Reflection · May 6, 2022 0

Reflection #7 – Cơ sở hạ tầng

[Reflect này lẽ ra đã viết từ rất lâu, nhưng lưu thành bản nháp, hôm nay mới điều chỉnh để đăng tải]

Khi biên tập các bài giảng Xã hội Số để xuất bản sách chuyên đề, tôi đã học được rất nhiều. Và cách nhìn về xã hội số cũng có nhiều thay đổi. Khi ta biết điều gì đó, cách ta nhìn và mô hình hoá hiện tượng xung quanh sẽ khác đi. Tôi không kịp viết xuống hết những suy nghĩ của mình, nhưng muốn chép lại một số ý tưởng chính mà mình muốn nhớ.

Bài giảng về Cơ sở Hạ tầng của giáo sư Stephen Graham là câu chuyện “Cơ sở Hạ Tầng” và sự tồn tại của các “Thành phố”, tôi nhận ra rằng:

1- TÀNG HÌNH: Dù không có định nghĩa chính xác cho cái gọi là “cơ sở hạ tầng”, nhưng nó tồn tại ở đó một cách cụ thể hữu hình nhưng đã bị TÀNG HÌNH đi trong chính cuộc sống chúng ta.

Lấy điện làm một ví dụ rất dễ hiểu. Chúng ta chỉ biết rằng cắm điện vô thì sẽ có điện, còn điện ở đâu, nguồn ở đâu, dẫn tới đâu, liên quan gì… thì chúng ta hoàn toàn không biết. Nhưng điện & hệ thống điện vẫn tồn tại, nó chỉ bị “nhúng chìm xuống” trong các hoạt động xã hội hàng ngày và trở nên “trong suốt” mà thôi.

“Chìm xuống” – vì thường xuyên nó bị lãng quên, và người ta chỉ nhận ra khi nó không còn hoạt động nữa. Và cuối cùng, mọi thứ trở thành thứ rất trong suốt. Khi ta khởi động một cái xe hơi, người ta không cần phải nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra để cái xe có thể chạy được. Khi người ta bước lên tàu, đó chẳng phải là một quá trình phức tạp gì cả, đơn giản là bước lên và đi thôi.

Gs Stephen Gaham – Bài giảng Chính sách Cơ sở hạ tầng Xã hội kỹ thuật số đô thị

Thường thì chúng ta sẽ nhét tất cả những gì thuộc về cơ sở hạ tầng, mà đang giúp cuộc đời chúng ta diễn ra vào cái hộp đen này. Ở đó, chúng ta đâu có nhìn thấy chúng, ngay cả khi nó đang lù lù ngay trước mắt chúng ta.

Gs Stephen Graham – Bài giảng Chính sách Cơ sở hạ tầng Xã hội kỹ thuật số đô thị

2- NỔI LÊN: chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra cơ sở hạ tầng khi NÓ GẶP VẤN ĐỀ.

Cũng ví dụ điện ở trên. Chúng ta chẳng biết gì về hệ thống điện, nhưng khi có sự cố về điện, ngay lập tức ta nhận ra sự tồn tại của điện. Ta nhận ra toàn bộ các hệ thống công tắc điện, điện nguồn. Ta nhận ra điện ở cột đèn giao thông, ở trạm phát internet trong toà nhà, ở bữa ăn tối, ở máy nước nóng, ở máy lạnh và vân vân.

Như một câu của David Perry đã nhận xét rằng khi cơ sở hạ tầng hoạt động tối ưu nhất, thì chúng chẳng hề được chú ý đến.

Gs Stephen Graham – Bài giảng Chính sách Cơ sở hạ tầng Xã hội kỹ thuật số đô thị

3- CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ XÃ HỘI: chúng ta cần phải học, học cách sử dụng cơ sở hạ tầng trong hoạt động xã hội của chúng ta.

Các nhà xã hội học chọn công việc lớn hơn, đó là tìm hiểu và bàn về cái xã hội đang được định hình và phát triển bởi những cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Bởi chúng gắn với những quy ước thực tế, chúng liên quan đến những quyền ưu tiên và phân bổ quyền lực. Ví dụ như chuyện bạn gọi lên tổng đài để được hỗ trợ, dựa trên “lịch sử” tương tác của bạn, mà hệ thống có ưu tiên cho bạn được gặp tổng đài viên hay không (chứ không phải gọi trước là gặp trước). Đôi khi, bạn sẽ còn phải bấm các số 1-2-3 để được “lọc” vào những nhóm hỗ trợ phù hợp.

