Thật vậy, khi đến trường học, gặp được một người thầy giỏi là một điều rất may mắn. Nhưng không phải lúc nào được học với người thầy giỏi thì tất cả người học đều trở nên… “giỏi” (này, lớp của các thầy giỏi vẫn luôn có đầy những học sinh trung bình, yếu kém và rớt môn và những lời ca thán oán trách áp lực học hành đấy thôi). Bởi vì, dù có thầy giỏi hay thầy kém, thì học vẫn là một KỸ NĂNG CÁ NHÂN của người học.
Vì vậy, mình có ý tưởng sẽ viết ra đây những tổng hợp của bản thân về những motif người thầy giỏi mà mình đã và đang được học, và cách mà mình đã học thành công với họ ra sao.
#1 – NGƯỜI THẦY KIỂU NHÀ TỔ CHỨC – QUẢN TRỊ
Thầy là ai?
Top 1 mẫu người thầy tuyệt vời mà mình nghĩ tới ngay khi bắt đầu viết series này là kiểu người thầy “nhà tổ chức” (organizer). Tên này do mình đặt thôi, vì đặc điểm nổi bật nhất của kiểu người thầy này là cách họ tổ chức lớp học hoành tráng và khoa học vô cùng. Đặc điểm chung của kiểu thầy này là:
- “Kịch bản” lớp học chặt chẽ vô cùng: Syllabus thực sự là một cái plan tổng thể, chia ra chi tiết hôm nào tới lớp làm gì, về nhà làm gì, nếu có teamwork thì nên làm gì. Kế hoạch “xịn” này thực sự là một bản đồ, cẩm nang, la bàn cho cả người học và người dạy trong suốt thời gian học để tải một lượng khổng lồ những nội dung cần hấp thụ, núi việc chằng chịt cần làm. Kế hoạch này là một phần nào thầy đã làm giúp cho người học kế hoạch học tập rồi, vì thầy hiểu, tự người học (kiến thức chưa có) thì không thể có một plan đầy đủ như vậy được. Rõ ràng, plan được thiết kế cho người học, dựa trên người học.
- Tài liệu lớp học đầy đủ từ buổi đầu tiên: khi nói tới “tài liệu” thì không phải mình đang nói tới tên của quyển textbooks và cái slide ppt. Mà là một cái LMS với tài liệu nhiều khủng khiếp, chi tiết từng tuần, toàn bộ đề bài homework, thông tin hạn của quiz, các tư liệu multimedia đều đã có sẵn và có đủ… Sau đó thầy hay nói thế này: “Các trò nhớ vào LMS nhé, nhưng đừng “sợ” với tài liệu đó cũng đừng vội download hết. Mỗi tuần chúng ta sẽ cùng nhau xem từng chút một mà!”
Và cho tới ngày cuối cùng của lớp học, quả thực tất cả các tài liệu đã được dùng, được đọc và phân tích đến từng ký tự. Không có gì là dư thừa, và không để học trò thiếu thốn. Thật là vi diệu! 😅 - Template, template và template: sự xuất hiện của người thầy này thường đi kèm các template. Đây không phải là bài mẫu, mà là một cái khung để làm bài. Và cái khung thì làm 2 nhiệm vụ thôi: một là để chặn sự lan man đi quá xa, và hai là để mở ra một không gian đủ lớn cho người học tư duy. Template là một cách mà người thầy giúp người học biến những vấn đề phức tạp thành đơn giản, căn bản tiếp cận vấn đề. Có những template mà thực sự mình quý lắm, giữ để xài cho cả những vấn đề phức tạp hơn trong cuộc sống nữa.
- Giao tiếp không chưa đủ, Socialization luôn mới gọi là đủ: tất cả những gì liên quan đến môn học sẽ như quá trình xã hội hoá vậy. Kết nối với thầy, kết nối với các bạn trong lớp, kết nối với các bên ngoài lớp… toàn bộ sự kết nối dựa trên tinh thần cùng đồng tạo giá trị, cùng cộng tác, và sự tin tưởng. Và người thầy này thường làm 2 việc để kích quá trình này: một là tạo ra không gian để giao tiếp kết nối, và hai là tạo ra cơ hội để người học tham gia nhiệt tình vào quá trình đó.
- Câu hỏi, câu hỏi và câu hỏi: quá trình socialization đó để làm gì? Hầu như tất cả chỉ để hỏi, hỏi xong rồi để… hỏi tiếp, hỏi tiếp rồi lại hỏi tiếp vậy đó. Còn câu trả lời thì thường sẽ như sau: “Câu hỏi của bạn hay quá, bạn và các bạn khác nghĩ sao? [sau khi thảo luận xong] Tốt quá, chúng ta về nhớ đọc tài liệu x phần y trang z nha, để hiểu sâu hơn về nội dung mình mới thảo luận.
