Reflection · June 1, 2022 0

Reflection #10 | Tiếng nói và Chữ viết

(Đôi dòng suy nghĩ khi học cùng lúc vài loại ngoại ngữ khác nhau)

Bản chất của ngôn ngữ nói hay viết có lẽ đều là những ký hiệu và tín hiệu được quy ước với nhau. Nhờ đó mà chuyển tải được những ý nghĩa. Và nhờ đó mà diễn đạt được cái ý nghĩ, suy nghĩ trong đầu ra ngoài.

TỪ Ý NIỆM TƯƠNG ĐỒNG…

Khi học ngôn ngữ, kể cả tiếng mẹ đẻ, người ta hay có câu hỏi là “Tại sao cái này lại gọi như vậy? Tại sao từ ngữ đó lại gọi là như vậy?” Rất rất nhiều câu hỏi như vậy không có được một câu trả lời, hoặc… có rất nhiều câu trả lời giả định nhưng không có lời giải chính thức.

Ở một thuở ban sơ nào đó khi từ ngữ ra đời, phải có ai đó đã có lý do nào đó để đặt ra cái từ đó. Giống như bây giờ mình có từ “bóc phốt”, “tự sướng”, “cúng phây”, hoặc “google”, “ghét gô”. Lúc ra đời, những từ này đều có lý do của nó. Nó “bị” xem là kiểu slang – một dạng từ ngữ đường phố, nhưng rồi nhiều trong số đó dần trở nên bình thường, trở nên mất nghĩa ban đầu và biết đâu, sẽ lại được ghi vào từ điển trong một phiên bản cập nhật. Cho dù không có bất kỳ một “chính sách” hay “chương trình cải tạo” nào, thì vốn dĩ ngôn ngữ cũng đã tự phát triển và biến đổi rồi.

Tôi đang học “phụ đạo” tiếng Anh. Thầy dạy tôi nhận ra các vấn đề về cấu trúc (structure) và (content) khi tôi muốn diễn đạt ngôn ngữ học thuật trừu tượng. Nên thầy hướng dẫn tôi tập trung vào cách diễn đạt các ý tưởng đồng thời với việc “tối ưu hóa” các cấu trúc câu diê n đạt. Chính khi luyện tập tiếng Anh ở cấp độ cao, sử dụng các phép tu từ và những cấu trúc lập luận logic, thì tôi nhận thấy những ý niệm (cognition) rất giống nhau giữa những ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ phép ẩn dụ, những ý niệm về CUỘC ĐỜI LÀ HÀNH TRÌNH, TRANH LUẬN LÀ CUỘC CHIẾN, TÌNH YÊU LÀ HÓA HỌC,… cho thấy cách con người (dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới) đã quan sát, trải nghiệm, và hình thành những ý niệm giống như nhau về thế giới này, về cuộc sống và những hiện tượng. (Xem thêm Lakoff nhé)

Tôi cũng đang học tiếng Mandarin (phồn thể) và Ngôn ngữ Ký hiệu Việt Nam. Một điều thú vị là ngôn ngữ viết Mandarin là một dạng chữ tượng hình, còn ngôn ngữ nói của NNKH cũng là một dạng hình ảnh như vậy. Chữ phồn thể đã bắt đầu từ cách “vẽ” lại thế giới này, NNKH dùng những ngón tay và chuyển động tay để “mô phỏng” lại thế giới này. Nó thật dễ để ký hiệu 3 ngọn núi để thể hiện chữ 山 (sơn), hoặc vạch để đếm 一二三, tương tự khi muốn nói 1-2-3 thì NNKH sẽ lần lượt đưa những ngón tay lên. Nhưng với những ý niệm phức tạp hơn thì sao?

… ĐA DẠNG CÁCH NHÌN, CÁCH THỂ HIỆN THẾ GIỚI

Chính trong cách tạo nên chữ viết hoặc “tiếng nói NNKH” cho những ý niệm phức tạp đó đã thể hiện cái tư duy, cách nghĩ của con người. Có lẽ, sẽ cần phải cân bằng giữa việc tạo ra một ký hiệu khác biệt (không trùng lặp) và phải đủ đơn giản để dễ nhớ và dễ sử dụng.

