Cuối năm 2018, tôi phỏng vấn chị Thái Bình – founder của DNXH One4One Vietnam. Tôi muốn hiểu về mô hình đổi mới sáng tạo (innovation model) của One4One. Cuộc phỏng vấn suôn sẻ, nhưng tôi không hoàn toàn lý giải được và không sắp xếp được câu chuyện của chị Bình. Câu chuyện rõ ràng rành mạnh, mọi thứ rất đơn giản không ẩn ẩn hiện hiện, nhưng nó không khớp với bất kỳ một framework nào tôi đã từng biết cả. Hay nói khác đi, mỗi framework sẽ lý giải một chút, nhưng không giải thích được bức tranh tổng thể của One4One – dù đó là một doanh nghiệp nhỏ xíu, hoạt động kinh doanh cũng đơn giản, và chị Bình cũng là một người theo đuổi sự đơn giản.
Tôi đã luôn biết rằng Innovation là những tri thức mới, không thể cố gắng lấy những cái khung cũ áp đặt vào để lý giải những hiện tượng mới. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để HỌC và xây dựng cho mình những kiến thức mới. Nhưng có vẻ One4One đang không tạo ra một cái gì đó quá mới mẻ, quá kỳ quặc hay khác người. Tôi đã nghĩ, là kiến thức của mình chưa đủ. Nhưng những framework mình đang áp dụng đây là những thứ mới nhất rồi còn gì?
Năm 2021, tôi gặp lại chị Bình, quyết định phỏng vấn lại. Lúc này, tôi có kỹ năng nghiên cứu định tính tốt hơn, xử lý tốt hơn các câu hỏi và các dữ liệu chị đã chia sẻ. Chị nói nhiều, và nhắc nhiều đến “SỰ CÂN BẰNG BỀN VỮNG” – và chúng tôi bàn nhiều đến những khái niệm kinh tế học hơn là về kinh doanh. Vậy đó, hai người có background Marketing, nhưng câu chuyện không phải là về thị trường mà là về cách thức mà xã hội đang vận hành, các ĐỔ VỠ và MẤT CÂN BẰNG của những mô hình tăng trưởng, tập trung hoá.
Tôi quyết định tìm kiếm kỹ hơn về BỀN VỮNG, và tôi bắt gặp được Service Dominant Logic lần đầu tiên từ một khoá học online của trường ĐH Thanh Hoa Đài Loan. Đây thực sự là chìa khoá, tôi bắt đầu đổi góc nhìn, và tôi bắt đầu lý giải được tầm nhìn, triết lý và mô hình của One4One.
Những hiểu biết của tôi từ trường Kinh doanh đã được đặt trên nền tảng của việc trọng sản phẩm cuối cùng, của mục tiêu làm giàu và thịnh vượng cho tổ chức – quốc gia. Tôi quen với các học thuyết về quản trị những operand resources, và thể chế hoá. Và vì vậy, mọi mô hình – dù là cấp tiến nhất, phổ biến nhất đều cũng dựa trên nền tảng đó – khoá chặt thế giới quan của bản thân và tầm nhìn hẹp, thiển cận trong một thị trường (cũng do mình nghĩ là có thị trường thôi) với những giao dịch giữa các bên.
Tôi vốn không “cuồng tín” trường kinh doanh và những học thuyết. Thực ra thì khi đi học, tôi đã khá là “ham chơi” khi lăn vào các dự án nhiều hơn là cầm sách để đọc. Một phần là, tôi đọc mà không cảm được. Tôi không đọc được Adam Smith, tôi không thấm thía được cái mà thầy cô thường dạy “mục tiêu là lợi nhuận”, tôi cũng không đồng tình lắm khi các bệnh viện, trường học, du lịch rủ nhau làm DỊCH VỤ – mà bản chất là sản phẩm hoá tất cả những giá trị của mình bằng cách tạo ra nhiều phần hữu hình cho sản phẩm đó, cố gắng biến tổ chức của mình sao cho giống doanh nghiệp có nhà máy công nghiệp và các sản phẩm giống nhau theo chuẩn mực chung nhất có thể.
Tôi có những chuyển dịch nhất định, nhận ra mình không đang đứng trên cùng một nền tảng (foundation) đó, không đang nhìn vào tiêu điểm (focus) đó. Những cái tôi nhìn, nền tảng tôi nghĩ, mindset của tôi cũng không phải chỉ có vài nét “extra value” so với mọi người. Tôi nghĩ, đến lúc mình suy nghĩ lại thật kỹ về nền tảng này, chứ không phải chỉ có tìm cách điều chỉnh và thích ứng với nền tảng của người khác.
Việc lên đường làm PhD là chuyện tới lúc phải tới (tốt nghiệp MSc cũng 6 năm rồi còn gì).
Việc tìm ra ngành Service Science của trường National Tsing Hua University (NTHU – Thanh Hoa) cũng là nhờ bạn giới thiệu, tình cờ và đúng lúc.
Và vì vậy, mình bắt đầu hành trình này, để xây dựng foundation và mindset cho chính mình. Và… mình cũng muốn trở thành một người ở nơi đó, trong cộng đồng những học giả, nhà nghiên cứu và giới thực hành có một góc nhìn rộng và trọn vẹn hơn về nền kinh tế – xã hội mà chúng ta đang sống.
.:: Cọp Giấy ::.
2 Responses
[…] […]
[…] muốn kể câu chuyện này như một ví dụ để giải thích về ngành Service Science mà mình đang theo […]