À, thì ra trên LMS có tài liệu đó rồi 😅 - Vô cùng supportive – tức là một người hỗ trợ rất là tốt: tất cả cứ như “thầy đã tính hết cả rồi”, trò chỉ việc đi theo đúng syllabus, làm đúng bài tập đó, tự khắc mọi thứ sẽ đến vậy. Nên thầy có lúc như hướng dẫn viên du lịch, dẫn dắt trò tự khám phá thế giới mới, lĩnh vực mới.
- Bài tập RẤT RẤT NHIỀU. Nhiều có nghĩa là mỗi ngày mỗi buổi luôn. Không khí trong buổi học thì luôn nhẹ nhàng và thư giãn, nhưng khoảng thời gian tự học thật sự rất nhiều việc để làm. Thật may, thầy thường thiết kế mọi thứ khá thú vị, kích thích sự tò mò và nguyên vật liệu thì luôn đầy đủ.
Học sao cho hiệu quả?
Thầy tốt vậy mà lại có thể không học được sao? Thật sự không dễ. Trước hết phải hiểu rằng người thầy như vậy là họ có một kiến thức và hiểu biết rất sâu về chuyên môn đó, và càng hiểu thì họ thấy nó càng… KHÓ. Tất cả những gì họ cố gắng làm là vì họ thấu cảm với sự khó của người học khi tiếp cận một lượng lớn nội dung trong một thời gian ngắn (thi thoảng một lớp học 3-4 tháng thực ra dài lắm đó).
Cho nên việc học cái môn như vậy không phải chuyện đơn giản đâu:
- Trôi, trôi, trượt và lặn… Với kiểu học chặt chẽ từng buổi học, đòi hỏi sự tập trung rất cao trong suốt quá trình học chứ không phải trông chờ vào bài thi cuối khoá (có khi chẳng có bài thi nào cuối khoá)
- Áp lực mang tên “template”: PHẢI làm cái này, PHẢI làm cái kia, tại sao lại PHẢI chú thích, tại sao font chữ PHẢI cỡ đó, tại sao KHÔNG được viết theo thể loại văn xuôi thơ ca quen thuộc mà phải dùng template của thầy? Thầy có chứng minh được tính ưu việt tuyệt đối của cái template đó chưa?
- Unlearn đau đớn: học môn nào cũng sẽ phải trải qua phần này. Nhưng với kiểu thầy này, có đôi khi người học sẽ dành năng lượng để chống lại lực “kéo” của người thầy. Hoặc, bắt đầu có những phương thức để hacking quy trình mà lớp học được thiết kế, để “ăn gian” điểm số. Cuối cùng, không có cái mới nào được tiếp thu.
Người thầy có biết những điều trên không? Chắc chắn biết, “thầy tính hết cả rồi”. Và họ cũng sẽ không cố gắng quá với những người không muốn học đâu (không muốn học mà vô lớp tui chi vậy nhỉ?)
Vậy làm sao để học hiệu quả với thầy này? Sau đây là một vài phương pháp mà mình tổng hợp lại sau khi 2 học kỳ liền được học với 2 giáo sư siêu xịn đúng với kiểu giảng viên này:
- Đọc kỹ hướng dẫn, đừng chết vì thiếu hiểu biết: trước hết là syllabus, hãy in nó ra luôn nếu thầy không phát bản in rồi đem nó theo bên mình, treo nó ở bàn học. Mọi hướng dẫn của thầy đều được tính toán cả, không có chi tiết thừa, nên hãy highlight các cụm từ quan trọng trong yêu cầu và đừng bỏ sót hoặc làm sai. Nếu có gì không hiểu, hoặc hiểu không chắc, đừng cố đoán mà hãy đi hỏi thầy ngay. Thầy tính từng chữ trong plan, nên thầy sẽ rất vui nếu từng chữ đã được đọc kỹ.
- Lập kế hoạch học tập bám sát syllabus: kiểu thầy này là người giỏi lập kế hoạch, nên hãy sắp xếp việc học trật tự theo kế hoạch. Syllabus thực ra là 70-80% kế hoạch học rồi, chỉ cần thêm các chi tiết về thời gian cụ thể bản thân dành cho việc học mà thôi.
- Hiểu template: các template vốn đã rất khoa học, dễ hiểu, nhưng vẫn hãy cứ đi hỏi thầy thật rõ từng ô từng dòng trong template hoặc hỏi thầy về mối quan hệ tất cả những thành tố trong template.
Mình là một đứa thường “template hoá” mọi thứ, nên thích những template này. Câu mà mình hay chạy đến hỏi giảng viên của mình là: “Chỗ này (trong template) có input từ đâu, output của nó sẽ liên quan đến chỗ nào? Thông tin này thuộc về phần A hay B trong template? Nên làm sao để tối ưu hoá thông tin trong template này.” Và cứ thế, mình hiểu thầy, và cũng nhờ thảo luận khám phá thêm mà hiểu cách mà não của mình tư duy. - “Thầy tính hết cả rồi” nên hãy hỏi thầy “thầy tính cái gì vậy?” nếu như có lúc nào đó chúng ta không hiểu tại sao lại như thế.
