Đi Học / Reflection · March 31, 2023 1

Học làm một con dấu bằng đá

Hôm nay, mình dậy sớm để đến lớp học cách làm một con dấu cho riêng mình. Đây là lớp ngoại khóa của trung tâm Hoa ngữ trường mình, chỉ dành cho những học viên đang học tiếng Hoa tại trường.

Con dấu (stamp, hoặc chop) là một nét văn hóa của Đài Loan. Các con dấu đã được sử dụng từ những triều đại hoàng đế hơn 200 năm trước công nguyên. Và đến nay, mỗi một người Đài Loan đều có (ít nhất) một con dấu thay cho chữ ký để dùng trong hành chính giấy tờ. Mình qua Đài Loan, trước khi làm thẻ ngân hàng đã phải đi làm một con dấu tên mình mới có thể đăng ký tài khoản ngân hàng. Cảm giác khá lạ khi mà cùng một lúc vừa phải đăng ký con dấu bằng gỗ mộc và sinh trắc học vân tay khuôn mặt để bảo vệ tiền trong ngân hàng của mình 😄.

Trước khi đến với buổi học này, mình nghĩ chắc có lẽ chỉ là giới thiệu văn hóa và sẽ có chuyên gia làm con dấu cho mình (chứ sao mà mình có thể làm ngay được một con dấu trong 3 giờ). Vì vậy, mình nghĩ mình sẽ làm một con dấu chữ Vy 薇 tên mình bằng chữ lệ hoặc khải thư. Cảm giác như thế là hoành tráng lắm 😅.

Nhưng khi vào lớp, nhận ra bộ đồ nghề trên bàn và một phiến đá mài bóng để làm con dấu đặt sẵn trên bàn. Mình đã nhận ra ngay chẳng có chuyên gia nghệ nhân nào đâu, con dấu DYI này sẽ do chính mình làm đây. Có lẽ nhờ cảm giác thật phấn khích vì ban tổ chức đã tin tưởng khả năng của mình, mà “kỳ tích” đã xảy ra: đúng 3 giờ đồng hồ, mình đã hoàn thành con dấu tuyệt vời của mình.

Mình ghi lại đây các bước làm một con dấu mô phỏng lại phương pháp khắc dấu thủ công truyền thống :

Vật dụng – Vật liệu cần có:
1- Viên gỗ hoặc đá để làm con dấu
2- Dụng cụ chạm khắc (có nhiều loại khác nhau, mũi tù nhọn tròn khác nhau và loại dùng khắc gỗ hoặc đá khác nhau)
3- Giấy mài
4- Giấy gạo, một loại giấy mỏng mỏng như lụa hoặc như giấy can
5- Bút

Tay sạch, thời gian và ý tưởng.

BƯỚC 1: CHUẨN BỊ DỤNG CỤ VÀ NGHE HƯỚNG DẪN

BƯỚC 2: MÀI MẶT IN CỦA CON DẤU TRÊN GIẤY MÀI (GIẤY NHÁM MỊN)

Bề mặt đá ban đầu còn vân đá và chưa mịn. Cần mài vuông góc, kéo thẳng 1 chiều (không kéo tới kéo lui) viên đá trên giấy mài để làm mịn bề mặt. Có thể xoay chiều viên đá để bề mặt mịn đều. Bột của đá sẽ phủ một lớp trắng trên bề mặt của đá, giúp việc nhìn dễ dàng hơn.

BƯỚC 3: PHÁC THẢO Ý TƯỞNG

Biết khả năng có giới hạn, nên mình từ bỏ ý tưởng viết bằng khải thư, mà tìm về chữ tiểu triện. Chữ triện là chữ tượng hình cổ xưa, vào thời mà còn khắc các văn bản lên vỏ rùa xương thú (giáp cốt văn). Thời đó, có chữ là may rồi chứ đâu có đòi hỏi chỉn chu bố cục tỷ lệ chi đâu. Tên của mình có bộ Thảo 艸,bộ Xích 彳 và bộ Sơn 山。Nhưng kể cả dùng triện thư thì vẫn có quá nhiều nét. Vậy nên mình chuyển sang sử dụng họ 范 với bộ thảo 艸 và bộ thủy 水. Trông đơn giản hơn mà vẫn ổn.

