Học Ngoại ngữ & Ngôn ngữ ký hiệu

Với một đứa mà việc nghe không mấy dễ dàng như mình thì việc học ngoại ngữ chưa từng là một kỳ vọng gì. Khi nhỏ, mong ước duy nhất của mình là có thể học tốt tiếng mẹ đẻ, ở khâu nghe và viết chính tả.

Vậy mà cuộc đời sắp xếp thế nào, để mình sớm thành học sinh chuyên Văn, và ngoài tiếng Anh lại còn va vô tiếng Pháp và tiếng Hoa. Những ngoại ngữ đó chưa từng là sự chọn lựa, mục tiêu học hành cũng thực dụng lắm cơ (có cái chứng chỉ, lên thuyết trình được trong hội thảo, vượt vòng phỏng vấn, hoặc… đi chợ được, chép được bài thơ, đọc được cái menu đồ ăn,…) Ngôn ngữ ký hiệu thì khác, đó lại là sự chọn lựa của mình, chẳng vì mục đích sinh tồn hay giao tiếp, mà chỉ vì THÍCH. Một kiểu học để khám phá.

Học nhiều ngoại ngữ vậy chứ mình không thông thạo ngoại ngữ nào 😅. Nhưng lại có những lợi ích không ngờ, và kỹ năng học ngoại ngữ tăng lên rõ rệt:

Thứ nhất, đó là mình không còn cảm giác SỢ khi phải học ngôn ngữ nữa. Có nhiều kiểu sợ lắm, sợ khi không diễn đạt được, sợ vì nghĩ là nó khó (hồi nhỏ hay có cảm giác này), sợ bị quê hay bị coi thường (hồi học đại học, mình thấy nhiều bạn ở tỉnh lẻ hay nghĩ về ngoại ngữ như thế). Trong việc học, phải gỡ được cảm giác sợ thì mới tiến lên được.

Thứ hai, mình tự cảm nhận được những nguyên tắc chung của ngôn ngữ. Mình không bắt đầu bằng việc học thuộc từ vựng với ngữ pháp nữa. Ngôn ngữ là để biểu đạt, mình bắt đầu bằng văn hóa, lịch sử, nguyên lý của ngôn ngữ mới. Nó giúp mình mở lòng và kết nối nhanh hơn với ngôn ngữ mới.

Như khi học tiếng Hoa, mình xem lịch sử Trung Hoa và Đài Loan qua các clip tóm tắt ở Youtube, rồi xem các clip review khám phá ẩm thực lễ hội Đài Loan, mình xem các lớp dạy viết chữ đẹp – chữ thư pháp để hiểu về chữ. Khi ở Đài Loan, mình đi tham quan, dù chẳng gặp chẳng kết nối nhiều với ai, nhưng kết nối với cái nơi mà ngôn ngữ sinh ra.

Hay với ngôn ngữ ký hiệu vậy, lớp của CED được thiết kế bằng cách giải thích về người khiếm thính, hiểu thế nào là Văn Hóa Điếc cho thấy sự khác nhau trong quan điểm của những người Điếc, nghe kém. Và sau đó hiểu được tại sao NNKH xếp vào loại ngôn ngữ nói, đặc điểm của nó. Có nghĩa là phải đặt vào suy nghĩ của người không nghe và không nói được, chỉ dùng 4 giác quan còn lại mô phỏng thế giới rồi biểu đạt qua múa dấu tay. Rồi từ đó mới bắt đầu vào ký hiệu và ngữ pháp rất dễ dàng dù chỉ mới là lần đầu tập múa dấu.

Tập múa dấu chữ U trong tên của mình

Thứ ba là, các nguyên lý của chữ, chữ cái, âm, vần và ngữ pháp. Mình học tiểu học chương trình Thực Nghiệm (chương trình mà mọi người hiểu lầm rồi lên án Gs Hồ Ngọc Đại đấy) nên cách tư duy tiếng Việt khá chặt chẽ ngay từ đầu học tiếng Việt. Khi học ngoại ngữ, mình nhận ra rằng mình nên hồi tưởng lại cách con bé chính mình hồi xưa học tiếng Việt thế nào, cách nào để nó nghe và nhận biết tiếng, biết đọc biết viết, biết làm văn làm thơ. Cứ vậy mà áp dụng vào ngôn ngữ mới. Vì vậy, mình rất nhanh tìm ra các nguyên tắc từ ngữ ngữ pháp của ngoại ngữ để học, vì đó là cách mình đã từng quen.

Thứ tư là, khi không còn bị giới hạn trong một tiếng mẹ đẻ và chật vật học một ngoại ngữ duy nhất, mình thấy mindset mình mở rộng hơn rất nhiều. Mình nhận ra sự tương đồng và khác biệt, của những cách biểu đạt giống nhau ở những ngôn ngữ khác nhau, và sự phong phú của những cách nghĩ khác nhau. Điều này làm cho chính mình thoát khỏi những định kiến, phán xét, và kiểu phân loại mọi thứ vào 2 mặt trắng – đen duy nhất. Với mình, ngôn ngữ là để biểu đạt, nên chỉ cần tập trung vào khả năng biểu đạt thì tự nhiên văn phạm từ vựng gì đó dễ học hẳn ra.

Ngày nay, việc học ngoại ngữ không còn khó chút nào vì có rất nhiều phương tiện hỗ trợ. Năm 2022 này là năm đặc biệt với việc học ngôn ngữ của mình: vừa học tiếng Anh học thuật, tiếng Mandarin giao tiếp, NNKH tiếng Việt và NNKH tiếng Đài.

Có lẽ 1-2 năm tới, mình sẽ ôn lại tiếng Pháp và cân nhắc thêm một ngôn ngữ hệ Latinh, hoặc thuộc văn hóa cổ đại như Ai Cập chẳng hạn. Vì bây giờ, mình không còn sợ nữa. Và vì học để vui thì học dễ lắm ahihi.

.:: Cọp Giấy, Tháng 5 năm 2022 ::.