Giống như trong lớp Business Analytics của mình, phần lập trình, ở câu 1 thầy yêu cầu chúng tôi lập công thức tính một chỉ số kia. Đến câu 2 thầy yêu cầu lặp lại phép tính đó cho một bộ data khác, rồi so sánh. Tới câu 3 lại tiếp tục lặp lại y như câu 2, rồi lại so sánh. Và câu hỏi mà sinh viên trong lớp hỏi nhiều nhất là: “Em đã thử tính, thực ra nó chỉ là một chỉ số, việc tính toán lặp lại như vậy có ý nghĩa gì? Tại sao thầy lại yêu cầu lặp lại đến 3 lần?“ –> điều mà sinh viên thắc mắc chính là một mục đích nào đó của người thầy, mà bản thân chưa hiểu mục đích đó. Nếu chưa hiểu, cứ lặp lại 3 lần phép tính đó phủi tay nộp bài thì học được gì? - Đừng trễ deadline. Điều tối kỵ với một thầy kiểu tổ chức là việc trễ deadline. Nên thay vì trễ deadline, khi nhận công việc, hãy thảo luận thẳng để… điều chỉnh deadline trước khi nó bị trễ 😄 Rồi thầy sẽ “tính” cho cách để không trễ deadline.
- Đừng cố đọc trước hay học vượt chỉ vì sợ bị trượt. Nếu có thời gian, hãy dành thời gian đó để đọc kỹ hơn nữa, đào sâu hơn nữa những nội dung đã học trong buổi học gần nhất để nắm vững và chắc. Khi thiết kế lộ trình của lớp học, thầy buộc phải giả định rằng các học viên học xong bài nào là nắm chắc bài đó, sẽ có thể nhắc lại để chống quên, chứ không phải lúc nào cũng đủ thời gian để giảng giải lại. Bài học trước sẽ là nền cho bài học sau, nên đừng cố vượt thật nhanh về tốc độ khi các lớp nền không chắc chắn.
- Hãy mở rộng. Đừng mong đợi “giới hạn nội dung học”, “học tủ”. Với kiểu thầy này, học là học hết, vì chẳng có thứ gì tách rời được nhau ra đâu.
- Câu hỏi: thực ra học với kiểu thầy này, bản thân mình có một chút e ngại là đi hỏi thầy mà câu trả lời thực ra lại nằm trong cái thầy đã từng nói trước đó, hoặc những tài liệu tự mình có thể đọc được.
Nhưng đừng cố quá, nếu không biết thì cứ đi hỏi thôi, quan trọng là cách hỏi như thế nào. Hãy cứ thành thật nói về điều mình băn khoăn, để thầy biết mà thầy tính cho. - Sẵn sàng cho một quá trình đổi mới. Đến với môn học này, đừng ngay lập tức đóng khung bản thân trong những hiểu biết hạn hẹp cũ kỹ trước đó (kể cả kinh nghiệm làm việc lâu năm). Hãy kỳ vọng sự thay đổi, hãy nghĩ về tương lai khi kết thúc lớp học mình sẽ trở thành một thứ khá mới mẻ, làm được những thứ mình cho rằng impossible với mình. Và thầy sẽ đi cùng với mình chứ mình không cô đơn. Như vậy, sẽ giảm sốc hơn khi theo lớp của thầy.
- Học cách mà thầy tổ chức việc học: mình là giảng viên, nhưng trước khi là giảng viên thì mình là người học. Rất nhiều kỹ năng học hiện nay của mình là từ việc quan sát các thầy cô tổ chức nội dung học, cách họ chia ra từng phần và tổng hợp lại thành từng phần thế nào, cách đặt vấn đề và phân tích,… Mỗi chuyên môn và mỗi lĩnh vực sẽ cần có những cách khác nhau để học. Lớp học sau vài tháng sẽ kết thúc, nhưng việc học sau đó là chuyện suốt đời mà.
Bạn đã từng học với người thầy nào như vậy chưa? Nếu đã từng có một lớp học được thầy tổ chức như vậy thì chúc mừng bạn. Kiểu thầy này không phải là hiếm, nhưng không thường gặp đâu. Nên nếu gặp được, nhất định phải tận hưởng như một trải nghiệm học hành tuyệt vời nhé.
.:: Cọp Giấy thích đi học ::.
Series “Bí quyết học với những người thầy giỏi”, được truyền cảm hứng bởi tinh thần “Great Teacher and Effective Learner”
Một post thật thú vị và nhiều thông tin giá trị💖. Từ việc nhận ra một người thầy giỏi, mình tin bạn cũng sẽ trở thành một người như thế 💖. Cám ơn Vy 🍀
Cảm ơn bạn Chie
Mình vẫn đang học mỗi ngày, vì để làm thầy thì có nhiều thứ để học quá ❤️