BƯỚC 4: SAO CHÉP Ý TƯỞNG LÊN BỀ MẶT CON DẤU

Thầy đang thị phạm cho lớp xem

Nguyên tắc in của con dấu là sử dụng bề mặt âm dương, với phần lồi lên sẽ tạo thành mảng dương trên giấy (mảng có màu), còn phần lõm trên con dấu sẽ là mảng âm (không có màu). Vậy nên nếu muốn hình trên giấy hiện ra thế nào, thì con dấu phải chạm khắc ngược lại (đối xứng qua gương). Dành cho người mới bắt đầu thì dễ nhất là in chữ lên bề mặt rồi khắc lõm theo chữ đó là được.

Để in chữ lên con dấu, mình được trải nghiệm một phương pháp thủ công truyền thống: dùng mực tàu vẽ lên giấy gạo, áp giấy gạo lên mặt con dấu, dùng nước thấm từ phía sau cho mực thấm lên bề mặt (đang có bột trắng) của con dấu.

Ở bước này, thầy hướng dẫn đã giúp mình viết lại chữ 范 bằng những đường thẳng. Với người mới như mình, mình chưa phân biệt được các biến thể dị thể, và chữ nào là chữ Lệ hay Triện. Nhưng đây là con dấu, kể cả nếu mình muốn pha trộn thì sự sáng tạo là có thể mà.

BƯỚC 5: ĐẶT VÀO GIÁ, VÀ BẮT ĐẦU CHẠM KHẮC

Đúng ra việc này không hẳn là thành một bước, nhiều nghệ nhân còn cầm hẳn con dấu trên tay chứ không cần đặt vào các giá kẹp cho mấy chữ đơn giản thế này. Nhưng vì chiếc hộp giá đỡ đã xuất hiện quá hoành tráng, chu đáo trong buổi tập huấn, nên nhắc đến nó chứ nhỉ?

Chiếc giá đỡ này là một khung gỗ, gồm nhiều thanh gỗ dày mỏng khác nhau. Có 2 thanh đặc biệt dài hơn và vác thành hình thang (cắt xéo). Khi ốp 2 thanh này lại được một hình chữ nhật, nhưng khi kéo chéo 2 thanh này ra sẽ tạo thành độ dày xiết chặt con dấu. Như vậy, chiếc giá này rất linh động với mọi độ dày mỏng của con dấu.

BƯỚC 6: CHẬM CHẬM TỪ TỪ KHẮC LÕM THEO HÌNH VẼ. BẮT ĐẦU TỪ KHUNG VIỀN VÀO TRONG

Việc này là bước thư giãn nhất, bởi vì không cần động não nghĩ gì nữa, cơ thể thả lỏng toàn thân. Tất cả chỉ tập trung vô cái mũi dùi nhỏ xíu đó, nhích từng milimet, từng milimet. Mà cũng may, con dấu bé chút xíu thôi!

Mình khắc con dấu này khoảng 45 phút. Thời gian trôi nhẹ như không.

Và vậy là xong rồi đó, bước cuối cùng là dùng con dấu này để in.

Kết quả

Học một điều mới luôn luôn đem lại cảm giác thú vị. Nhất là khi chỉ mới làm quen, chưa đi sâu vào những khủng hoảng của unlearn thì mọi thứ thật hồng lãng mạn lắm 🥰.

