầy mới dùng phong cách phiêu lưu này để mọi trải nghiệm cụ thể hẳn ra đây mà.
- Bonus: *nếu được, TRÁNH đổi đề tài nhiều quá. Mà điều này ko phải lúc nào cũng đúng đâu, có khi đổi đề tài ngay tuần cuối cùng lại toả sáng, do đi tới gần cuối mới thấy đề tài cũ bế tắc cỡ nào. Nhưng mà tình hình thực tế là một môn học có vài tháng thôi, không đủ thời gian để đổi đề tài, nên hạn chế nhất có thể. Tập trung đổi phương án thực hiện thì hợp lý hơn.
Cuối cùng thì người “thầy phiêu lưu” này đang là giáo sư hướng dẫn của mình. Hơn một năm qua, lần nào cũng vậy, mình luôn đi vào vòng lặp của sự hoang mang, rồi ý tưởng tung toé, rồi “lạc đường” – lạc xa lắm luôn. Và khi thầy nói cho mình biết mình lạc rồi, mình cảm ơn thầy đã kéo không cho mình phiêu diêu luôn. Đó có thể là một điểm yếu của mình rồi cũng có thể là ưu thế của mình, mà mình nhận ra rằng chỉ có “thầy phiêu lưu” mới đồng hành được với mình.
Cách đây 3 ngày, thầy mới kể với mình rằng bạn học cùng lớp mình hồi đó – vốn đến từ một ngành sinh học kỹ thuật, người phản ứng với thầy gay gắt nhất trong lớp và từ chối gặp 1:1 trong suốt nửa đầu khoá học, bạn đó đang nhờ thầy hướng dẫn cho đề tài nghiên cứu. Lúc trước, cuối cùng bạn cũng gặp thầy với tinh thần là tui không hiểu thầy làm cái gì suốt từ đầu khoá tới giờ. Và sau lần gặp đó, một tuần bạn gặp thầy 2 lần, thay đổi hẳn. Mình đoán được thầy đã làm gì: làm những gì thầy vẫn luôn làm với mọi sinh viên trong buổi gặp 1:1 thôi (hehe)
.:: Cọp Giấy thích đi học ::.
Series “Bí quyết học với những người thầy giỏi”, được truyền cảm hứng bởi tinh thần “Great Teacher and Effective Learner”