Reflection · May 4, 2022 0

Reflection #6 – Dữ liệu riêng tư, xoá hay không xoá

Khi đang review cho một vài địa điểm mà Google Map đề xuất sau chuyến tham quan, tôi bỗng chú ý đến một số chức năng (dù chúng vẫn luôn ở đó, nhưng bị phớt lờ đi). Đó là nơi toàn bộ những chuyến đi, hành trình của tôi được lưu giữ lại từ 2012 đến nay, với những thống kê và sắp xếp rất đầy đủ và chi tiết.
Khoảnh khắc đó là một cảm giác rất khó mô tả được. Sững người, tò mò, thú vị, một chút sợ hãi, dằn vặt không ra quyết định được, muốn giấu đi cùng lúc với muốn khoe cho cả thế giới biết.

Từng chuyến đi, kể cả chuyến ngắn trong ngày cho đến những chuyến dài cả tuần, đều đã được Google sắp xếp lại. Có bản đồ hành trình, timeline chi tiết từng giờ từng phút mình đã ở đâu, di chuyển bằng phương tiện gì, mapping trực tiếp với các địa điểm trên bản đồ. Có rất nhiều hành trình mà mình đã chẳng còn nhớ, những chuyến phỏng vấn ở địa phương, những chuyến thỉnh giảng mà mình tranh thủ thời gian rảnh đi các viện bảo tàng, hay những quán ăn tiện dọc đường ghé vào mà chẳng thể nhớ tên. Ngày tháng được ghi nhớ lại chi tiết, mà mỗi lần mình làm photobook sẽ tiện lợi vô cùng.

Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc rằng trong suốt 10 năm qua, mỗi một ngày trong đời, mình đi đâu làm gì đã được lưu lại đầy đủ. Mình đã đi bao nhiêu km mỗi ngày, vận tốc bao nhiêu, ghé những địa điểm nào,… MỖI MỘT NGÀY, MỖI MỘT GIỜ.

Google nói rằng user có thể xoá, và xoá xong là không thể phục hồi. Google cũng cho phép user chỉnh sửa hành trình. Ví dụ mình đã đến điểm A, nhưng mình sửa lại thành điểm B cũng chả sao, hoặc mình đã đi máy bay nhưng mình sửa lại thành đi bộ cũng được luôn. Và Google cũng nói rằng những cái report mình đang xem này hoàn toàn riêng tư, chỉ có mình mới thấy, không ai thấy cả.

THẬT AN TOÀN, THẬT TIỆN LỢI, THẬT THÚ VỊ (ít ra là với kiểu người thích khám phá, xê dịch, phiêu lưu trải nghiệm)

Khi xem lại những kỷ niệm đó, tôi đã từng muốn screenshot và nhắn cho những người trong kỷ niệm. Ví dụ như nhắn cho anh người yêu, bảo rằng thì ra cái quán đó tên là này này nè, nó ở chỗ này nè. Hoặc là anh ơi, tụi mình thêm ngày ## vào ngày kỷ niệm hàng năm nha (hoặc ủa anh ơi, tụi mình kỷ niệm lộn ngày rồi, ngày ## mới đúng 😅)

Nhưng nó xen lẫn với cảm giác BỊ THEO DÕI. Thật vậy, ai đó đã theo dõi tôi suốt 10 năm qua, mà tôi đã vô tình cấp quyền hoặc đồng ý mở cho việc theo dõi này. Họ đã có dữ liệu – có nhiều dữ liệu hơn cái mà não bộ của tôi đã từng ghi nhận và ghi nhớ. Tôi đã quên, còn ai đó lại nhớ rất rõ. Tôi có thể đã thực sự cảm thấy mệt mỏi và nói với mọi người rằng tôi đã đi lạc và mất cả tiếng đồng hồ để tìm đường (thật lòng thật dạ), nhưng bản đồ hành trình cho thấy tôi chỉ tốn có 27 phút vài giây, và tổng đoạn đường chỉ có 300 mét.

XOÁ HAY KHÔNG XOÁ?

Tôi đã KHÔNG DÁM xoá đi những dữ liệu đó. Cứ như phải xoá đi một phần cuộc đời của chính mình, hay xoá đi những ký ức mà mình đã từng quên, cảm giác mất mát là có thật. Nó gồm rất nhiều ngày vụn vặt chẳng nhớ chẳng sao, và rất nhiều chuyến đi đặc biệt mà tôi muốn nhớ mãi (dù mình quên thì ai đó hãy nhắc mình đi). Tổng hợp cả ngày vụn và chuyến đi sâu sắc là những thống kê rất thú vị – những cái làm cho bản thân mình có cảm giác kiểu “hiểu mình hơn”, “kiểm soát được mình hơn”.

