Thiết kế là một công việc gồm 2 giai đoạn: tìm hiểu vấn đề và đưa ra giải pháp.
Việc nghiên cứu kéo dài xuyên suốt quá trình thiết kế, có ở cả giai đoạn tìm hiểu và giai đoạn giải pháp. Reference (tham khảo) là một phần của nghiên cứu.
Reference có mặt trong tất cả các tác phẩm/ thành phẩm của thiết kế, nó chính là cái được nhắc đến trong phần giải thích, ví dụ như “màu này tạo liên tưởng tới nhớ nhà”, “hình tròn tượng trưng cho mặt trời”, “bộ sưu tập thời trang đó lấy cảm hứng từ cánh đồng cỏ lau ở ven thành phố X”,… Trong khi tìm hiểu và thiết kế, người làm thiết kế sẽ đi tìm kiếm các chất liệu, “nguyên liệu” để giúp họ thiết kế.
Ví dụ như để có một bộ màu cho một trang web tư vấn Luật, nếu yêu cầu đặt ra là trang web phải ngay lập tức tạo cảm giác “an toàn và được bảo vệ”, nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu một cách tỉ mỉ (1) những hình ảnh, biểu tượng của ngành Luật và lĩnh vực tư vấn (2) những nghiên cứu về tác động của thị giác (visual) lên cảm nhận về sự “an toàn” và “được bảo vệ”, (3) bộ nhận diện thương hiệu hiện tại và (4) các bộ màu của website của các cty tư vấn luật khác trên thị trường. Và phải cân đối với sở thích, thị hiếu riêng của người duyệt dự án. Việc tìm hiểu này sẽ cho ra một núi các thông tin, dữ liệu và tư liệu visual dùng làm cơ sở cho giải pháp (nhưng lúc này vẫn chưa có giải pháp). Khi thiết kế giải pháp, người làm thiết kế bắt đầu “thử” nhiều phương án khác nhau từ những cơ sở đã tìm được cho đến khi có giải pháp tối ưu nhất.

Tương tự như vậy, khi thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu hay thiết kế thời trang, người thiết kế có thể tìm kiếm chất liệu cho thiết kế của mình từ thiên nhiên, đô thị, đời sống sinh hoạt, con người hoặc động vật. Chất liệu lạ có thể cho họ những thiết kế lạ, nhưng cũng có cả những nhà thiết kế dùng chất liệu quen thuộc bình dị với đời sống con người để cho ra những thiết kế lạ. Nó tuỳ thuộc vào mục tiêu của thiết kế là gì, còn chọn chất liệu nào để thiết kế là giải pháp của nhà thiết kế. Reference chính là quá trình nghiên cứu tìm hiểu để tìm ra chất liệu và đánh giá chất liệu dùng cho thiết kế đó.
Đó là cách mà các biểu tượng đã được hình thành. Ví dụ, người ta muốn thể hiện mặt trời, người ta sẽ quan sát mặt trời và dùng hình tròn để chỉ mặt trời. Chứ không phải là vẽ hình tròn, rồi sau đó viết lên một câu chuyện để thiêng hoá vòng tròn đó thành mặt trời.
Nếu thiết kế là dự án cá nhân, mục tiêu thiết kế là cái mà cá nhân đang muốn thể hiện và muốn đạt đến (giải thưởng, cuộc thi, phóng chiếu kỷ niệm nào đó,…), reference chỉ nhằm làm rõ nội dung thiết kế. Nhưng nếu đó là một thiết kế dùng cho mục đích thương mại, thì reference còn phải có thêm các thông tin về thương mại, cạnh tranh, phải gắn với thị trường, doanh thu,… Chẳng hạn, câu chuyện về nhãn dán của mấy chai nước mắm trên thị trường vẫn luôn có nhiều người chê “xấu, sến, kém sang,…” – nhưng để thiết kế ra cái “xấu, sến, kém sang” nhưng vẫn “bán chạy” là cả một vấn đề. Sản phẩm quá quen thuộc, lại gắn đến truyền thống + “tự hào dân tộc”, giờ mà thiết kế nó sang như một chai dầu olive ngoại nhập, hay chai rượu vang thượng hạng thì lập tức nó sẽ gây tranh cãi trong giới chuyên môn cõi mạng, còn ở cõi trần thì các bà các cô đi chợ vội vàng sẽ không kịp nhận ra nó là một chai nước mắm, lại càng không tạo cảm giác chai nước mắm đó ngon.
Con người thiết kế ra các khớp trục quay, xe cần cẩu, đèn, quạt, hay nhà cửa… đều dựa vào reference từ cấu trúc cơ thể con người. Chúng ta học từ cách các khớp xương gắn vào nhau giúp cho chuyển động xoay, cách cột sống đỡ cả một cơ thể, cách hệ thống dây đai chằng đàn hồi. Rồi chúng ta học nguyên lý bay của loài chim, nguyên lý lặn của loài sinh vật biển. Trong chiến tranh cũng vậy, thiết kế dàn trận cũng học từ các đàn thú, hoặc cách phân bổ thực vật trong rừng.