Lúc chạm khắc, đầu óc không thể không có mấy suy nghĩ reflection thế này:

  • Cảm giác dường như mình đang PHÁ HỦY chứ không phải đang TẠO RA. Bề mặt đá biến dạng (liên tục có những lúc “á lỡ tay” nữa 🥲). Đường nét chữ trên bề mặt dần biến mất. Nhưng kết quả cuối cùng của cả cái quá trình phá hủy đó là một con dấu mới được tạo ra.
  • Đây là trải nghiệm của “sự trở thành” (“becoming”) của Deleuze đây sao? Hay là “giải lãnh thổ hóa” đây mà? Kết thúc của quá trình chạm khắc, viên đá ban đầu không còn là viên đá mà thành một con dấu. Khi là viên đá, người ta dùng nó để kê để chặn hoặc vứt nó đi. Nhưng khi là con dấu, người ta phải cất nó kỹ cho khỏi mẻ khỏi vỡ khỏi bụi. Dùng để chấm mực in, vậy là viên đá thành con dấu thì chuyển lãnh thổ sang nơi có mực có giấy nữa. Các đường nét lồi lõm trên đá, khi được gán cho cái trật tự liên kết tạo thành ký hiệu của con người, thì sẽ chuyển thành cái chữ ký có màu trên các văn bản. Nhiều sự giải lãnh thổ hóa và tái lãnh thổ hóa ở đây!
  • Chợt nghĩ rằng cái sự vi diệu này có được là nhờ mình ngồi đây nhích từng milimet trên đá mới có được, chứ chẳng phải ai xài con dấu cũng nhận ra —> ôi thấy vui một cách vi diệu 😁
  • Chạm khắc thì ra là một trò chơi 3D – câu hỏi lớn nhất: “Độ sâu bao nhiêu là đủ?” (Lúc đi in ra thành quả mới biết độ dày của nét cũng rất quan trọng)
  • Lúc nhỏ, mình đã từng rất sợ cảm giác phá hủy này, nên đã không thể chơi nặn đất sét (kẻo phá hỏng các thanh đất sét thẳng đẹp thơm), không thể tự tin vẽ một bức tranh và tô màu nước lên đó (sợ phá hỏng giấy, hỏng hộp màu, và hỏng cả những nét phác hoạ). Ngặt nỗi, phải phá hủy thì mới tạo ra được thành quả. Và mình đã mãi đứng lại ở đó – ở một cô bé sưu tầm nhiều đất sét, màu, giấy viết thư, giấy vẽ… nhưng không tạo ra bất kỳ một tác phẩm nào cả.
  • Vậy tại sao hôm nay mình tự tin ngồi đục đẽo đá vậy? Vì mình nghĩ thế này: mọi lỗi chênh phô trượt tay trên cục đá này đều là dấu ấn của mình trên con dấu của mình. Ai lại đi phán xét tình trạng “bị phá hủy” của một cục đá khi đánh giá một con dấu biểu tượng cá nhân chứ 🤭
  • Một ai đó nhìn vào dấu in này có thể chê con dấu xấu quá. Nhưng trên đời này chỉ có duy nhất mình biết nó xấu chi tiết cụ thể ở đâu 😅 và quá trình cái xấu đó đã được tạo ra thế nào.
  • Nghĩ đến đây, cảm giác đang nắm giữ những bí mật của một con dấu 🤣. Mình thích những điều bí ẩn nhỏ nhỏ thế này.

Và khi nhìn thành quả của mình được in ra cùng với sản phẩm của các bạn khác, mình có cảm giác có thành tựu. Đi học, là vì những niềm vui nhỏ thế này thôi.

Và văn hóa là như thế, dù chẳng nói bằng lời, chẳng biết chằn hiểu về lịch sử, nhưng khi đã tham gia tạo ra một thứ gì đó, cùng chia sẻ với mọi người, cùng “đóng dấu” vào tấm bảng đó, mình hình như vừa chạm vào văn hóa và để lại một dấu ấn bé tí tẹo cùng với cộng đồng nhỏ này rồi. Trăm triệu tỷ dấu ấn như thế, tạo ra cái gọi là văn hóa.

.:: Cọp Giấy đi học ::.