Tôi đã đọc về những nghiên cứu hành vi, cho thấy trạng thái gọi là “paradox” này của người dùng, và những insights của họ khi đứng trước các lựa chọn về quyền riêng tư. Tôi cũng từng có những trải nghiệm về bảo vệ quyền riêng tư của mình khi chia sẻ thông tin, tôi luôn thận trọng và cho phép chia sẻ những gì tôi cho rằng bản thân có thể chấp nhận được. Nhưng chưa bao giờ có những cảm nhận sâu sắc như lần này. Lượng dữ liệu riêng tư của tôi bị chia sẻ quá lớn, nhưng lại “vô hình” nên có khi bản thân mình không cảm nhận được. Cho đến khi, như tối nay, một lượng dữ liệu đủ lớn phơi bày ra trước mắt, đột ngột, bất ngờ,… nên đủ làm cho tôi sững sờ.

Tôi nhớ về khái niệm “dầu mỏ mới” mà Bà Neelie Kroes đã từng ẩn dụ trong bài phát biểu năm 2012. Trong bài giảng về Trật tự Xã hội Số, Giáo sư Marion Fourcade cũng đã nhắc lại để lập luận cho thấy những dữ liệu này thật sự có thể xem như “dầu mỏ” của thế kỷ 18-19. Dầu mỏ, lúc đó, không chỉ là nguồn tài nguyên để làm giàu, mà còn là cái để định hình trật tự xã hội, phân hoá và giám sát. Chủ nghĩa thực dân đã phát triển cùng với những phát triển của dầu mỏ trong cách mạng công nghiệp.

Data is the new oil

Neelie Kroes – 2012 Neelie Kroes on the value of open public data: ‘data is the new oil’ – YouTube

Trong bài giảng của mình, giáo sư Marion Fourcade đã so sánh cho thấy: thế giới đã từng chứng kiến chủ nghĩa thực dân của những thế kỷ trước là sự áp đặt, xác định chủ quyền, và làm giàu dựa trên những vũ lực, vũ khí, đi kèm với rất nhiều sự phản kháng đẫm máu. Nhưng “dầu mới” dữ liệu ngày nay thì xuất hiện trong sự ủng hộ, tự nguyện của hàng tỷ users khắp thế giới.

Giống Google Map, Google Trip và tôi tối nay. Google dường như cho tôi tất cả quyền kiểm soát và quyền quyết định. Google không xuất hiện như một dạng áp đặt, bóc lột hay cướp mất cái gì của tôi cả. Google đến với rất nhiều tiện ích thú vị, tôn trọng tất cả quyết định của chính tôi. Kể cả dữ liệu Google đã lấy từ tôi thì cũng là để phục vụ cho chính tôi thôi. Một phần dữ liệu đã được sắp xếp hình hoá thành những báo cáo thú vị (để tôi kiểm soát quản trị chính mình), một phần dữ liệu nào đó để tối ưu hoá trải nghiệm, một phần nào đó khác nữa (tự tôi nghĩ vậy thôi) là để dạy dỗ A.I. giúp phát triển phần mềm trong tương lai (và rồi hứa hẹn điều này cũng là tốt cho tôi sau này thôi). Tôi không biết tất cả quá trình đó diễn ra như thế nào, và Google cũng không cần tôi biết đâu, tôi chỉ cần sống và xem report 😅.

Trong thế lưỡng nan của mình, nếu tôi đứng vào hàng ngũ đặt câu hỏi về data với Google, tôi sẽ vấp phải những hàng rào pháp lý hiện có và cả những ổ gà lỗ hổng pháp luật chưa có. Tiếp đó, xã hội bạn bè xung quanh chưa chắc hiểu và đồng cảm với tôi. Cộng đồng mạng sẽ có thể còn phi lý hơn khi ném những lập luận vừa fallacy vừa vô trách nhiệm: “Không thích thì xoá, ý kiến ý cò gì”, “Này, không xài thì để người khác xài nhé”, “Chắc trong hành trình có chỗ mờ ám nên mới sợ chứ giề hề hề”, “Ôi, xem nó kìa, nó dùng Google và Facebook để lên án Google & Facebook”….

Nếu tôi Google Search để xem lời khuyên, thì chính Google cũng khuyên tôi nên… cẩn trọng với chính dữ liệu của mình.

Cuối cùng, chỉ còn lại bạn.

tiêu đề một bài đăng trên Süddeutsche Zeitung, theo bài giảng của Gs. Marion Fourcade

Lúc này, tôi chỉ có thể tạm tắt các chức năng theo dõi, và vẫn chưa thể xoá. Dữ liệu đó, dẫu sao cũng là cuộc đời mình mà.

.:: Cọp Giấy ::.

Xem thêm Bài giảng của Gs. Marion Fourcade ở đây