Như trong cách viết chữ phồn thể, chữ 聽 (thính = nghe), gồm có cả chữ 心 (tâm) và 耳 (nhĩ). Hai chữ này đã bị lược bỏ trong chữ giản thể, và từ đó trở thành một ví dụ cho thấy ý niệm về sự LẮNG NGHE đã bị biến đổi nghiêm trọng khi khiếm khuyết mất Lỗ Tai và Cái Tâm. Tương tự như vậy, khi muốn thể hiện sự HỌC, chữ 學 gồm phía trên là 2 bàn tay đang đưa lên như muốn ôm vũ trụ càn khôn vào, một mái nhà ở giữa, bên dưới là chữ 子 (chữ “tử” trong “sĩ tử”). Hoặc chữ 威 uy (trong “uy quyền”) có chữ qua 戈 (cái mác) bảo vệ chữ nữ 女 (người nữ, kẻ yếu). Nhiều những chữ như vậy, không phải chỉ là những nét vẽ, mà còn ở trong đó là những ý niệm về cuộc sống này. Để rồi từ thế hệ này qua thế hệ khác, dù chẳng ai dạy đạo đức cho ai, thì cứ hễ nói đến “Lắng nghe” là nghĩ đến có “cái tai và trái tim” trong đó. Hay nói đến người có quyền uy là ý niệm “bảo vệ kẻ yếu” lại thể hiện ngay mặt chữ.

Người Điếc/ người khiếm thính thì không nói bằng âm thanh. Họ tạo ra NNKH để thay cho tiếng nói âm thanh đó. Họ vẫn thể hiện được những ký hiệu bằng hình dáng và chuyển động của tay, gọi là “dấu”. Một số “dấu” để mô tả, một số “dấu” là cách thể hiện ý niệm của họ. Khi tôi học, cô giáo luôn giải thích “vì sao họ lại múa dấu như vậy” cho mỗi từ mới. Tôi thích điều này, vì nó giúp tôi thoả mãn với câu hỏi “tại sao người ta gọi cái đó là cái đó?” mà những ngôn ngữ khác thường không trả lời thỏa đáng được. Một mặt khác, điều này giúp tôi dễ dàng nhớ và múa dấu được. Thật không dễ dàng nếu làm hàng loạt động tác tay mà không hiểu nó có nghĩa là gì.

NNKH KHÔNG phải là ngôn ngữ viết. Người dùng NNKH vẫn dùng chữ viết cho ngôn ngữ viết, họ chỉ dùng NNKH để NÓI, nên NNKH còn được gọi là thủ ngữ. Những vùng miền khác nhau có những cách diễn đạt thủ ngữ khác nhau, giống như tiếng nói vùng miền địa phương khác nhau vậy. Nhưng, cô giáo cho biết rằng dù không biết tiếng của nhau, họ vẫn giao tiếp với nhau được hơn 50% và hiểu nhau trong ngữ cảnh cơ bản. Đó là điểm độc đáo của NNKH.

NNKH Đài Loan vs. Hoa Kỳ

Tôi chợt nhớ vào khoảng năm 2006, khi làm chủ nhiệm CLB tiếng Pháp của trường. Một người bạn đã đề nghị tôi làm chuỗi workshop NNKH tiếng Pháp. Thực ra thì NNKH của Việt Nam và Pháp có nhiều điểm tương đồng, do có nhiều giai đoạn lịch sử cùng nhau. Nhưng lúc đó chúng tôi đã phát hiện ra cả Pháp và Việt Nam có quá nhiều biến thể NNKH, không có một ngôn ngữ “chuẩn”. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng cần phải “chuẩn hóa” NNKH. Sau này, khi thấy New Zealand giới thiệu bộ NNKH quốc gia, tôi đã không tìm hiểu kỹ mà kết luận luôn rằng việc chuẩn hóa NNKH là một việc cần làm.

Nhưng với những hiểu biết của tôi khi bắt đầu học nhiều ngôn ngữ khác nhau, tôi hoài nghi kết luận quá sơ sài và vội vàng của mình ngày trước. Mỗi một ký hiệu, mỗi một cái “dấu” của thủ ngữ là thế giới quan, là tư duy và là sáng tạo của con người, của một cộng đồng người nào đó. “Chuẩn hóa” có nghĩa là chọn lọc và áp đặt, sự can thiệp đó có thể dẫn đến một số hệ quả như là (1) giảm đi sự đa dạng của ngôn ngữ và tư duy hình tượng, và (2) tạo ra một thế hệ múa những cái dấu vô tri vô giác.

Chuẩn hóa NNKH, hay giản thể chữ Hán (hoặc bỏ hẳn chữ Hán như Việt Nam mình) thường bắt đầu với những mục đích dễ dàng lan tỏa các ký hiệu nhờ sự đơn giản hóa nó đi. Kỳ vọng đặt ra là giảm được người mù chữ, hoặc giúp cho nhiều người nói được NNKH giống nhau hơn. Mục đích có vẻ chính đáng, nhưng cái mà con người phải đánh đổi cũng to lớn không kém.

Vì cả tiếng nói và chữ viết, đều là những phát minh sáng tạo của con người.

Tự ngôn ngữ sẽ phát triển hay mai một đi theo quy luật tự nhiên, nhưng nếu can thiệp bằng những chính sách hay chương trình thì phải rất cẩn trọng và cân nhắc thật cẩn trọng.

.:: Cọp Giấy, đầu tháng 6, 2022 ::.