TÔI CHỈ MUỐN THẤY NHỮNG GÌ TÔI MUỐN THẤY
Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên của #Post_Truth , một hiện tượng không có gì là mới, vốn được nghiên cứu và phân tích từ rất lâu, nhưng cụm từ Post-Truth thì mới được đưa vào từ điển Oxford từ 2016, sau sự kiện Brexit.
Thực vậy, mỗi khi dư luận dậy sóng một chuyện gì đó, tôi lại thấy bạn bè trên Facebook của mình chia làm 2 phe, họ share những gì mà họ muốn tin, và là một thế giới mà họ muốn thấy. Có khi tôi cũng ngỡ ngàng, vì nguồn tin mà họ share bài là một trang vô danh với các từ khóa chèn cẩu thả và bài viết lủng củng cắt xén nhiều nguồn. Hoặc thậm chí họ share những hình ảnh bị retouch một cách lộ liễu để thể hiện sự phẫn nộ của họ. Đó không phải là những fake news quá khó để nhận ra, nhưng họ không nhận ra – mà cũng có thể là… không muốn nhận ra.
Con người mượn những sự việc như thế, những hình ảnh như thế để củng cố thêm về thế giới mà chúng ta đang hình dung. Và như vậy, thế giới qua những gì chúng ta đọc mỗi ngày đã không còn là đúng là thế giới thực nữa.

Ví dụ như những bản tin cướp giết hiếp, nếu hôm nay chúng ta đọc, thì ngày mai robot sẽ gởi đến chúng ta nhiều bài về tin tức đó hơn. Rồi các bảng xếp hạng sẽ cho thấy lượt view các bản tin đó cao hơn nên các bài tổng hợp và trang săn tin sẽ sản xuất nhiều cướp giết hiếp hơn. Rất nhiều bài lấy từ tin đồn trong “dân gian”, có khi đào lại một bài cũ xưa để thành một bài mới.
Hoặc khi Gv giao một bài tập nào đó mới, dù đã highlight im đậm, tô đỏ và nhắc nhở nhiều lần trong lớp, thì các Sv vẫn trải qua một quá trình hoang mang lạc lối với những suy nghĩ lạc đề do hiểu sai đề bài. Thậm chí sau khi đã nộp bài, họ mới giật mình tỉnh ra và đọc lại đề bài một lần nữa. Không phải vì họ không đủ kiến thức để hiểu đề bài nói gì, mà do những cảm xúc ngay ấn tượng ban đầu về đề bài đó đã khiến việc suy nghĩ lệch hoàn toàn, và khiến sau đó từ chối tìm hiểu kỹ hơn. Report thì lại hiểu là tường thuật, Reflective Journal thì lại hiểu là Diary, Plan thì hiểu là copy, Strategy thì hiểu là vĩ mô xa rời thực tế và bám sách giáo khoa.
Hoặc ví dụ như bão liên tiếp vào miền Trung trong những ngày vừa qua, chúng ta đếm từng thương vong, nghe từng câu chuyện về những nỗi đau mất mát. Nhưng không có bài báo nào viết rằng có mấy triệu người đã an toàn, có mấy ngàn hộ dân không bị hư hỏng nhà cửa trong bão lũ. Đọc đến đây, có ai chợt bực mình “Mấy chuyện đó mà cũng là tin tức hả? Sao mà con nhỏ viết bài này nói chuyện thất đức và máu lạnh với nỗi đau của đồng bào vậy?” – Vậy đó, dù bài viết này chỉ mới đề cập đến một hoàn cảnh khác của sự kiện, thì nó đã không khớp vô được với hình ảnh về miền Trung bão lũ, và ý tưởng này gây khó chịu, và phản kháng mạnh mẽ.
Nếu có bài báo nào đó như thế thật, thì hoặc là bị vào lãnh cung do chẳng ai đọc, hoặc là ai đó sẽ bị ném đá vì sự giận dữ của công chúng.
Khi học về thẩm định thông tin, thì hóa ra Fake News do những người cố ý tạo tin giả lại không đáng sợ bằng những định kiến, những cảm xúc và niềm tin cá nhân của mỗi người đọc ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin của chính họ.
Đây là những sự thật mà chủ thể muốn tin vào. Vì vậy nên cho dù có đem sự thật đến trước mặt họ, thì họ vẫn không thấy được sự thật.
Những cuộc tranh luận “I believe therefore I am right” sẽ không bao giờ có hồi kết.
Trong quyển “21 lessons for the 21th century” của Noah Harari, Post-Truth được đề cập đến như là một thách thức cho thời đại này. Mình bắt đầu có động lực để đọc kỹ và tìm hiểu sâu hơn về Post-Truth.
::. Cọp Giấy .::
Em chào cô,
Nếu một người làm báo chí hoặc một người làm Marketing có đạo đức họ đưa ra sự thật (điều mà độc giả, T.A không muốn nghe) thì họ không thể đạt được KPI và bị chối bỏ hoàn toàn bài viết, chiến dịch của họ. Vậy khi đó, một người làm báo, Marketing có đạo đức nên làm gì ạ?
Một người anh đã nói với lớp khi SV đặt câu hỏi như vậy, anh trả lời rằng: “Mỗi người cho mình một ranh giới, chạm tới ranh giới đó thì dừng. Mỗi người có ranh giới khác nhau.”
Một người bạn, đã chịu hết nổi và bỏ việc ở một agency chuyên ý tưởng quảng cáo, để chuyển sang điều hành công ty chuyên về NCTT để tạo một văn hoá “NC thật, nói những gì mình tin là thật, dựa trên số liệu thông tin một cách có khoa học.”
Còn cô thì… bỏ việc về làm giảng viên nè hehe