Vì Reference là nghiên cứu, là tìm hiểu, nên cũng có nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu, và những nghiên cứu rất hời hợt. Những ngày trình bày đồ án tốt nghiệp của môn sinh ngành thiết kế bao giờ cũng có những tác phẩm “buồn cười” như thế: cười nhưng rất buồn. Yếu tố văn hoá như tranh Đông hồ hay Thổ cẩm rất thường được nhắc đến nhưng tìm hiểu sơ sài, gắn ghép tạo hình vô tội vạ. Đây là vấn đề Chiếm dụng văn hoá, tạm thời xin bàn đến trong một bài viết khác.
Hoặc như câu chuyện về LGBT, cứ thường “được” xem như chuyện gì “nhạy cảm” lắm, nhưng lại thường bị tìm hiểu một cách sơ sài, thiết kế ngoài màu sắc cầu vồng thì lại chẳng có gì. Ví dụ một dự án thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu nội y cho LGBT (!?!), cầu vồng được áp từ logo, affiche cho đến sản phẩm (!?!). Hoặc một đồ án thiết kế khác, tìm hiểu được “có đến 150 loài động vật có quan hệ đồng tính” nên trong thiết kế của mình đã đưa hình ảnh nhiều con vật vào. Nhưng khi hội đồng đánh giá hỏi rằng, 150 loài động vật đó gồm những con gì, thì lại không trả lời được. Những con vật được đưa vào trong thiết kế cũng chỉ là… thấy nó thuận tiện dễ làm, chọn lựa theo sở thích cá nhân.
Chuyện sơ sài đó không chỉ có ở những đồ án tốt nghiệp, mà có đầy trong đời sống hằng ngày. Đó là những ấn phẩm thiết kế quảng cáo, các mẫu thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu được tạo hình một cách sơ sài, nhưng lại khoác lên đó những ý nghĩa cao siêu của “quốc tế, nổi tiếng, metaverse,…”. Như logo của trường đại học lại dùng font phổ biến của lĩnh vực giải trí, vẽ tranh hay chụp ảnh xong mới “sáng tác” phần “caption giới thiệu”, hoặc những bộ trang phục – đồng phục – lễ phục không phù hợp với tổ chức.
Nhưng không phải tất cả những thiết kế có reference sơ sài (thậm chí không làm reference) đều thất bại. Có đôi khi, người ta “thiêng hoá” cái ý nghĩa được khoác lên bên trên cái thiết kế đó, để chấp nhận nó và cấm có ai được bàn đến. Lúc này, có vẻ như sự thiết kế không còn quan trọng nữa, bởi ý nghĩa đã được phủ lên trên rồi. Đặc điểm chung của các thiết kế kiểu này là khi ai đó muốn bóc tách ý nghĩa và nguyên lý bên dưới mỗi thiết kế, sẽ nhận thấy nó là một chiếc vỏ rỗng và việc bóc tách là một điều cấm kỵ.
Ngược lại, những thiết kế có reference và hệ thống cơ sở logic bên dưới thì càng bóc tách càng thấy những lập luận chắc chắn, càng tìm hiểu càng thấy nó hay ho. Một ví dụ bên dưới là một hệ thống tái nhận diện thương hiệu (rebranding) dịch vụ dành cho cộng đồng MSM (male-sex-male), lĩnh vực y tế (HIV) với reference kỹ, gắn được với cộng đồng, tạo được niềm tin khi đến điều trị, và giá trị lịch sử của tổ chức. Nó không phải là những visual mang tính định kiến vốn có của “người ngoài” dành cho LGBT, HIV hay y khoa nhưng cũng không gây sốc vì quá xa lạ. Nó cân bằng được cả đặc tính của tổ chức, vừa sang, vừa đẳng cấp mà vừa gần gũi.

REFERENCE VÀ ĐẠO NHÁI
Nhưng Reference là NGHIÊN CỨU, là TÌM HIỂU, không phải là sao chép và bắt chước concept thiết kế của người khác. Nhiều người vẫn nhầm, làm reference là đi xem tác phẩm của người khác, thấy tác phẩm nào hay ho thì đem về đóng mác ký tên của mình. Hoặc “văn minh lịch sự” hơn, là lấy tác phẩm của người khác về sử dụng nhưng có “trích nguồn” tên của người khác.
Hoặc tệ hại hơn, đó là những tác phẩm “đạo nhái” này thậm chí còn lười tìm hiểu xem cái nguyên lý, cái chất liệu được sử dụng trong thiết kế gốc là gì. Để rồi cho ra những sản phẩm mất đi logic ban đầu. Như cái bàn cái ghế bắt chước concept kiểu dáng nhưng làm ngắn lại 5cm, lệch đi 2 độ, hoặc đổi tí xíu chất liệu.
Đạo nhái là khi hiểu sai ý nghĩa của REFERENCE, xem reference là việc “lấy concept” của người khác. Câu chuyện này dài rất dài. Là người học, là người dạy, và là người làm thiết kế, tôi thường thấy rất nhiều sinh viên của mình làm hành vi “đạo nhái” nhưng không nhận ra đó chính là ăn cắp, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm khi bị gắn mác là “ăn cắp”.
Thôi thì, hãy tìm hiểu một cách đầy đủ, đừng làm hành động ăn cắp rồi lại ngơ ngác đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết của mình. Ranh giới giữa Reference (nghiên cứu) và Sao chép (ăn cắp), có khi LÀ RẤT XA, RẤT DÀY, không thể lẫn lộn vào nhau được.
.:: Cọp Giấy, tháng 8/2022 ::.