Reflection · July 28, 2022 0

Reflection #11 – Giải lãnh thổ

Thực ra đây là một chiếc bài tập về nhà của lớp Triết học Deleuze. Thay vì đưa ra những định nghĩa, cô giáo đã cho lớp quan sát và thảo luận một số hiện tượng, để liên tục đặt cho mỗi người câu hỏi “Lãnh thổ là gì? Giải lãnh thổ là gì? Tái lãnh thổ là gì?”

Điều này làm tôi nhận ra cách học triết thật thú vị. Nó không bắt đầu từ việc đọc định nghĩa rồi xem ví dụ sẵn có của một triết gia nào đó. Mà trong cách tiếp cận này, tôi như được đi qua con đường Deleuze đã đi qua, đứng vào góc nhìn duy vật của Deleuze và quan sát, quy nạp và khái quát hóa.

Lớp học đã mở đầu với một trích đoạn thế này

Ở động vật, chúng ta biết tầm quan trọng của những hoạt động nhằm tạo lãnh thổ, nhằm rời bỏ hoặc thoát ra khỏi lãnh thổ, và thậm chí là tái lập lãnh thổ trên một cái gì mang bản chất khác (nhà phong tục học nói rằng đối tác hay bạn của một con vật « có giá trị như là nhà mình), hoặc cũng nói rằng gia đình là một « lãnh thổ di động »). Càng đúng hơn nữa đối với người vượn: ngay từ khi sinh ra, người vượn đã giải lãnh thổ hoá chân trước, nhấc chân trước lên khỏi mặt đất để biến nó thành tay, rồi tái lãnh thổ hoá nó trên các cành cây và các công cụ. Đến lượt mình, gậy là một cành cây bị giải lãnh thổ hoá. Cần phải thấy rằng, mỗi người, ở mọi lứa tuổi, trong những việc nhỏ nhất cũng như trong những thử thách lớn nhất, đều tìm kiếm một lãnh thổ cho mình, chịu đựng nó hoặc tiến hành những cuộc giải lãnh thổ hoá, rồi tái lãnh thổ hoá gần như trên bất cứ cái gì, kỷ niệm, ái vật, giấc mơ. […] Người ta thậm chí không thể nói cái gì là đầu tiên, và mọi lãnh thổ đều giả định một sự giải lãnh thổ hoá trước đó ; hoặc là tất cả đều diễn ra đồng thời. ​

Qu’est-ce que la philosophie ? (Triết học là gì?), tr.66​

Ban đầu, tôi thoáng nghĩ “lãnh thổ” như một cái gì đó bên trong – là đặc tính, là chức năng, là bản chất, là thuộc tính của sự vật và hiện tượng. Tôi nhận thấy sự “trở thành” diễn ra liên tục, luôn là 3 sự chuyển động của 2 chiều kích trong cùng một vận động: sự “tạo lãnh thổ” bao gồm việc “giải lãnh thổ” và “tái lãnh thổ”. Ngay khi “tái lãnh thổ”, thì đã bao gồm cả việc “giải lãnh thổ” để thoát ra khỏi lãnh thổ cũ rồi. Như hai chi trước của vượn người trở thành hai tay của con người, ta thấy chỉ là sự tái lãnh thổ của 2 chi thành tay, nhưng đồng thời hai chi cũng không còn là chân nữa. Chỉ một vận động nhưng có cả 2 chiều kích.

Tranh của Francis Bacon, một trong những tác phẩm đắt tiền nhất thế giới, vẽ người bạn thân một thời của mình (Lucian Freud). Tranh của Bacon dùng rất nhiều đường nét tạo ranh giới lãnh thổ nhưng lại tạo ra một vùng bất phân định: giữa con người và động vật, có đầu nhưng không có khuôn mặt, nỗi đau và sự không có cảm xúc.

Nhưng rồi khi xem tranh của Francis Bacon, tôi nghĩ đến tập tính của bầy sói. Sói “đánh dấu” lãnh thổ của mình, như cách mà mọi sự vật hiện tượng “đánh dấu” lãnh thổ của chính nó. “Lãnh thổ” như một phạm vi vô hình, của những ranh giới trừu tượng; mà trong vùng của những ranh giới đó, sự vật hiện tượng thể hiện bản chất, chức năng, thuộc tính, bản sắc của mình. Như vậy, “lãnh thổ” không phải là cái bên trong, mà là cái địa phận mà sự vật – hiện tượng ấy thuộc về. Khi tạo ra một lãnh thổ nghĩa là tạo ra những mối liên kết để định hình và giữ lại ở trong đó.
–> Vậy sự Giải lãnh thổ chính là “giải tán” những kết nối, rời bỏ khỏi những phạm vi cũ. Nhưng rồi lại “tái lập” những kết nối và phạm vi mới.