Nhưng bản thân mỗi người, vẫn phải học cách sử dụng cơ sở hạ tầng trong cuộc sống xã hội số này. Vì chúng ta tồn tại trong đó

Nhà nhân chủng học Susan Leigh Star đã nói về việc người ta phải học cách sử dụng cơ sở hạ tầng. Như khi một đứa bé học cách vặn vòi nước, dùng nhà vệ sinh hay sử dụng ổ cắm điện. Tóm lại là phải làm quen với thế giới truyền thông số khổng lồ và phức tạp, phải học cách sử dụng phương tiện truyền thông số mà cứ năm phút lại thay đổi mới. Kể cả một người 53 tuổi như tôi đây cũng phải học.

Gs Stephen Graham – Bài giảng Chính sách Cơ sở hạ tầng Xã hội kỹ thuật số đô thị

4- THÀNH PHỐ TƯƠNG LAI:

Con người bàn về cái “thành phố tương lai” này từ rất lâu rồi, cái gì chưa xảy đến đều là tương lai. Một số ý tưởng mà tôi không muốn mình quên khi Gs Stephen Graham nói về cách con người thiết kế và theo đuổi những thành phố tương lai này.

Không gian ảo đó được tạo ra thông qua những sự khắc phục sửa chữa (remedition) này. Như vậy, một mạng lưới kỹ thuật số thì khắc phục các truyền thông điện tử, như điện thoại hay điện tín. Nó cũng sẽ sửa chữa lại hội họa, điện ảnh và truyền hình. Và như thế, không có gì trong số đó bị biến mất cả. Tất cả đã và đang được sắp xếp lại, tiêu thụ và sản xuất thông qua các phương tiện truyền thông số.

[Bàn về các mô hình Thành phố Tương lai, phản ánh những kế hoạch của chính phủ, những nhà quản lý đô thị và marketing bất động sản] Thường thiếu một thành phần xã hội. Người ta không nghĩ đến con người. Có khi nào người ta từng thấy “con người” trên những thiết kế kiến trúc hay các biểu đồ thành phố thông minh?

Trong một thế giới lúc nào cũng bị quan sát và theo dõi, thì câu hỏi về cả sự nặc danh và sự riêng tư luôn thách thức chúng ta.
Nhưng cũng còn một quan điểm đáng lo ngại không kém. Khi các thành phố được tổ chức như một loạt các phần mềm thì phần mềm sẽ trở thành các lực chính (software agency). Không có chỗ cho sự tự quyết của con người (human agency) được theo dõi và tổ chức tất cả các hành động, tất cả các hoạt động của các dòng chảy cơ sở hạ tầng trong thành phố.

Gs Stephen Graham – Bài giảng Chính sách Cơ sở hạ tầng Xã hội kỹ thuật số đô thị

Sách Xã hội Số là bản biên tập 10 bài giảng của 10 giáo sư đã chia sẻ trong chuỗi hội thảo XÃ HỘI SỐ (Digital Society) năm 2021 do Viện Việt – Đức tổ chức. Hợp tác với ban biên tập của Viện Social Life, 10 bài giảng này là bản dịch có điều chỉnh từ “bài nói” sang “bài đọc” với mong muốn giúp nhiều độc giả có thể tiếp cận với các bài giảng này hơn. Để xem video clip của 10 bài giảng + các thảo luận chuyên đề sau mỗi bài giảng, có thể xem tại đây

Giáo sư Stephen Graham đến từ miền đông bắc nước Anh đã học đại học ngành địa lý và quy hoạch đô thị.

Cities Under Siege: The New Military Urbanism (Những thành phố bị vây hãm – Đô thị quân sự kiểu mới)
là tựa đề một trong những cuốn sách của ông. Một số những điều trong bài giảng trên được đề cập trong
sách của ông: Disrupted Cities: When Infrastructure Fails (Những thành phố bị phá vỡ: Khi cơ sở hạ tầng thất
bại).