Như “con người” đặt mình trong lãnh thổ “người”, để tách ra khỏi “lãnh thổ” con vật. Để hai chi bám đất di chuyển là chân, nhưng đặt lên cành cây hay dụng cụ thì là tay. Như ông Kafka “sợ” lập gia đình, nên 3 lần viết thư cầu hôn rồi cả 3 lần viết thư từ hôn, ông “tái lãnh thổ” cuộc sống hôn nhân lên những lá thư.

Tôi nhớ trong một buổi hội thảo, thầy Nguyễn Đức Lộc đã chia sẻ với các bạn học sinh lớp 11, về những cái tôi đang bị phân mảnh trên nhiều thế giới mạng xã hội khác nhau. Thầy nhắc đến “sự phóng chiếu”, phóng chiếu một phần của mình lên một môi trường chiều kích không gian xã hội nào đó. Và có đôi khi con người thấy ngột ngạt trong một “lãnh thổ”, họ sẽ tìm đường thoát ra để “tái lãnh thổ” trên một không gian khác.

Đó không phải chỉ là những thanh niên tuổi lớn, bắt đầu thoát ra khỏi “lãnh thổ” gia đình để tái lãnh thổ trong một môi trường xã hội lớn hơn – để thành anh hùng ở một vùng đất hứa, thành người trưởng thành, từ một người con trở thành người cha người mẹ trong một gia đình của riêng mình. Giải lãnh thổ và tái lãnh thổ là để tạo ra lãnh thổ, mà nơi đó họ định hình identity và chức năng của bản thân mình.

Tôi lại liên tưởng vu vơ đến những tác phẩm văn học được tái lãnh thổ từ lãnh địa thơ ca, đến âm nhạc, ca kịch, phim ảnh, hoạt hình và thậm chí là game. Tôi có nghĩ đến những hoạt động vận động cho bản sắc đa dạng, của những người có sở thích tình dục lập dị (kinked, xin đừng gắn nhãn mác đánh giá đạo đức) như thông điệp của các bộ phim cho thấy nỗ lực tìm đường thoát, tái lãnh thổ những sinh hoạt của con người trong những hoạt động khác nhau. Hoặc những hoạt động phi nhân hóa con người cũng như nhân hóa con vật… Họ “phóng chiếu” những tình yêu, nỗi đau, sự yếu đuối, cảm xúc, kỷ niệm vào trình diễn trên sân khấu, hoặc những cảm xúc, những dụng cụ, những hoạt động khác nhau.

Tất cả là những lãnh thổ và tái lãnh thổ, một cách tạm thời, hoặc trong dài hạn trước khi lại tiếp tục giải lãnh thổ.

Và một lần nữa, tôi nhớ về status “bánh chưng” của nữ nhà văn Phạm Thị Hoài từng làm dậy sóng cộng đồng mạng dịp Tết nguyên đán 2022 này. Rõ ràng, nhà văn đã chỉ ra khối bột nếp gạo nguyên liệu đã trở thành cái bánh, tái lãnh thổ trong “truyền thống Lang Lèo (hoặc Lang Liêu)”, trong tập quán thờ cúng ngày Tết, và có khi là cả trong kỷ niệm, “niềm tự hào dân tộc” của nhiều người. Nhưng đâu có dễ để giải lãnh thổ cái bánh chưng, cho nó trở thành đồ ăn, hay tái lãnh thổ vào văn hóa ẩm thực. Phải chăng là do cái lãnh thổ hiện tại quá “mạnh” (hay là thực ra là cái lãnh thổ quá mơ hồ?)

Thú vị là trong status đó còn một món ăn khác, là một món nổi tiếng khắp 5 châu của người Việt là món “phở”, thường được đem ra đùa so sánh với “cơm”. Nhưng nhà văn đưa luôn “chó” vào phở, tạo ra bát phở chó, tái lãnh thổ cả bát ấy vào kỷ niệm tuổi thơ đói được ăn thịt. Phải chăng đó là một ví dụ của “giải lãnh thổ và tái lãnh thổ”. Nhưng cái bánh chưng chưa giải lãnh thổ được, như chính tác giả thừa nhận: nhiều “đường thoát” được đưa ra, nhưng không có đường nào để thoát.

Đó có thể là một bài nghị luận, hoặc một quan điểm xã hội học và có thể sẽ được chú ý và đánh giá, bàn luận một cách khoa học trong môi trường học thuật. Nhưng khi nhà văn “tái lãnh thổ” thể loại này trên Facebook, nó trở thành một status và chính cộng đồng mạng lôi nó về “lãnh thổ” mà họ muốn để “xử lý” (treat) nó theo cách tương ứng. Đó có thể là lãnh thổ chính trị, tâm lý, kỷ niệm, lòng yêu nước, giải trí…

— Tạm kết những dòng quan sát về “lãnh thổ” ở đây, và sẽ tiếp tục reflect sau khi học các buổi tiếp theo, nên bài này sẽ không có kết luận.

.:: Cọp Giấy học triết ::.